(Baonghean) - Đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân cư tỉnh. Trải bao thế kỷ, bao thăng trầm lịch sử, họ đã trở thành người chủ thực sự trên các huyện miền Tây, đóng vai trò “phên dậu” lãnh thổ thiêng liêng suốt một dải miền biên. Trong đó, ghi nhận vai trò các già làng, trưởng bản, người có uy tín...

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp lên với xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Đường lên Nậm Cắn giờ đây đã gần lại bởi cung đường lên cửa khẩu rộng rãi, thảm nhựa phẳng lỳ. Những chuyến xe nặng nề chở đầy hàng hóa và xe khách Vinh - Xiêng Khoảng tấp nập lại qua. Sắc diện đổi mới nơi xã vùng biên này, có một phần công sức của các già làng, người có uy tín. Trong đó, đặc biệt có 4 già làng: Lầu Xái Hờ (bản Huồi Pốc), Lầu Chứ Sò (bản Trường Sơn), Cụt Mắn Lợi (Noọng Dẻ) và cụ Nhang Phò Xốm (bản Pha Ca), thực sự là cầu nối đầy tín nhiệm giữa chính quyền với nhân dân. Nậm Cắn cũng như nhiều xã khác của Kỳ Sơn, đường đi về bản luôn hiểm trở với nhiều dốc đá cao, mỗi giờ đi bộ cũng chỉ được chưa đầy 2km. Thế nhưng, chẳng quản tuổi cao, sức yếu, các cụ đã thường xuyên về tận từng nhà dân để làm công tác tư tưởng, tuyên truyền cho bà con người Mông biết nghe lời của Đảng, của Nhà nước, tránh lời kẻ xấu. Nhờ đó, 2 năm trở lại đây, Nậm Cắn đã giảm hẳn tình hình di dịch cư, an ninh trật tự giữ vững, tuyên truyền theo tà đạo cũng theo đó mà giảm hẳn. 
images1049817_1.jpgTrưởng bản Lỳ Tông Súa (Huồi Mới 1 – xã Tri Lễ) hướng dẫn làm ruộng nước cho bà con.
 
Chuyện ở Nậm Cắn cũng là câu chuyện về vai trò của các già làng, trưởng bản trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 1.250 người có uy tín trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cụ đã phát huy tốt vai trò của mình trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn, trở thành niềm tin yêu của bản làng. Đó là câu chuyện về "cây đại thụ" Vừ Chông Pao, vị "thủ chỉ" của bà con dân tộc Mông ở Kỳ Sơn, người đã từng 2 lần được gặp Bác Hồ và được Bác căn dặn những điều cao cả.
 
Bác Hồ dạy Vừ Chông Pao: "54 dân tộc anh em đều là đồng bào ta hết. Nhưng đồng bào ta hiện nay trình độ hiểu biết còn giới hạn nên dễ nghe theo lời kẻ xấu. Nếu các chú đều coi đồng bào là thù thì đánh cả đời không hết giặc, đất nước sẽ không bao giờ được hòa bình. Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm...". Nghe lời Bác, ông Vừ Chông Pao đã cảm hóa đồng bào bằng lời hay, lẽ đúng. Nhờ đó, nạn phỉ Vàng Pao một thời phá rối đã được dẹp yên.
 
Xuôi về huyện Tương Dương, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện hay, chuyện tốt về những người có uy tín của huyện. Có rất nhiều người thực sự đã thực hiện tốt vai trò của mình, làm tấm gương đối với cộng đồng. Già làng Kha Văn Hanh (bản Huồi Tố 2 - xã Mai Sơn) đã không quản ngày đêm cùng những người khác truyền dạy, gìn giữ và trao truyền vốn quý văn hóa của người Thái cho con cháu mình qua điệu khắp, điệu nhuôn. Già làng Và Chư Xênh (bản Huồi Cọ - xã Nhôn Mai) bằng uy tín của mình đã giáo dục thế hệ sau trong dòng họ phải gìn giữ truyền thống của người Mông, biết sống đúng theo lời Đảng, Bác Hồ dạy; hoặc ông Vy Công Tình (bản Văng Cuộm - xã Yên Tĩnh) được nhân dân trong cộng đồng tin yêu vì đã sống gương mẫu, hòa đồng, xứng đáng là một bí thư chi bộ có uy tín...
 
Ngược lên tuyến Tây Bắc, dọc nẻo đường QL48, cũng không ít chuyện vui. Như câu chuyện về ông Lỳ Tông Súa, trưởng bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ  (Quế Phong), không chỉ từ bỏ cây thuốc phiện mà còn vận động tốt để bà con làm theo mình. Ông kể: "Lúc đầu tôi nói, bà con nghe ít lắm! Họ nói bỏ trồng thuốc phiện thì chết đói à? Vậy là mình phải vận động từ từ. Ban đầu mình đi trồng lúa nước, nuôi trâu, bò, xây dựng cuộc sống gia đình mình ấm no trước đã. Lâu dần, bà con thấy gia đình mình bỏ trồng thuốc phiện vẫn làm ăn được nên làm theo”. Ông Thò Chừ Xã, là 1 trong 3 người cuối cùng của bản Huồi Mới 1 từ bỏ thuốc phiện. Cai được thuốc phiện, gia đình ông Xã làm ăn khấm khá hơn, không thua kém ai trong bản. Ông tâm sự:"Nhà mình khổ nhất bản lúc đó. Trưởng bản Súa vận động mình suốt 6 năm, mình mới bỏ được”. “Trưởng bản Súa kiên trì lắm, có những trường hợp nghiện nặng, ông phải vận động ròng rã 10 năm trời mới chịu bỏ, giờ cả bản cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều”, ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch xã Tri Lễ cho biết thêm.
 
Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn) là một xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc cách trung tâm huyện gần 30km, là một xã đặc biệt khó khăn đang hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, có 3 dân tộc anh em cùng chung sống là Thổ, Thái và Kinh; nhiều năm qua đã phát huy tốt truyền thống cách mạng của quê hương, thực hiện tốt vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nổi bật có dòng họ Cao Văn của đồng bào dân tộc Thổ, ở xóm 4A đã tích cực tuyên truyền vận động con cháu và cộng đồng dân cư trong việc đấu tranh ngăn chặn việc truyền đạo trái phép trên địa bàn. Trưởng tộc Cao Văn Sơn của dòng họ là già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh tặng bằng khen về phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2011, và được UBMTTQ tỉnh tặng bằng khen năm 2013.
 
Có thể nói, những thành tựu to lớn, đáng phấn khởi mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An đạt được trong những năm qua, có sự đóng góp tích cực và quan trọng của những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Người uy tín luôn là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
Nói về những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc giữ yên vùng biên, Thượng tá Vy Hòe - Chỉ huy trưởng Ban CHQS Kỳ Sơn, cho biết: Đồng bào các dân tộc thiểu số là người chủ thực sự nơi biên giới, đã giúp đỡ các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, tuần tra bảo vệ toàn vẹn hệ thống mốc giới, đường biên. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc thiểu số còn là cầu nối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Lào; thông qua mối quan hệ thân tộc từ lâu đời, đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An luôn giữ mối quan hệ mật thiết và quan tâm giúp đỡ nhân dân các bộ tộc Lào. Trong đó, bằng uy tín và sự thông hiểu, với tấm lòng giúp bà con dân tộc mình phát triển trên nhiều mặt, các già làng, trưởng bản thực sự là một trong những tấm phên dậu vững chắc của miền Tây xứ Nghệ.
 
Bài, ảnh: Trần Hải