KHÔNG THỂ NGỒI YÊN!

 “Chúng tôi sẽ không ngồi yên. Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành thử 2 tên lửa mới và nối lại chương Mặt Trăng vào năm tới”. Tuyên bố mới nhất của ông Vladimir Ustimenko - Người phát ngôn Tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga có lẽ muốn gửi gắm nhiều thông điệp. Bởi rõ ràng, cảm giác bị phá vỡ thế độc tôn là quốc gia duy nhất có đủ khả năng và kỹ thuật đưa các phi hành gia lên vũ trụ của Nga là không hề dễ chịu. Trong vòng 10 năm qua, kể từ khi hệ thống tàu vận tải con thoi của Mỹ ngừng hoạt động năm 2011, các chuyến tàu Soyuz của Nga là phương tiện duy nhất có thể đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

16anh_018219812_162020.jpgTổng thống Nga Vladimir Putin đang ấp ủ nhiều chiến lược không gian vũ trụ cạnh tranh với Mỹ. Ảnh: Getty

Ngay cả “ông lớn” là Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng phải nhờ cậy vào Nga suốt gần 1 thập kỷ qua để thực hiện các chuyến đưa - đón phi hành gia của mình lên Trạm vũ trụ. Tất cả các chuyến thám hiểm bằng phi thuyền vũ trụ có người lái của NASA đều được thực hiện nhờ tên lửa đẩy của Nga phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Không chỉ khó chịu bởi mất thế độc quyền, Nga hiểu rằng với sự thành công của SpaceX và NASA, Nga trong tương lai sẽ mất đi những khoản thu khổng lồ bởi với mỗi suất vé trên tàu Soyuz, NASA đã phải trả khoảng 80 triệu USD cho Nga.

Chưa hết, Người phát ngôn Vladimir Ustimenko của Tập đoàn Roscosmos còn viết trên Twitter bày tỏ sự khó hiểu với thái độ của Tổng thống Donald Trump bị cho là quá phấn khích vì vụ phóng thành công tàu vũ trụ Crew Dragon vừa qua. Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố rằng, Mỹ đã giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực không gian và các phi hành gia Mỹ sẽ nhanh chóng đặt chân lên sao Hỏa. Không những thế, ông Trump còn tuyên bố Washington sẽ sớm sở hữu “những vũ khí uy lực nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”.

Dù không tiết lộ gì thêm về loại vũ khí vĩ đại này, nhưng theo giới chuyên gia, vũ khí mà Tổng thống Trump nói đến chính là chương trình vũ khí tấn công từ không gian Lầu Năm Góc đang theo đuổi. Chương trình này vốn đã được Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhiều lần nhắc tới cùng lời kêu gọi Lầu Năm Góc triển khai và sử dụng vũ khí tấn công trong không gian trong tương lai không xa. Không chịu thua, Tổng Giám đốc Roscosmos gần đây cũng từng thông tin về kế hoạch phóng thử tên lửa đẩy hạng nặng Angara vào mùa Thu năm nay cũng như thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat. Còn nhớ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tiết lộ, Sarmat là một trong những vũ khí mới của Nga có thể khiến các hệ thống phòng thủ của NATO trở nên lỗi thời.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu sau khi Mỹ lần đầu tiên phóng thành công tàu vũ trụ đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) kể từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Reuters

PHẦN NỔI TẢNG BĂNG CHÌM

Thời gian qua, Nga - Mỹ và nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ nhìn bề ngoài có vẻ như đang cùng chạy đua để giành vị trí số 1 thế giới về chinh phục không gian cũng như các lợi ích về thương mại. Nhưng càng ngày, các nước cũng chẳng cần che giấu những mục tiêu sâu xa hơn khi các bên liên tục bày tỏ lo ngại và cáo buộc nhau đưa vũ khí lên không gian địa chiến lược mới là vũ trụ.

Dư luận hẳn còn nhớ hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald trump đã ký phê chuẩn Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA) lên tới 738 tỷ USD, trong đó có hạng mục quan trọng là thành lập quân chủng mới là Lực lượng Vũ trụ Mỹ. Cũng đồng nghĩa, lần đầu tiên trong 70 năm qua, quân đội Mỹ có quân chủng chính quy thứ 6 bên cạnh Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Bảo vệ bờ biển. Ngay từ thời điểm đó, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng, trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia, sức mạnh trong lĩnh vực vũ trụ có vai trò quan trọng với nước Mỹ. Hãng Spunik của Nga mới đây còn cho rằng, Lực lượng Vũ trụ Mỹ đang có kế hoạch mua hàng chục hệ thống gây nhiễu không gian trong vòng 7 năm tới. Các hệ thống này sẽ cho phép Mỹ có thể xâm nhập, theo dõi toàn bộ vệ tinh Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.

SpaceX đang khiến cuộc đua vũ trụ Nga - Mỹ trở nên nóng bỏng. Ảnh: Telegraph

Nếu như chiến lược của Mỹ là thành lập lực lượng mới, đầu tư chi tiêu khổng lồ thì Nga từ năm 2015 cũng đã lên kế hoạch chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp nhiều mục tiêu; hợp nhất tất cả lực lượng, các phương tiện của lực lượng phòng không, không quân, tên lửa vũ trụ dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không. Hay như cuối năm 2017, Nga cũng đã thử thành công thiết bị đặc biệt trên vệ tinh Kosmos-2519 có khả năng ngăn chặn vệ tinh đối phương bất cứ lúc nào. Theo giới quan sát, với sự đột phá của công nghệ, nước Nga hiện nay hoàn toàn có thể phóng lên quỹ đạo những vệ tinh được trang bị lazer hoặc vũ khí nổ để đối phó với kẻ thù. Như thế, cuộc đua quân sự hóa không gian giữa Nga và Mỹ đang càng lúc càng rõ nét. Không chỉ tăng tốc trên vũ trụ, Mỹ với hàng loạt động thái thời gian qua như rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng đang kéo lùi các nỗ lực kiểm soát vũ khí trên toàn cầu. Nguy hiểm hơn nữa, khả năng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New Start) không được gia hạn, có nguy cơ trở thành sự thật.

Một mặt gây sức ép với Nga khi liên tục rút Mỹ ra khỏi các thỏa thuận, Hiệp ước về vũ khí, quân sự; một mặt tăng cường sức mạnh quân sự của Lực lượng Vũ trụ Mỹ, giới quan sát cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực dùng cái cớ “đe dọa an ninh” để lôi kéo Nga và nhiều nước khác vào một cuộc chạy đua vũ trang “xuyên không gian” mới. Chưa biết cán cân Nga - Mỹ trong cuộc đua không gian vũ trụ sẽ ra sao, chỉ biết rằng, cuộc đua này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khi hành lang pháp lý trong lĩnh vực không gian toàn cầu vẫn còn rất nhiều lỗ hổng!