(Baonghean) - Đã có nhiều điển hình tập thể, cá nhân, các cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy trí lực, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết cộng đồng trong khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam
Nghệ An là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 44 vạn người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh, gồm 5 dân tộc có dân số đông: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Vùng dân tộc miền núi của tỉnh có diện tích 13.745 km2, chiếm hơn 83% diện tích toàn tỉnh; có 27 xã biên giới, 419 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, gắn bó bên nhau để chế ngự thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, bảo vệ bản, làng, quê hương, đất nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại tham quan mô hình sản xuất hương trầm truyền thống tại Thị trấn Tân Lạc - Quỳ Châu. Ảnh: Hữu Nghĩa
Đúc kết từ kinh nghiệm lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ngay từ khi mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách nhằm củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà đã triển khai thực hiện có kết quả các chính sách, chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh đối với vùng miền núi, dân tộc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh (6 tháng đầu năm 2014 đạt 6,87%, bình quân cả tỉnh là 6,37%); thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số không ngừng được tăng lên, 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 19,5 triệu đồng tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân toàn vùng là từ 3-4%/ năm, các huyện 30a từ 6-7%/năm, đến hết năm 2013 còn 24,06%. Cơ sở hạ tầng ngày càng được củng cố. Chất lượng giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân có nhiều tiến bộ, không có dịch bệnh lớn xẩy ra. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh và hoạt động có hiệu quả. Quốc phòng được củng cố và giữ vững, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tiết mục của đoàn Tương Dương tham gia Hội diễn văn nghệ các DTTS tỉnh lần thứ 3. Ảnh: Trần Hải Vùng dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; Dân số 1.197.628 người chiếm 41% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có 442.787 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn, gồm 5 dân tộc có dân số đông: Thái 299.490 người; Thổ 62.751 người; Khơ Mú 45.890 người; Mông 30.433 người; Ơ Đu 1.085 người. Các dân tộc còn lại có 3.128 người. |
Đáng mừng, trong bước chuyển biến chung ấy, đã có nhiều điển hình tập thể, cá nhân, các cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy trí lực, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết cộng đồng trong khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam gắn quyền lợi riêng với sự nghiệp cách mạng chung. Nhiều hộ gia đình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đã chấp nhận rời quê hương thân yêu đến những khu tái định cư mới để nhường đai đai xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn như: Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Hủa Na... Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu kinh tế cao như: Mô hình chuyển lúa mùa, hè thu sang trồng ngô đông trên đất 2 lúa; nuôi lợn đen địa phương; cải tạo rừng nghèo kiệt ở Quỳ Châu, Nghĩa Đàn; thâm canh lúa cho các xã đặc biệt khó khăn; trồng gừng dưới tán rừng ở Tương Dương, Kỳ Sơn; thâm canh rau an toàn ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu; thâm canh ngô mật độ cao ở Anh Sơn, Thanh Chương; trồng bí xanh ở Kỳ Sơn; trồng chanh leo, sử dụng phân dúi ở Quế Phong; trồng cam không hạt ở Quỳ Hợp...
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đến nay vùng dân tộc miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông còn nhiều hạn chế. Đời sống một bộ phận đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hết năm 2013 còn 24,06%). Hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa cao.
Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ II này, ngoài nhiệm vụ đánh giá tình hình phát triển vùng dân tộc thiểu số tỉnh nhà giai đoạn 2009 - 2014, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi đến năm 2020. Đại hội còn phải thật sự là biểu tượng của sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tạo khí thế thi đua sôi nổi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá, như Bác Hồ từng mong muốn, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!
Lê Xuân Đại
Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An