Thời cơ nối tiếp thời cơ, chiến dịch mở ra chiến dịch, hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975 xác định "Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu". Ngày 1-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tốc độ "một ngày bằng 20 năm". Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là "Chiến dịch Hồ Chí Minh".
 
Như những dòng chảy cuộn trào, xe pháo và tàu thuyền đủ loại, bộ đội, du kích, dân công và Thanh niên xung phong, những ngả đường tấp nập..., cả dân tộc từ Bắc chí Nam đang hành quân, hậu phương đang dốc toàn lực ra tiền tuyến. Trong dòng sông bất tận ấy, có không ít người con xứ Nghệ đã cùng cả nước lên đường, thẳng tới đích đến cuối cùng: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giang sơn thu về một mối. Gặp lại những người đã góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân lịch sử, cũng là thêm một lần được chạm tay vào một thời huyền thoại.
 
Hồi ức của thiếu tướng Cao Xuân Khuông về 81 ngày đêm của mùa hè 1972 đỏ lửa ở Quảng Trị là một bản anh hùng ca của quân đội ta. Nơi đó, tiểu đoàn do thiếu tướng chỉ huy lúc cao điểm lên tới trên 900 người, chỉ còn 47 người trở về. Nhưng cũng tại đó, chúng ta đã tiêu diệt 26.000 tên địch, bắn rơi 100 máy bay, phá huỷ 300 khẩu pháo, hàng trăm xe bọc thép. Không những khiến kẻ địch phải kinh hoàng về lòng quả cảm của Bộ đội Cụ Hồ, mà ta còn đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của chúng.

764959_small_62327.jpg
 Cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 571 (Bộ đội Trường Sơn) - đơn vị chủ công đưa bộ đội hành quân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Bác ở Quảng trường Hồ Chí Minh.

Đại tá Trần Hữu Bào - người được phong anh hùng quân đội khi mới vừa tròn 21 tuổi kể về trận đánh nổi tiếng chiếm căn cứ Thượng Đức. Lúc đó, Sư đoàn 304, thuộc quân đoàn 2 mới được thành lập đã được giao đánh vào Thượng Đức trận đầu tiên. Đây là một căn cứ nằm ở phía Tây Quảng Đà, là một tiền đồn cực kỳ kiên cố để bảo vệ cho căn cứ liên hợp Đà NΩng chỉ cách đó 40km. Thượng Đức được Mỹ-Nguỵ xem là "Mắt ngọc", là "Cánh cửa thép bất khả xâm phạm". Vì thế, lực lượng địch ở đây được tập trung với đủ binh chủng. Ta quyết chiếm Thượng Đức với quyết tâm cao, đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp giao nhiệm vụ. Trận Thượng Đức đã tiêu diệt hoàn toàn căn cứ địch tại đây, diệt 1.600 tên địch, thu giữ nhiều vũ khí. Tại trận đánh trên cao điểm 595-Khe Sanh, đồng chí Trần Hữu Bào đã kiên gan bám trụ và giết được trên 70 tên địch.
 
Đại tá Phan Huyền Cơ - Chủ nhiệm chính trị Binh chủng Ra đa-tên lửa nhớ về một thuở bằng những tâm sự rất thật: Mỗi khi đến dịp 30-4 lại thêm một lần không ngủ. Chắc hẳn trong lòng người lính già vẫn còn vẹn nguyên kỷ niệm của 55 ngày đêm chiến dịch. Chúng ta cũng không thể quên những người lính của một đoàn quân đặc biệt, lặng lẽ, chìm vào đất nhưng lại giáng cho địch những đòn sấm sét : bộ đội đặc công. Trung tá, Anh hùng quân đội Phạm Thanh Tâm, thuộc Tiểu đoàn 315, đã tham gia giải phóng Thừa Thiên Huế, chiến trường Quân khu 5 đến hết 30-4 với những kỷ niệm về các trận đánh nổi tiếng ở Thượng Phước (Bắc Quảng Trị), căn cứ Ái Tử với 3 lớp rào canh phòng... đã gây cho địch rất nhiều tổn thất nặng nề. Thiếu tá Chu Xuân Lan trong Sư đoàn Sông Lam (tức 341), sư đoàn thành lập trên đất Nghệ đã vinh dự nhận nhiệm vụ cuối cùng: mở cửa Xuân Lộc, cửa ngõ cuối cùng tiến vào Sài Gòn. Ông vẫn thường xuyên mang theo danh sách 60 đồng đội bị thương, 13 người hy sinh của Đại đội 5 anh hùng trong trận Xuân Lộc cửa ngõ Sài Gòn năm 1975. 

Trở lại một thời trận mạc, đại tá Hà Đức Hòa, Chủ tịch Hội CCB Tân Kỳ vẫn còn nguyên ký ức của những ngày tháng hào hùng. Cùng với những cánh quân ào ạt, vũ bão tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến sỹ Hà Đức Hòa nằm trong đội hình của tiểu đoàn trinh sát thuộc quân đoàn 2 Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, còn gọi là Sư đoàn Vinh Quang) và tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn xe tăng thuộc Quân đoàn 2. Thời điểm này cũng là thời điểm khốc liệt nhất của chiến dịch khi địch đang tuyệt vọng tử thủ, ta đang trên tư thế tiến công vũ bão. 
 
Giải phóng Sài Gòn, ông được Quân đội cho đi học sỹ quan Trường Sỹ quan lục quân 1 ở Sơn Tây và lại trở về với Tiểu đoàn Trinh sát đã một thời gắn bó. Tiếng súng vẫn còn, ông lại cùng đồng đội lên làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Đất nước hoàn toàn im tiếng súng, ông Hòa tiếp tục trải qua nhiều cương vị khác nhau, cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm đại tá, nghiệp nhà binh dường như vẫn chưa thôi "xa" khi ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội CCB huyện Tân Kỳ. Trò chuyện với ông trong những ngày cuối tháng Tư lịch sử này, thấy chất "lính" nơi ông vẫn còn đầy khí thế.


 Cựu chiến binh Tân Kỳ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trò chuyện cùng tác giả.

Trong dịp hội quân truyền thống của Sư đoàn ô tô vận tải cơ động 571 cũng trong dịp 30-4-2011 này, chúng tôi đã được gặp lại những chứng nhân của một đơn vị Anh hùng. Sư đoàn có đến gần 500 CCB là người xứ Nghệ. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP Vinh cũng nguyên là CCB của Trung đoàn 13, Sư đoàn 571. Sư đoàn 571 và Sư đoàn 471 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là 2 sư đoàn vận tải chiến lược quan trọng của Binh đoàn Trường Sơn trong suốt các chiến dịch những năm đánh Mỹ. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng với các đơn vị khác, Sư đoàn đã góp một phần không nhỏ vào chiến thắng chung của dân tộc. Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử năm 1975, các đơn vị ô tô của các Sư đoàn 571 đã cơ động hàng chục ngàn quân của các quân đoàn đánh thẳng vào thành phố Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh biệt khu Sài Gòn...
 
Đại úy Nguyễn Văn Mão, nguyên trợ lý chính trị Tiểu đoàn 66, Trung đoàn 11 vẫn còn nhớ như in những ngày tháng 4-1975. Lúc đó đơn vị ông có nhiệm vụ cơ động chuyển quân cùng Quân đoàn 2 từ Đồng Xoài đánh xuống. Chiều 30-4, ông đã có mặt tại Sài Gòn, chứng kiến chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
 
Một CCB khá đặc biệt của Sư đoàn 571 là ông Phan Văn Quý. Rời quê hương Nhân Thành (Yên Thành) nhập ngũ năm 1971 khi mới tròn 18 tuổi, Phan Văn Quý đã trở thành người lính lái xe thuộc Tiểu đoàn ô tô 52, Trung đoàn 11. Gần 4 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự ở chiến trường, Phan Văn Quý đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, lái xe chạy được hơn 65.000 km an toàn, tiết kiệm gần 7 nghìn lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền của đơn vị. Với nhiều thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ vận tải quân sự, tháng 6-1976, Phan Văn Quý đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa 23 tuổi, là Anh hùng có tuổi đời trẻ nhất trong số 47 anh hùng thuộc Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Chiếc xe Zin157 của Phan Văn Quý hiện vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi trọn vẹn nhiệm vụ lịch sử lớn lao, những người lính, người anh hùng năm xưa lại trở về bình dị giữa nhân dân. Bây giờ, giữa cuộc sống đời thường, nét trận mạc hào hùng như đã lặn vào trong tâm khảm, chỉ khi gặp lại đồng đội cũ, chuyện xưa mới trở lại tuôn trào. Nhưng không hiểu sao, ngồi cạnh họ, tôi vẫn như đang thấy trước mắt những đoàn xe tăng đang hành tiến, cờ trong tay những đoàn quân dưới bầu trời lồng lộng đã quang bóng thù và câu hát chợt vút cao "...Ta đi trong muôn ánh sao vàng..."


Trần Hải