KHỦNG HOẢNG “KÉP”
Ngày 25/5, Floyd, một người Mỹ gốc Phi vừa bị mất việc cách đó không lâu do hậu quả của các lệnh đóng cửa cơ sở kinh doanh để phòng, chống đại dịch Covid-19, tử vong sau khi bị một cảnh sát dùng đầu gối ghì chặt cổ trong 8 phút 46 giây, do tình nghi Floyd tiêu thụ tiền giả. Derek Chauvin - vị sỹ quan cảnh sát nọ đã phớt lờ lời khẩn cầu đau đớn của Floyd, trong khi 3 cảnh sát khác đứng nhìn còn người qua đường van lơn Chauvin ngừng ghì đầu gối vào cổ Floyd.
Một đoạn băng ghi lại cảnh tượng này sau đó được đăng lên mạng và nhanh chóng lan rộng. Theo đó, khi Chauvin thả Floyd ra, người đàn ông da màu đã nằm im bất động và sau đó nữa được xác định tử vong tại một bệnh viện địa phương. Chauvin cùng 3 sỹ quan cảnh sát liên quan đến vụ việc đã bị sa thải ngày 26/5, và đến 29/5 thì Chauvin bị bắt giữ, buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát.
Sự việc trên ngay lập tức đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp lãnh thổ nước Mỹ, hàng nghìn người biểu tình nhanh chóng đổ xuống đường phố tại Minneapolis, cũng như nhiều thành phố khác. Dù trong số này phần nhiều là các cuộc biểu tình hòa bình, song một số cuộc đã chuyển hướng sang nhuốm màu bạo lực, khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt nhà cửa và cướp phá.
Các cuộc biểu tình chẳng khác gì “giọt nước tràn ly” khơi mào “khủng hoảng kép” khi mà vốn dĩ năm 2020 đã và đang đem đến nhiều nỗi đau sâu sắc cho cộng đồng dân da màu tại xứ cờ hoa.
Rõ ràng các cuộc biểu tình tập trung nhắm vào lực lượng cảnh sát, công tác trị an, song nó chẳng khác gì “giọt nước tràn ly” khơi mào “khủng hoảng kép” khi mà vốn dĩ năm 2020 đã và đang đem đến nhiều nỗi đau sâu sắc cho cộng đồng dân da màu tại xứ cờ hoa. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tác động mạnh mẽ hơn nhiều đến người Mỹ da đen và Mỹ Latinh, khi bộ phận này có tỷ lệ nhiễm virus và tử vong do Covid-19 cao hơn người da trắng. Bên cạnh “bất công” về sức khỏe, bất ổn kinh tế do các biện pháp yêu cầu ở trong nhà cũng khiến người da màu phải hứng chịu “đòn đau” đặc biệt, họ mất việc nhiều hơn, ít khả năng ổn định tài chính hơn...
Trong lúc người Mỹ đang phải “vật lộn” với những tiêu đề bi thảm trên mặt báo, liên quan đến những người da màu phải sớm khép lại sinh mệnh do bạo lực của người da trắng hoặc lực lượng cảnh sát trong những tuần gần đây, thì lại xuất hiện thêm một đoạn băng khác, cho thấy một phụ nữ da trắng vờ như bị một người đàn ông da màu đe dọa mạng sống, trong khi thực tế ông này chỉ yêu cầu cô ta xích chú chó cưng lại! Theo Vox, qua đó có thể thấy rằng, ngoài những quan ngại về nạn bạo lực liên quan đến bộ máy nhà nước, thì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống ở Mỹ đã tạo ra những tình huống nguy hiểm đối với người Mỹ da màu, kể cả khi họ chỉ làm những việc thường tình nhất.
GỐC RỄ VẤN ĐỀ
Sau cái chết của Floyd, dư luận Mỹ đã nhanh chóng phản ứng đồng loạt. Giới chính khách, giải trí, vận động viên và nhiều nhân vật công chúng khác đã lên tiếng. Cựu Tổng thống Barack Obama đã có tuyên bố dài kêu gọi đất nước tìm ra một “tình trạng bình thường mới” cho người Mỹ da màu. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden gọi thời khắc này là một “cuộc khủng hoảng quốc gia” đòi hỏi “vai trò lãnh đạo đưa mọi người ngồi xuống bàn bạc để có thể tìm ra các biện pháp nhổ tận gốc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống”. Tổng thống Donald Trump cũng gửi lời chia buồn tới gia đình Floyd.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Minneapolis và nhiều địa phương khác trên khắp nước Mỹ, thậm chí lan sang nhiều quốc gia khác nữa, ban đầu là cách để người dân bày tỏ cơn giận dữ không chỉ trước cái chết của Floyd, mà còn về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng luôn tiềm ẩn, âm ỉ trong xã hội Mỹ suốt nhiều thế kỷ qua. Nhưng như đã đề cập, bất ổn lớn dần khi biểu tình biến tướng, nhường chỗ cho nạn cướp bóc, phá hoại, nhiều đồn cảnh sát và nhiều tòa nhà bị phóng hỏa.
Tại Minnesota, thống đốc bang đã phải huy động toàn bộ lực lượng Vệ binh Quốc gia để lập lại ổn định. Xu thế này lan nhanh ra các địa bàn khác, cuối tuần trước, đến lượt Atlanta, Brooklyn, San Jose, California, Miami, Chicago, Dallas... phải chứng kiến những cảnh tượng đáng tiếc, hàng trăm người biểu tình quá khích bị bắt giữ. Thậm chí, Nhà Trắng cũng trở thành “đối tượng” để đám đông tụ tập, bao vây, khiến ông Trump phải tạm lánh xuống hầm...
Tình hình trên toàn nước Mỹ không chỉ đơn thuần dừng lại xoay quanh cái chết của George Floyd, mà đã leo thang vượt ra khỏi khả năng tưởng tượng của nhiều người.
Có thể thấy, tình hình tại Minneapolis nói riêng và trên toàn nước Mỹ nói chung không chỉ đơn thuần dừng lại xoay quanh cái chết của công dân da màu George Floyd, mà đã leo thang vượt ra khỏi khả năng tưởng tượng của nhiều người, đến mức lệnh giới nghiêm được ban bố nhưng cũng không mấy hiệu quả trong việc ngăn chặn biểu tình tiếp diễn. Tình thế vốn đã căng là vậy, thì Tổng tư lệnh của nước Mỹ đầu tuần này lại có bài phát biểu từ Nhà Trắng, trong khi ở phía bên kia hàng rào, cảnh sát đang xịt hơi cay vào người biểu tình, khẳng định sẽ ra lệnh cho quân đội trấn áp biểu tình, cho biết đang điều hàng nghìn binh sỹ xuống đường tại thủ đô Washington và đe dọa triển khai quân tới các bang không có khả năng giành lại quyền kiểm soát.
Dĩ nhiên, nhiều ý kiến đã ngay lập tức phản ứng trước tuyên bố của chủ nhân Phòng Bầu dục. Nhưng gác lại những tranh luận xoay quanh các cuộc biểu tình, cần tỉnh táo nhìn ra một vấn đề sâu xa hơn đòi hỏi phải được chú ý: đó là cách thức người da màu được đối xử tại nước Mỹ. Nhiều số liệu cho thấy người da màu là đối tượng bị nhắm đến và đối xử không đúng bởi cơ quan hành pháp. Nam giới da màu có xác suất bị cảnh sát bắn hạ là 1/1.000, có nguy cơ bị cảnh sát nhắm vào, truy lùng cao gấp 2 người da trắng. Họ thường bị tống vào tù hơn, và cũng thường phải gánh án tù dài hơn.
Những sự phân biệt đậm màu sắc tộc này không chỉ dừng lại ở khía cạnh hình sự. Bất bình đẳng hiện diện trong rất nhiều khía cạnh đời sống ở Mỹ. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra: căn bệnh cũng khiến người da màu bị nhiễm và tử vong nhiều hơn, gây tổn hại đến các khu vực có các nhóm người thiểu số sinh sống nhiều hơn. Đó chính là thực tế mà người da màu đang phải đối diện từng ngày tại xứ sở cờ hoa.
Tựu trung, trong luồng tin tức liên tiếp xoay quanh làn sóng biểu tình phản ứng trước cái chết của Floyd, có lẽ quan trọng hơn cả là khả năng người ta có thể để “mất dấu” vấn đề thực sự: chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tồn tại suốt nhiều thế kỷ trong nền tảng xã hội Mỹ, hiện vẫn gây ra những tổn thất khôn xiết, mà phần lớn trong số đó do cộng đồng người da màu gánh chịu.