Sinh ra và lớn lên ở xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tròn 22 tuổi, năm 1945, bác Chu Đăng Chữ tham gia đoàn quân Nam tiến, hoạt động tại Quảng Ngãi. Tại đây, bác đã yêu và nên duyên chồng vợ với người con gái xứ Quảng, quê huyện Bình Sơn. Hòa bình lập lại năm 1954, vợ bác tập kết ra Bắc, về với quê chồng trước. Bác ở lại một năm, sau đó ra Bắc, làm chủ nhiệm Công binh- Sư 324.

762647_small_47945.jpgBác Chữ cùng đồng đội.

Có 13 năm tham gia bộ đội Trường Sơn, từ khi Đoàn 559 được thành lập (1959), bác Chữ được điều động làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 301. Những năm 1962- 1965, bác là trung đoàn trưởng Trung đoàn 70- Đoàn 559, rồi Tham mưu phó Tổng cục Tiền phương (năm 1969), Tham mưu phó Bộ Tham mưu- Tổng cục Hậu cần...


Tiểu đoàn 301 do bác Chữ làm Tiểu đoàn trưởng ban đầu có 440 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 9 đội, làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược vào chiến trường và 1 đội trinh sát, bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, hoạt động trên những cung, chặng trọng yếu nhất. Cung đường từ Khe Hó (Vĩnh Linh) vào đến Pa Lin (giáp Liên khu 5) được chia làm 9 trạm, hoàn toàn đi trên đất địch, rất nguy hiểm và gian khổ. Là một người lính dạn dày kinh nghiệm, bác nhận nhiệm vụ hoạt động tại Trạm số 6, trạm giữa, chỉ huy các trạm hai đầu.

Để che mắt địch, Tiểu đoàn 301 hành quân vào tập kết ở Khe Hó, lấy danh nghĩa "Nông trường chăn nuôi bò" và "Công trường khai thác gỗ", với khẩu hiệu: "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Những người lính Trường Sơn đã băng qua mọi hiểm nguy, luồn qua cả hàng rào điện tử của địch để vận chuyển hàng vào cho tiền tuyến, các trinh sát phải trèo lên cây rừng để quan sát. Những ngày đầu khảo sát mở đường Trường Sơn, bộ đội không chỉ bí mật tránh địch, mà còn phải bí mật, cả với người dân của mình, vì vậy, công việc càng khó khăn gấp bội phần.

Dù vậy, với tài mưu lược của mình, bác đã chỉ huy toàn binh trạm vận chuyển hàng hóa vào chiến trường thông suốt. Ngày 13/8/1959, sau 8 ngày đêm không quản núi cao, vực sâu, đêm tối, chuyến hàng đầu tiên của hậu phương lớn Miền Bắc được Tiểu đoàn 301 vận chuyển vào giao cho Liên khu 5 an toàn tuyệt đối. Đại diện lãnh đạo Khu ủy Liên Khu 5 ra nhận món quà gồm 60 khẩu súng trung liên, 100 khẩu tiểu liên và hàng nghìn viên đạn trong niềm xúc động trào nước mắt và vui mừng khôn xiết. Chuyến hàng đầu tiên vận chuyển thành công là bước ngoặt trong việc chi viện cho tiền tuyến trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.


Bác Chu Đăng Chữ- người anh cả của bộ đội Trường Sơn quê Nghệ An, nay đã bước vào tuổi 87 (hiện sống ở phường Trường Thi- TP Vinh). Trong cơ thể hiện phải mang máy trợ tim, ông vẫn tự hào khi nhắc về truyền thống và sự lớn mạnh của Bộ đội Trường Sơn, về Tiểu đoàn 301 kiên cường.


Hồ Ngân