(Baonghean) - Từ lâu tôi đã nghĩ sẽ có ngày viết về nếp bản ấy, bản Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) nhưng rồi lại không biết chắp bút ra sao. Đó là chốn quen thuộc đối với tôi, tôi sinh ra và đi qua tuổi thơ ở đó…
 
images1049119_ruoc_dau.jpgRước dâu đêm - tục cưới độc đáo của một số dân tộc ở Con Cuông.
 
Bản Đình là nơi từng chứng kiến sự hình thành và lớn mạnh của một trong 2 mường người Thái lớn nhất miền Tây Nam Nghệ An. Mường Quạ ở 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ; Mường Chai quê tôi chiếm trọn gần như toàn bộ địa bàn xã Chi Khê ngày nay. Trung tâm mường ở ngay bản Đình.
 
Điều tôi nhớ được đầu tiên về nếp bản ấy là căn nhà sàn lợp lá và mảnh vườn rậm rạp khi gia đình tôi ở cùng ông nội. Ngày ấy vào khoảng nửa cuối thập niên 80, bản Đình chỉ mới có chưa đầy trăm nóc nhà. Thời đó ông nội tôi và một vài người nữa trong bản được cho là thành đạt và có lương hưu mới có tiền sửa lại căn nhà. Vào mỗi buổi sáng, từ trong nhà nhìn ra khu vườn trồng những thứ cây ăn quả lâu năm mát rợp như một cánh rừng. Người bản ngày ấy quen trồng nào mít, bưởi, cau... chạy dọc theo ranh giới giữa các nhà. Trong vườn ngoài những thứ cây ăn quả còn có một khoảng trồng chè, trồng cọ và mấy thứ rau của dân bản. 
 
Bản Đình nằm giữa một thung lũng trải rộng, chung quanh là những ngọn núi đá khá cao. Phía cuối bản là con suối Khe Chai rất dồi dào nước và tôm cá; cung cấp nước tưới cho vùng ruộng nước lớn nhất xã. Dù nghèo khó nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về, bản vẫn mở hội tung còn, kéo co, đến nhà nhau chơi cho đến “hết mồng” tức là đến ngày 10 tháng Giêng. Những năm được mùa, hội Xuân còn kéo dài hơn thế nữa. Khi ấy người ta vẫn còn yêu những điệu khắp, điệu lăm. Cụ Vi Văn Hợi (91 tuổi) kể lại:  “Ngày xưa vùng này gọi là mường Chai”, cụ Hợi bắt đầu câu chuyện như vậy.  – Tên Mường lấy từ tên dòng suối Khe Chai. Mường do người họ Vi, Lô, Lương thay nhau cai quản. Họ thực sự là những vị quan có uy quyền, có ruộng đất riêng. Con trai trong nhà họ được gọi là “Tạo”, còn con gái được gọi là “Nàng”. Mỗi khi Tạo đi đâu là có người dắt ngựa, cầm gươm đi cùng; còn các Nàng được đám người hầu gái đi che ô, bưng chậu nước vo gạo khi xuống suối gội đầu. Ngày còn chế độ cũ ngoài bản Chai, bản Đình, Lam Khê, Chằn Nằn, bản Tát, ở Mường Chai còn có bản Xằng, bản Huồi Nọt, bản Toọc và một số bản nằm sâu trong rừng, mỗi bản chỉ có trên dưới chục nóc nhà. Những bản nhỏ lẻ này vào khoảng năm 1960, 1961 đã sáp nhập vào các bản lớn như bản Đình, bản Chai… theo chính sách định canh, định cư của Nhà nước.
 
Thế nhưng người Thái đã cư trú trước khi hình thành mường cũng phải trải mấy đời rồi. Những người đầu tiên đến định cư ở đất này và lập nên bản Chai rồi sau đó dòng họ Vi từ Phủ Quỳ sang lập thành bản Toọc. Khi đồng lúa Tổng Chai được khai khẩn người họ Vi, Lô, Lương và những dòng họ khác tập trung phần lớn về gần vùng ruộng nước thế nên bản Đình, bản Chai trở thành vùng đông dân cư, còn những bản xa xôi do các hộ đi làm rẫy rồi ở lại thành bản. 
 
Thế hệ chúng tôi lớn lên, đất nước đã hết cảnh chiến tranh. Lúc này người ta chỉ bàn chuyện làm ăn, chuyện làm giàu, chuyện giữ làm sao cho những cánh rừng không bị tàn phá mà đời sống người dân thì đỡ vất vả hơn. Từ ngày bản có điện lưới quốc gia, truyền hình, tủ lạnh, máy cưa gỗ cũng theo về làng. Cũng từ đó nhiều người thích ở nhà xây gạch thay cho nhà sàn, cồng chiêng cũng bị bán dần… Sau hàng chục năm ở nhà xây, dân bản bắt đầu thấy tiếc, thấy nhớ những ngôi nhà sàn truyền thống. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ được dựng lại... Tiếng cồng chiêng lại ngân lên trong những ngày hội xuân. Đêm đêm, dưới mái nhà sàn, trong ánh điện, các bà, các chị miệt mài dệt vải.
 
Rồi Nhà nước phát động người dân xây dựng nông thôn mới. Dân bản hào hứng tham gia hiến đất, bỏ công sức làm đường giao thông nông thôn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các tuyến đường ngang, ngõ tắt trong bản đều đã hoàn thành. Bản Đình trở thành “mô hình điểm” về xây dựng nông thôn mới…
 
 
Hữu Vi