Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo hoãn Hội nghị thượng đỉnh G7 ít nhất cho tới tháng 9, thay vì theo kế hoạch vào cuối tháng 6, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Đi kèm với thông báo đó, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố "cỗ máy" G7 đã lỗi thời, và muốn mở rộng thành phần các nước tham dự hội nghị, bao gồm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.
EU cho rằng, liên minh này luôn xem trọng G7 như một tổ chức đa phương quan trọng. Do đó, không thể tùy ý thay đổi cơ cấu bởi nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cụ thể là Mỹ.
"Nga đã bị loại ra khỏi nhóm G8 (Nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới). Một cuộc thảo luận có ý nghĩa sẽ diễn ra chỉ khi Nga thay đổi thái độ và tôn trọng các quy tắc quốc tế. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 không thể ở định dạng G8" - phát ngôn viên của EU cho hay.
Nga đã bị loại ra khỏi nhóm G8 vào năm 2014. Đây là đòn đáp trả trực tiếp từ các nước phương Tây nhằm trừng phạt việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đa phần các quốc gia thành viên G7 đã phản đối các cuộc điện đàm trước đó của Tổng thống Trump với người đồng cấp phía Nga Vladimir Putin, và từ chối tái thừa nhận Moskva.
Phát ngôn viên của EU thừa nhận việc mời các quốc gia bên ngoài tham dự là quyền của Mỹ - nước chủ nhà, thế nhưng thay đổi tư cách thành viên là điều không thể.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/6, đại diện Bộ Ngoại giao Pháp bày tỏ quan điểm, sự tham gia của Nga vào Hội nghị thượng đỉnh G7 phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên còn lại của nhóm.
"Mọi quyết định liên quan đến Nga đã được G7 thông qua vào năm 2014. Cũng như vậy, bất kỳ quyết định mới nào cũng cần được thông qua theo thỏa thuận chung của các nước thành viên G7, trong bối cảnh thực thi Thỏa thuận Minsk" - Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố.
Anh và Canada cũng đã phản đối việc mở rộng thành viên tham dự Hội nghị G7, bao gồm cả Nga, thậm chí sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn cản Nga trở lại là một thành viên của nhóm
Điện Kremlin trước đó đã thông báo, Tổng thống Donald Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin về ý tưởng tổ chức Hội nghị thượng định G7 vào tháng 9, với lời mời tham dự của các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc.
Phía Nga cho rằng, đề xuất của Tổng thống Trump đã đặt ra nhiều câu hỏi, và các nhà ngoại giao của họ sẽ tìm kiếm câu trả lời từ Washington.