(Baonghean) - Trong lao động sản xuất, sinh hoạt đời sống văn hóa, người dân tộc Thái đã sản sinh ra các làn điệu dân ca như: Lăm, khắp, Xuối, Nhuôn, Ờn, Òn...  
 
Điệu Xuối đối đáp của đồng bào Thái thường được sử dụng khi lên nương, làm ruộng, vào rừng… Người ta hát Xuối để giao lưu, đối đáp với người ở phía đằng xa như: chòi bên sườn đồi này, rẫy đối diện bên sườn núi kia hay bên bờ sông, bờ suối… Khi lời hát đối đã quyện vào nhau, hiểu được ý nhau thì họ muốn được gần nhau hơn. Câu hát Xuối đối đáp đã thay lòng cất tiếng yêu thương. Có rất nhiều người  từ những câu hát đối đáp ấy đã nên duyên vợ chồng.
images1049883__nh.jpgHát Xuối.
Chàng trai:
 
“Anh làm buổi sáng ở ruộng chân lèn
Có con chim chích bay đến mách,
Có con chích chòe bay đến hót,
Con chim thủ rìu đến rủ cùng đi...
Anh đi rẫy anh giấu cái cuốc,
Anh đi ruộng anh cất cái xẻng,
Giấu xẻng rồi anh buộc rào bằng dây cả cật,
Anh lật đật chân dẫm phải chân,
Mắt cứ nhìn sang bên kia đồi nơi đó có em”.
 
Chàng trai ngập ngừng, bối rối trước vẻ đẹp của người con gái, đành mượn lời hát, mượn lời của những chú chim rừng đến mách bảo chàng trai, nhưng kỳ thực chính là trái tim của chàng đã rộn ràng nhịp đập mến thương cô gái từ lâu, vẻ đẹp của người con gái ấy khiến chàng ngẩn ngơ... 
 
Thật là tài tình khi hoa lá, chim muông đã được nhân cách hóa để nói hộ lòng người. Cô gái đã hiểu được tình ý của chàng trai, đem lòng yêu mến, nhưng vẫn còn e ngại, bởi cô gái sợ chàng trai không thực lòng, mà chỉ trêu hoa, ghẹo nguyệt.  Đồng thời, cũng muốn chỉ cách cho chàng đường hoàng về nhà mình để mọi người cùng biết:
 
Anh ơi! Nếu anh có lòng, em sẽ đến chào anh
Em sẽ đến chào anh tận chân cầu thang,
Tâm sự cùng anh trước sân nhà.
Chứ ở trên nương trên rẫy em biết là ai.
Em sợ chào nhầm lá lúa, em sợ chào nhầm lá rừng.
Anh đi lên rừng, hãy chọn đường mà đi.
Kẻo dây rừng vướng chân quàng vai không đi nổi...
 
Và cô gái lại hỏi bằng đối đáp với chàng rằng: Em đã hiểu được nỗi lòng của anh, thì anh ơi liệu anh có vượt qua những khó khăn chông gai khi đi qua những con sông sâu, con suối dữ, hay vượt nguy hiểm qua những cánh rừng già để mà tìm em.
 
Chàng trai lại sợ rằng cô gái ấy đã có người thương, nên cẩn thận dò lời ướm thử, hát lên rằng: 
 
“Anh muốn lên chòi để xem hoa văn cái bế của em,
nhưng hình như anh nghe tiếng đàn tính của ai đang gõ tính tình tinh,
rộn ràng như tiếng đàn tình ở dưới miền xuôi,
nghe tiếng đàn cá nhảy lên bờ, nên anh sợ mất lòng ai đó” .
 
Sau khi cả hai đã hát đối đáp ướm thử lòng nhau, ban đầu tìm hiểu, rồi ngập ngừng, e ngại và khi đã hiểu ý nhau, chàng trai và cô gái quyết định đến với nhau. Lời hát nghe giản dị như lời thề tình yêu, ước nguyện của lứa đôi: “Ta đến với nhau để được tay nắm tay, ban đầu ta nắm ngón út, về sau ta nắm cả bàn để được làm bạn trăm năm xây đời hạnh phúc”.
 
Điệu Xuối đối đáp người dân tộc Thái vốn phát triển tự nhiên, có những lời xuất phát từ những câu thành ngữ, ca dao của dân tộc Thái, nhưng cũng có những ý tứ được người hát sáng tạo ứng khẩu để có lời hay, ý đẹp, hát đối đáp lại với người đối của mình.. Những điệu Xuối đối dung dị mà lại ẩn chứa sâu xa, ý tứ như một lời nhắn gửi hiểu ngầm giúp chàng trai, cô gái tìm được người bạn đời của mình.
 
Xuối đối đáp là một trong những điệu hát, là tâm hồn của người Thái được chắt lọc, sáng tạo qua nhiều đời truyền lại - khi lời ca ngân nga vang lên, ở đó có những chuyện vui, buồn, có những lời tình yêu, là những lời tâm sự của lứa đôi. Nếu có dịp được nghe các trai làng, gái bản hát Xuối đối đáp vào một đêm trăng, khi tiếng khèn, tiếng pí quyện với điệu Xuối làm cho tâm hồn người nghe trỗi lên nỗi niềm man mác khó tả, bồi hồi từ những lời hay, ý đẹp mộc mạc tình người. Điệu Xuối đối đáp ngân lên như níu giữ trái tim, tâm hồn những người con của núi rừng.
 
Để Xuối đối không bị lãng quên, thì chính các câu lạc bộ dân ca Thái, hay những người yêu văn hoá, văn nghệ, yêu hát Xuối đối cần quan tâm hơn đến việc truyền dạy cho lớp trẻ, có như vậy, dân ca Thái mới lưu giữ và phát triển. Nếu không, mai sau điệu Xuối đối đáp sẽ chỉ còn lại trong quá khứ...
 
Tường Vi
(Đài Con Cuông)