Thách thức bất ngờ từ Covid-19
Lần cuối cùng Đức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu là vào năm 2007 với chương trình nghị sự quan trọng nhất khi đó là thống nhất một số cải cách đối với Hiệp ước Lisbon.
Bây giờ, để chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch của mình, Đức đã có một thời gian dài chuẩn bị với danh sách các ưu tiên được thảo luận kỹ lưỡng như kiểm soát khí nhà kính, quan hệ với Anh thời “hậu Brexit”, khung ngân sách của EU… Nhưng Covid-19 đã đẩy tất cả những ưu tiên đó sang một bên, thay vào bằng nhiệm vụ trọng tâm: ngăn chặn đại dịch, nới lỏng giãn cách xã hội và tái thiết nền kinh tế.
Covid-19 không chỉ làm phát lộ những lỗ hổng của Liên minh châu Âu trong cách ứng phó với dịch bệnh, mà còn làm sáng tỏ một thực tế về khả năng phối hợp cùng vượt qua khó khăn của các quốc gia thành viên. Tháng 3 là thời điểm Covid-19 hoành hành dữ dội nhất tại châu lục, đồng thời cũng là thời điểm chứng kiến các nước châu Âu “mạnh ai nấy làm” trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế dịch bệnh, cho thấy các thành viên ưu tiên giải quyết vấn đề của quốc gia hơn là giải quyết vấn đề của châu Âu.
Cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy các nước thành viên châu Âu vào tình huống khó khăn chưa từng có.
Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt mà lần lượt các nước đều phải áp dụng sau đó đã làm đảo lộn thị trường nội khối, làm lung lay y tưởng về một châu Âu không biên giới. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã đẩy các nước thành viên châu Âu vào tình huống khó khăn chưa từng có cả về kinh tế và xã hội, đòi hỏi phải các biện pháp xử lý quyết đoán của Đức trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu.
Sau nhiều hội nghị cấp cao được tổ chức trong thời kỳ dịch bệnh, châu Âu dường như đã tìm thấy con đường đúng hướng, từng bước trở lại với sự phối hợp và đoàn kết trong đối phó dịch bệnh, thể hiện qua các chương trình mua sắm và phân phối chung về thiết bị y tế, thống nhất về các gói viện trợ để tái thiết nền kinh tế lên tới hơn 1.000 tỷ Euro.
Giới phân tích cho rằng, Đức có thể tận dụng nền tảng này để thúc đẩy các chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ chủ tịch 6 tháng tới, “xốc” lại tinh thần đoàn kết của châu Âu để tập trung vào các chương trình phối hợp phòng ngừa dịch bệnh, hướng tới mở cửa trở lại biên giới. Bởi vì, chỉ có mở cửa trở lại biên giới - ít nhất là biên giới nội khối, các nguồn viện trợ xuyên biên giới mới có thể khai thông, hệ thống cung - cầu trong toàn khối mới được khôi phục, các quyền tự do cơ bản của công dân các nước thành viên mới được bảo vệ.
Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ phải tập trung vào các cuộc thảo luận chi tiết về phân bổ quỹ tái thiết kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 trị giá hơn 1.000 tỷ Euro , kết hợp với Khung tài chính dài hạn của EU – nền tảng quan trọng cho khả năng phục hồi sau đại dịch của các nước thành viên cũng như khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Hiện Đức đang đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận giữa các nước thành viên để nâng khung ngân sách EU trong tương lai lên hơn 1% tổng thu nhập quốc dân của các quốc gia thành viên, coi đây là một ưu tiên không chỉ về mặt kinh tế mà còn là ưu tiên về mặt chính trị nhằm nâng cao năng lực ứng phó trước các cuộc khủng hoảng.
Thúc đẩy cơ chế Pháp - Đức
Những thách thức mà dịch bệnh Covid-19 đặt ra cho nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu cũng là cơ hội để Đức thoát hỏi hình ảnh mà quốc gia đầu tàu của châu Âu đã tự “mắc kẹt” trong đó những năm gần đây. Kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã thúc đẩy nhiều sáng kiến với sự liên kết Pháp - Đức làm động lực cho hội nhập châu Âu. Nhưng Đức vẫn tỏ ra kém mặn mà với những sáng kiến này bởi dưới thời của Thủ tướng Angela Merkel, một nguyên tắc của Đức là “người dân Đức đóng thuế không phải để gánh những khoản nợ chung của châu Âu”.
Sự hờ hững của Đức để lại khoảng trống mà một mình Pháp không thể lấp đầy, kéo theo đó là hình ảnh một nước Đức tự làm tốt các công việc của mình mà tách rời khỏi các sáng kiến hợp tác nội khối. Một ví dụ rõ nét nhất là vào giai đoạn đầu đại dịch Covid-19, Đức đơn phương đóng cửa biên giới mà không có bất kỳ động thái phối hợp nào với các nước láng giềng. Đức cũng là nước phản đối mạnh mẽ ý tưởng “trái phiếu Corona” - công cụ giảm nhẹ tác động về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra – với lý do không muốn gánh thêm nợ chung của các thành viên khác.
Với vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, Đức sẽ buộc phải thể hiện một vai trò chủ động hơn.
Tuy nhiên, với vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu mà Đức sẽ đảm nhận từ hôm nay, Đức sẽ buộc phải thể hiện một vai trò chủ động hơn, vai trò dẫn dắt và tạo ra xu hướng, vai trò đàm phán và hòa giải những bất đồng giữa các quốc gia thành viên. Đó là lý do người ta bắt đầu nhận thấy sự nhiệt tình của Đức trong các sáng kiến Pháp - Đức, khởi đầu là kế hoạch được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng thông báo hồi giữa tháng 5 về kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu với số tiền 500 tỷ Euro. Số tiền này sẽ được vay trên thị trường dưới danh nghĩa của Liên hiệp châu Âu, đưa vào ngân sách chung để chuyển tới quỹ tái thúc đẩy kinh tế khu vực, sau đó sẽ được hoàn trả dần từ ngân sách chung.
Việc bà Angela Merkel đồng ý với kế hoạch này cho thấy Đức đang dần thay đổi cách tiếp cận cứng rắn trước đây, và cũng là điều cấm kỵ trong chính sách châu Âu của Đức về việc gánh thêm nợ cho các quốc gia Nam Âu. Tín hiệu tích cực đó là người dân Đức có cách tiếp cận mềm dẻo hơn nhiều so với những nguyên tắc mà chính phủ thường công bố. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy đa số người dân Đức sẵn sàng dành những khoản tiền lớn hơn cho các vấn đề chung của Liên minh châu Âu và mong muốn chính phủ theo đuổi chính sách châu Âu tích cực và hợp tác.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi Covid-19 đang tạo ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tại châu Âu, khi sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu vô cùng mong manh trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, việc Đức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu ở thời điểm này là một sự may mắn. Bởi với vị trí là nền kinh tế lớn nhất trong EU, Đức có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để giải quyết những thách thức mà châu lục đang phải đối mặt.
Chính phủ Đức cũng đang thể hiện quyết tâm dẫn dắt toàn khối vượt qua giai đoạn khó khăn này với khẩu hiệu “Cùng đưa châu Âu mạnh mẽ trở lại” với 3 mục tiêu đã được đặt ra: vượt qua đại dịch, tái thiết kinh tế và củng cố một Liên minh châu Âu kiên cường trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.