(Baonghean) - LTS: Ngày 18/9, tại TP. Vinh diễn ra Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Nghệ An lần thứ 2. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc của tỉnh; tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh nhà. Nhân dịp này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy về những đóng góp cũng như định hướng để phát huy vai trò đồng bào DTTS trong phát triển chung của tỉnh thời gian tới.
Phóng viên: Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết về vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN trong thời gian qua?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An sinh sống trên phạm vi rộng lớn gồm 207 xã của 12 huyện, thị, có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; chủ yếu là 6 dân tộc, tộc người có dân số đông là: Thái, Thổ, Khơ mú, Mông, Ơ đu và Đan Lai. Sinh sống trên dải đất vùng miền Tây Nghệ An có tiềm năng và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh... vì vậy, đồng bào các DTTS có vài trò rất quan trọng trong việc giữ vùng biên cương Tổ quốc, xây dựng phòng thủ quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.
Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS tỉnh Nghệ An bằng các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án cụ thể và hiệu quả (135, 134, Định canh định cư; Nghị quyết 30a, bảo tồn và phát triển các họ, tộc người dân tộc thiểu số ít người...) đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm nghèo 7%, hiện nay còn 24,06% năm 2013 (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2011 -2015). Quá trình thực hiện, cần ghi nhận sự nỗ lực, chủ động vượt khó vươn lên của đồng bào, góp phần tích cực để vùng đồng bào các DTTS được đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng chất lượng, đồng bộ, hiện đại như đường giao thông, hệ thống điện, cáp quang, hệ thống cầu cứng, cầu treo, trường học, bệnh viện, trung tâm dạy nghề, nhà văn hóa, sân vận động...
Đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn trong đồng bào các DTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chuyển trồng lúa sang trồng cây ngô đông, nuôi lợn đen địa phương, cải tạo rừng nghèo kiệt ở Quỳ Châu, Nghĩa Đàn; mô hình thâm canh lúa, trồng gừng dưới tán rừng, trồng bí xanh tại Kỳ Sơn, Tương Dương; trồng chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao Quế Phong; mô hình trồng cam không hạt ở Quỳ Hợp, nuôi bò vỗ béo, bò thịt, dệt thổ cẩm... từ đó cải thiện rõ đời sống của đồng bào. Thời gian qua, vùng miền Tây tỉnh nhà đã thu hút được nhiều nhà máy công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản thu được hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, khai thác được tiềm năng đất đai; hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ các xã nghèo, tạo nên nguồn lực giúp đồng bào thoát nghèo... sự lan tỏa cũng được đồng bào các DTTS nhanh chóng nắm bắt, vận dụng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu từ chính tiềm năng lợi thế, nội lực.
Nhờ sự hy sinh của đồng bào các DTTS, cùng sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực khác, mà trong thực hiện công cuộc CNH- HĐH của đất nước, của tỉnh, trên vùng đất miền Tây đã hiện hữu nhiều công trình, dự án quan trọng, tạo nên bộ mặt, sức phát triển mới. Ví dụ như hàng ngàn hộ đồng bào đã tái định cư nhằm xây dựng các Dự án Thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố... Hay trong lĩnh vực thực hiện xây dựng nông thôn mới, bê tông hoá đường thôn, bản. Về văn hóa - xã hội, như trong giáo dục, đồng bào đã có nhiều em đạt học sinh giỏi quốc gia, đậu điểm cao vào các trường đại học, đặc biệt Trường THPT Quỳ Hợp có lớp học 100% em đậu đại học; rồi sự góp phần của các tập thể, cá nhân hạt nhân văn hoá văn – văn nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS; các điển hình trưởng bản, người uy tín phát huy vai trò để công tác dân tộc, các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện tốt và QP-AN được giữ vững; hệ thống chính trị vững mạnh.
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, những nỗ lực cũng như đóng góp của đồng bào DTTS vào phát triển chung của tỉnh đã được khẳng định. Vậy những hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới là gì?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Có thể nêu một số tồn tại, hạn chế hiện nay của khu vực các DTTS tỉnh nhà: Đó là, kinh tế vùng miền Tây phát triển chưa toàn diện, chưa mạnh và chưa vững chắc; hàng hóa sản xuất sức cạnh tranh chưa cao; đã xuất hiện một số mô hình kinh tế, nhưng việc nhân rộng còn chậm; tiềm năng chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả… Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại từ trung tâm huyện đến trung tâm một số xã và các bản, liên bản; nhiều nơi còn thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất; nhiều xã chưa có điện, ô tô vào trung tâm xã chỉ đi được mùa khô, thiết chế văn hóa – thể thao theo yêu cầu đồng bộ còn thiếu thốn, trường học, trạm y tế, nhà bán trú dân nuôi còn xuống cấp; trình độ dân trí thấp, nguồn nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người DTTS, cán bộ vùng đồng bào DTTS mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, song còn bất cập trong tuyển dụng, bố trí việc làm cho con em đồng bào các DTTS tốt nghiệp đại học, cao đẳng; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; một số tập tục lạc hậu chưa được giải quyết. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới vẫn chứa đựng nhiều tiềm ẩn phức tạp: tiếp diễn việc di dịch cư trái phép; tệ nạn xã hội, buôn bán, tràng trữ và sử dụng chất ma túy, truyền đạo trái pháp luật vào địa bàn vùng DTTS, vướng mắc trong quá trình tái định cư tại các dự án thủy điện...
Phóng viên: Để đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển KT-XH tỉnh nhà, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, thì cần phải tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Với mục tiêu phát triển toàn diện về KT-VH-XH, QP-AN để đồng bào DTTS và vùng miền Tây đóng góp tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, cần chú trọng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sản phẩm chủ yếu, không gian đô thị, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển của vùng, gắn với tổng thể phát triển của toàn tỉnh.
2. Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào dân tộc, đặc biệt là thực hiện thắng lợi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về chiến lược công tác dân tộc. Huy động các nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước bao gồm cả Ngân sách Trung ương và địa phương dành chủ yếu cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, chống lãng phí, thất thoát. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực miền Tây; huy động tối đa nguồn vốn để phát triển hạ tầng đô thị, khu công nghiệp. Tập trung phát triển rừng, coi kinh tế rừng và chăn nuôi là nguồn lực quan trọng để phát triển miền Tây Nghệ An.
3. Tập trung thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến từ nguyên liệu gỗ rừng như nhà máy MDF, nhà máy than sạch, nhà máy gỗ, nhà máy sản xuất dược liệu,… các nhà máy chế biến thực phẩm, nông sản, khoáng sản như mía đường, thực phẩm, chế biến sữa, chế biến chè, cao su, chế biến đá trắng, đá màu, thiếc... Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, khoáng sản, tăng hiệu quả, giá trị kinh tế trên từng lĩnh vực.
4. Tập trung giảm nghèo bền vững bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, xây dựng các mô hình có hiệu quả và nhân rộng, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, các làng nghề, làng có nghề, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
5. Nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường trung cấp nghề ở miền Tây Nghệ An để đảm bảo chất lượng lao động và quy mô đào tạo nghề phù hợp với trình độ của thanh niên, người lao động. Củng cố bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, có chất lượng; gắn việc đào tạo với luân chuyển cán bộ về cơ sở. Tăng cường thu hút sinh viên giỏi ở các trường đại học, cao đẳng về làm việc tại cơ sở.
6. Giữ vững ổn định chính trị, tăng tình đoàn kết giữa các dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh; xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
7. Xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh; tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, quan tâm phát hiện nguồn, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!
Hữu Nghĩa (thực hiện)