(Baonghean) - Phố dài khuất nẻo, được đan ngang bao đường nhỏ đường to và có những thay đổi chóng vánh... khiến bao người “chẳng nhớ nổi một tên đường”. Lạ là cả những người cư ngụ dù lâu mau trên phố, cũng chợt ít phô phang rằng tôi ở phố ấy đường ấy; dường như là để giữ cho mình một cảm xúc riêng gắn bó với phố vậy. Đường Trần Quang Diệu (TP. Vinh), người phố khác nhiều khi nghe tên khó hình dung, nhưng đến rồi mới ngỡ ra là mình từng lại qua, ngồi lại trên phố bao lần...
 
images898905_ct45.jpgPhía Đông đường Trần Quang Diệu (Thành phố Vinh).
 
Ấy là điều tôi đã được nghe nhiều người bạn thân có, mới quen có và cả ngẫu nhiên gặp. Trong những sớm thong thả nhâm nhi hay vội vã công chuyện bên ly cà phê trên đường Trần Quang Diệu, nhiều người Vinh mặc nhiên công nhận đó là một phố cà phê với hơn chục hàng cà phê lớn nhỏ sớm chiều nườm nượp khách. Tên đường gắn cho phố đã 16 năm nay (từ 1997). Đường Trần Quang Diệu chạy suốt hơn cây số, đầu phía Bắc nối đường Phan Đăng Lưu chạy sát nách Nhà khách Nghệ An, đầu phía Nam nối vào đường Lê Duẩn. Đường nằm trọn trong phường Trường Thi và chạy song song với đường Trường Thi ngoài Quảng trường Hồ Chí Minh. Hơn một thế kỷ trước, mặt đường từng là nền khu Trường thi Nho học thời nhà Nguyễn và tiếp đó có Nhà máy xe lửa người Pháp xây dựng.
 
Vài chục năm trước, đường là mặt tiền công sở xây cấp 4 của nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh. Lúc ấy, đường cũng mới chỉ rải đá cấp phối, cách quãng có trổ một lối đi nhỏ qua ruộng rau, ruộng lạc lưu thông ra đường Trường Thi cho người vào ra công cán ở các ban, sở... Khi các trụ sở của các cơ quan được vén ra xây dựng khang trang bên phía Tây để bám mặt đường Trường Thi, thì đường Trần Quang Diệu mới được mở rộng ra nhờ quy hoạch các khu dân cư bên mặt Đông phố. Nhưng phố vẫn có cái lặng lẽ để người phố khác đến rồi chỉ nhớ lối đi mà cứ quên tên phố. Có lẽ, do dân cư hầu hết là công chức, con cái nhà trẻ, cha mẹ sáng đi tối về, dịch vụ bán mua ngoài phố lớn chưa kịp lan tỏa vô đây, nên ít cái giao lưu phố phường vốn có?...
 
Mới vài ba năm trước, phố còn cái vẻ lặng lẽ, hút dài ngọn gió cuối thu váng vất mùi hoa sữa, lưa thưa khách vãng lai đến với những không gian cà phê giản dị tên gọi như Mộc, 4A, và nhất là Cà phê Quỳnh với ông chủ mê độ hàng điện tử có những bộ giàn nghe nhạc giá lên tới chục ngàn đô-la, chuyên thẩm nhạc Trịnh, Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương... với các đĩa than cũ kỹ ghi âm Khánh Ly, Kiều Hưng, Trần Hiếu từ mấy chục năm trước. Nơi mấy góc phố nhỏ, cũng chỉ có dăm hàng bia hơi lạc rang, khá hơn thì có xúp gân bò loại 3, nhưng được cái các bà nhà hàng đều có cái vẻ nền nã chiều khách, nên tụ hợp được đủ cả khách công chức, thợ thuyền, ông giáo về hưu.
 
Bây giờ, ngoài các cơ quan: Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ, trụ sở phường Trường Thi... hàng chục năm vẫn giữ diện mạo thế; thì cắt quãng dọc hai mặt phố có những sự đổi thay chóng vánh của sự liên tục cải tạo nhà dân cấp 4 lên ba, bốn tầng, giải phóng mặt bằng xây khu chung cư, khách sạn hiện đại, và nhất là các hàng cà phê, ăn uống nhỏ mọc lên với tốc độ chóng mặt hút khách đã khiến cho phố nhộn lên rất nhiều, nhưng tuyệt không có cái xô bồ gấp gáp thường thấy nơi phố phường... 
 
Có lẽ, ai đó nói mỗi con phố đều mặc định cho mình một bổn phận là đúng với phố Trần Quang Diệu. Người bốn phía phố phường Vinh về đây để tìm sự thư giãn trong gặp gỡ, giải quyết công việc. Bên quán cà phê 67 (tập hợp dân chơi độ xe hon-da 67) là nhà ông nhạc sỹ thành danh đã về hưu, sáng sáng ông dắt xe máy thong thả đến sinh hoạt ở hội nghề cấp tỉnh với cái mãn nguyện đến kỳ lạ bởi cái yên bình của phố đông yêu dấu. Đối diện nhà ông nhạc sỹ là ngôi biệt thự ông thầu khoán góa vợ, tuổi đã ngoại 70 nhưng da dẻ hồng hào, ăn vận trẻ trung đi xế hộp, tóc bạc xịt “gôm” hào hoa nhưng vẫn có cái lịch lãm của người từng trải; ông quen thuộc ở mọi hàng ăn sáng, mọi quán cà phê trên phố, tuyệt không ai thấy ông thiếu chừng mực bao giờ.
 
Lịch lãm phố đến cả anh thợ đánh giày điển trai như tài tử điện ảnh, giày kẻ sang hay của người bình dân, anh đều đánh cầu kỳ đến từng chi tiết, mà vẫn lấy một giá ấy và chỉ chục ngàn đồng như ba, bốn năm nay vẫn thế. Phố đông còn quen thuộc với một ông bị tàn tật đi xe lăn, nhà ông ở đâu chẳng ai rõ, nhưng sáng nào ông cũng mải mốt khép đôi chân teo tóp lên lăn xe dọc phố, không ngả ngũ xin ai, nhưng cứ đến một ngã tư cắt ngang đường ông kiên nhẫn dừng lại, chờ có một người quen nhờ đẩy xe qua đường, hóa ra ông đi cóp nhặt cái tình người...
 
Đến lạ còn là ở phố này, sáng trưa chiều tối tấp nập người uống cà phê, nhộn nhịp người thưởng thức ẩm thực, nhưng vẫn lằng lặng một phong cách thế, hiếm ồn ã, hiếm lời khiếm nhã, chủ ấy khách ấy tựa như tri kỷ tri âm. Tôi về phố được ba năm, mắt thấy cái đổi thay chóng vánh của phố. Nhưng hồn vía đều gửi ở cái chút hương hoa sữa cuối thu mê hoặc thoảng dài dọc phố; ở cái yên tĩnh phố khuya mà cả người đi bộ thể dục muộn dường như cũng cố gắng nhẹ bước chân; ở cái thoảng chốc bên những khối bê tông xù xì hè phố không hẳn rêu phong, không hẳn để làm chứng tích hữu ý, lập thể trên vỉa hè phẳng phiu dọc bờ tường Trường THCS Trường Thi, nói lời của phố rằng đó là những gì còn lại của nhà máy hỏa xa Trường Thi xưa để ai là người yêu phố có thể dừng bước ngồi lên đó, thỏa trí về một thời phố khai sinh...
 
Đường Trần Quang Diệu cắt ngang hơn chục con phố lớn nhỏ mang tên các danh nhân lớn (An Dương Vương, Đinh Bạt Tụy, Ngô Sỹ Liên, Trần Thủ Độ...); người đi ra đi vào những cộng đồng phố xá từ đường Phong Định Cảng lên hay từ đường Trường Thi lên xuống trục Đông – Tây, hóa quen thuộc tên các con phố chạy ngang ấy, cũng để là một lý do người ta dễ quên tên đường Trần  Quang Diệu, dù không thể quên rằng, nếu muốn lưu lại gặp gỡ, thư giãn chút trên “hành trình ngang ấy”, thì không thể không tìm đến một không gian nhỏ bám trên con phố dọc này theo bước chân quen đã lui tới bao lần. 
 
Đã vãn đông. Không man mác ven hồ sương sớm, không náo nức bụi phố ban mai... nhưng một sáng ngày hiếm hoi nắng nào đó, trong cái rét đợi xuân dịp này, ai yêu quý phố Vinh, hãy thử đến với đường Trần Quang Diệu, nhâm nhi ly cà phê ở “phố cà phê”, đoán chắc sẽ cảm được cái khiêm nhường hiếm thấy ở một phố mới trên thành phố Đỏ… 
 
Trần Quang Diệu là một trong những võ tướng chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (quê quán của ông hiện chưa rõ ràng); vợ ông là đô đốc Bùi Thị Xuân, một danh tướng khác của nhà Tây Sơn. Sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789, Trần Quang Diệu khi đó đang trong đạo trung quân do Nguyễn Huệ (sau này là Hoàng đế Quang Trung) chỉ huy, đã được cử làm đốc trấn Nghệ An, vừa lãnh nhiệm vụ trấn thủ, vừa lo việc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô ở đây... Sau này, dưới triều vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) ông còn lập nhiều công lớn, được thăng lên hàm Thái phó. Khi quân Tây Sơn chính thức thất thủ trước quân nhà Nguyễn, đầu năm 1802 Trần Quang Diệu đem binh tượng đi qua Lào ra Nghệ An để hội quân với vua Cảnh Thịnh. Nhưng khi tới châu Quỳ Hợp, vào được đất Hương Sơn thì nghe thành Nghệ An đã thất thủ, Trần Quang Diệu và vợ con bèn về huyện Thanh Chương, mấy hôm sau cả nhà ông đều bị quân Nguyễn bắt sống và sau này bị xử tội chết. Tên ông được đặt làm tên đường ở nhiều đô thị trên cả nước.
Đình Sâm