(Baonghean) - Nhà Nho Nguyễn Xuân Lâm sinh năm Đinh Dậu (1897), trong một gia đình thế Nho tại làng Kỳ Trân, xã Thượng Xá (nay thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), là chắt của Ngự sử Nguyễn Năng Tĩnh (1782 - 1867), một danh thần thời nhà Nguyễn.
Lúc nhỏ, do thể chất yếu nên 15 tuổi Nguyễn Xuân Lâm mới theo học chữ Nho. Tuy học muộn nhưng với bản tính thông minh trời cho, chỉ sau 1 năm, Nguyễn Xuân Lâm đã vượt hẳn những người đã theo học 5, 6 năm. Năm 19 tuổi, dự thi khoa Ất Mão (1915), bài làm rất tốt, nhưng bị trượt vì phạm trường quy. Đến khoa Mậu Ngọ (1918), khoa thi Nho học cuối cùng ở Trung kỳ, Nguyễn Xuân Lâm lại tiếp tục ứng thí. Nhưng khoa thi này, chính phủ thực dân đã đổi phép thi, ở trường, thí sinh phải làm bài bằng tiếng Pháp, Nguyễn Xuân Lâm vì rất ghét Tây, không học tiếng Pháp, nên bị hỏng.
Từ đó, anh khoá Lâm chỉ vui thú điền viên, tiếp tục nghiền ngẫm sách vở tiên Nho, nghiên cứu và hành nghề Đông y, một lòng thờ cha dạy trẻ, không màng đến danh lợi. Thỉnh thoảng, anh tụ tập bạn văn chương cùng nhau xướng hoạ bày tỏ khí tiết, khuây khoả nỗi niềm nhân thế. Trong những cuộc giao lưu, Nguyễn Xuân Lâm được các bạn văn bí mật chuyển cho những sách báo tiến bộ của các nhà cách mạng trong nước và thế giới (qua bản dịch chữ Hán). Sau khi cụ thân sinh qua đời (1926), Nguyễn Xuân Lâm quyết định lên Vinh mở phòng mạch bốc thuốc. Tại Vinh, Nguyễn Xuân Lâm đã bắt liên lạc được với một số trí thức cấp tiến ở Trường Quốc học Vinh và tham gia Hội Phục Việt, sau đó là Đảng Tân Việt (1929).
Lúc phong trào Xô - viết bùng lên, Nguyễn Xuân Lâm trở về tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng ở quê. Trong cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, Nghi Lộc là một trong những huyện đi đầu. Nguyễn Xuân Lâm đã cùng một số đồng chí khác, hăng hái tuyên truyền, giác ngộ nhân dân lao động, tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống bọn hào lý địa phương. Và khi thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, Nguyễn Xuân Lâm bị bắt ngày 4/11/1930 và bị thực dân Pháp kết án 1 năm tù giam, 1 năm quản thúc. Hiện tại, trong danh sách tù chính trị ở Nhà lao Vinh được cuốn sách tư liệu lịch sử Nhà lao Vinh (do Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An biên soạn, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2005) trích lục lại (tại trang 177), có tên Nguyễn Xuân Lâm với đầy đủ chi tiết về quê quán, số hồ sơ và số phim chụp còn lưu giữ tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Sau khi ra tù, gia cảnh gieo neo, vợ ốm con đau, nheo nhóc; lúc Nguyễn Xuân Lâm bị giam, người vợ tao khang lo chèo chống việc nhà nên bị kiệt sức mà đổ bệnh, năm sau (1931) thì mất. Từ đó, một mình ông vừa vật lộn mưu sinh nuôi đàn con dại vừa tham gia các công tác bí mật mà Đảng giao phó trong nhiều năm. Về sau, ông mới tục huyền với bà Ngụy Thị Bảy, người xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Đến năm 1941, Hội Phật học Trung kỳ mời ông vào Huế biên dịch kinh sách. Dưới vỏ bọc một cư sỹ Phật giáo và một thầy thuốc Đông y, ông đã bí mật hoạt động cách mạng ở kinh đô. Và biệt hiệu “Hồng Lam cư sỹ” của ông cũng được tôn xưng trong dịp này.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia công tác kháng chiến kiến quốc ở địa phương, động viên gia đình đóng góp cho cách mạng tiền, vàng, công trái, công phiếu, công hoá, công túc, nuôi cựu binh trong nhà để huấn luyện dân quân; lại còn hiến 2 mẫu 2 sào ruộng để nuôi dân quân luyện tập. Cho đến sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, năm 1958, ông ra Hà Nội sống với con gái là bà Nguyễn Thị Nhu, cũng là một cán bộ tiền khởi nghĩa, phu nhân của ông Trần Văn Quang, sau này là Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông động viên con cháu hăng hái tham gia đánh giặc giữ nước; người con trai thứ hai của ông là Nguyễn Xuân Quýnh, một sỹ quan có tài của Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào năm 1952. Thời kỳ ra sinh sống ở Hà Nội, mặc dù tuổi cao sức yếu ông vẫn tích cực tham gia dịch thuật Hán – Nôm tại Thư viện Quốc gia và tham gia hoạt động trong Hội Đông y Việt Nam, cùng các lương y lão thành ra sức phát triển ngành Y học dân tộc. Có thời gian rảnh rỗi, ông giao lưu với các nhà khoa bảng và thăm thú di tích, danh thắng đất Bắc. Bấy giờ, các bậc túc Nho như Tiến sỹ Võ Khắc Triển; Phó bảng Phan Võ, Bùi Kỷ; Cử nhân Ngô Lập Chi, Trần Lê Nhân,… đều bái phục kiến thức uyên bác và tài văn chương từ phú của ông.
Trong khoảng 15 năm ở đất Hà Thành, Nguyễn Xuân Lâm đã dịch hàng ngàn trang tài liệu Hán - Nôm; tư vấn học thuật cho hàng trăm giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên các khoa thuộc ngành khoa học xã hội; tham gia giảng dạy cho hàng chục khoá đào tạo y sinh ngành Đông y. Về trước tác, ông còn để lại một số bộ sách như: Hán tự tự học, Hồng Khê văn tập, Lê thị tiểu sử, Tiều Tạo tiểu sử... Ngoài ra, ông còn có hàng ngàn bài thơ xướng hoạ, câu đối, văn tế đến nay con cháu vẫn chưa sưu tầm, tập hợp được.
Cuộc đời Hồng Lam cư sỹ Nguyễn Xuân Lâm tuy gặp nhiều gian truân nhưng với sự thông minh, uyên bác; với khí phách của một nhà Nho sinh trưởng ở một vùng quê giàu truyền thống văn hoá – lịch sử, ông đã vượt lên mọi thách thức oái oăm của số phận, tích cực tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến, cũng như đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc chấn hưng văn hoá, học thuật nước nhà trong những năm binh đao, khói lửa. Hồng Lam cư sỹ Nguyễn Xuân Lâm xứng danh là một nhà Nho yêu nước, một chiến sỹ cách mạng của đất Xô-viết anh hùng!
TS. PHẠM QUANG ÁI
(Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh)