Gần 50 năm trước được báo chí nước ngoài xem là "kỉ lục gia" khi chỉ trong 6 năm tham gia bộ đội Trường Sơn đã "đi bộ gần bằng một vòng trái đất" Nay ông đã ngoài 70, sống giản dị trong một con ngõ nhỏ của đường Nguyễn Văn Cừ - Thành phố Vinh. Đó là ông Nguyễn Viết Sinh - một trong những anh hùng đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại.

Từ anh lính gùi hàng...


762648_small_47948.jpgAnh Hùng Nguyễn Viết Sinh thời trẻ.
Sinh ra tại quê hương Bác Hồ cũng như bao thanh niên thuở ấy, chưa đầy 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Viết Sinh đã xung phong đi bộ đội. Đó là thời điểm năm 1961, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang hết sức căng thẳng và chiến trường miền Nam hơn bao giờ hết đang cần sự viện trợ từ hậu phương miền Bắc. Từ Nam Đàn, ông cùng đồng đội được điều thẳng vào miền Tây Quảng Bình và gia nhập vào "lực lượng đặc biệt" của Đoàn 559 để tìm cách mở đường, gùi hàng đi vào miền Nam. Đóng tại Lệ Thủy, rồi sau đó là ở biên giới Việt Lào, nhiệm vụ lúc này của đơn vị ông là gùi hàng qua đèo 800, đèo 01 rồi giao hàng ở đỉnh đèo cho một đơn vị khác.

Công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng thực ra cực kì căng thẳng và gian khổ. Không kể đến những con đèo cheo leo, hiểm trở để đến được điểm giao hàng, mỗi ngày cả đi và về các chiến sỹ phải đi bộ hơn 40 cây số trong điều kiện rừng âm u, đường sá lầy lội và đủ các loại rắn rết. Ấy vậy mà một ngày mỗi người trong đơn vị ông gùi được 20 - 25 kg hàng, riêng ông gùi được 40 - 50 kg, sau đó là 75 kg.

Sau này trong một bài học ở sách Lịch sử lớp 5, ông đã kể lại: "Cùng với đoàn xe ngày đêm nối đuôi nhau chở hàng hướng về phía Nam là đoàn người gùi gạo và xăng trên lưng, luồn lách qua rừng núi, vượt qua sông sâu. Có những dốc cao lên đến tận ngực, nếu đi không khéo, chân người trước dẫm lên tóc người sau.

Để tránh sự rình rập và kiểm soát của địch có những lúc đoàn người phải chui quan cống, hoặc trải ni lông trên mặt đường rồi vượt qua, không để lại dấu vết gì, muốn trao đổi với nhau mọi người phải nói thì thầm".


Điều gì làm nên sức mạnh phi thường từ chàng thanh niên chỉ cao chưa đầy 1m70 và nặng 60 kg ấy?. "Khi đó chúng tôi đi bộ đội bằng tinh thần rất thanh thản, mỗi một lần phải gùi nặng sau lưng chúng tôi lại nghĩ tới khẩu hiệu "một kg hàng là một đồng bào miền Nam đỡ đổ máu, một viên đạn là một kẻ thù" để nhắc nhủ nhau cùng cố gắng - anh hùng Nguyễn Viết Sinh đã giải thích bằng một lý lẽ hết sức đơn giản. Bản thân ông lúc bấy giờ cũng không nghĩ rằng từ những việc làm hết sức bình thường của mình có lúc ông lại được phong anh hùng.


Đến người anh hùng đầu tiên của đường Trường Sơn


Nhập ngũ năm 1961 thì đến cuối năm 1962, Nguyễn Viết Sinh đã được đơn vị tuyên dương "Chiến sỹ thi đua toàn quân" ở Hà Nội. Đó là niềm vinh dự lớn cho ông, cho cả gia đình và cũng là niềm động viên vô cùng lớn lao để một chiến sỹ trẻ như ông tiếp tục phấn đấu.

Cuộc chiến đấu ở miền Nam đang càng ngày càng hết sức ác liệt, để tăng cường sức chi viện, Đoàn 559 đã đề ra khẩu hiệu "kiện tướng" nhằm khuyến khích anh em tăng năng suất lao động. Với vai trò là "tiểu đội trưởng" Nguyễn Viết Sinh đã để ra nhiều cải tiến để cải thiện năng suất.

Ông kể lại: "Tiểu đội chúng tôi chỉ có 9 người nhưng tất cả đều đặt ra mục tiêu phải làm bằng 10, bằng 11 người. Thậm chí nếu ai chẳng may bị ốm, bị sốt rét cũng động viên nhau cố gắng không nghỉ, người khoẻ gánh đỡ hàng cho người yếu, người đi nhanh làm bớt phần cho người đi chậm, người gùi được hàng nhiều thì mang bớt hàng cho người mang ít... ".

Nhờ ý chí đó nên hầu như đợt thi đua nào tiểu đội ông cũng ở vị trí dẫn đầu, riêng ông không lần nào bị tuột khỏi tay danh hiệu "kiện tướng". Nhiều nhà văn, nhà báo đã vào tận chiến trường để gặp ông và viết bài ca ngợi. Tên tuổi của anh lính Nghệ vang khắp dọc tuyến đường Trường Sơn và trở thành điển hình trong toàn đơn vị, nhất là trong đợt phong danh hiệu anh hùng đầu tiên của bộ đội Trường Sơn có tên của Trung sỹ Nguyễn Viết Sinh.


12 năm sau ngày 1/1/1967 - ngày ông được Bác Hồ ký quyết định công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, điều khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất chính là bởi danh hiệu ấy được gây dựng từ lòng tin, từ sự tín nhiệm của lãnh đạo đơn vị và anh em đồng đội.

Ông Nguyễn Viết Sinh cùng cháu nội lần giở lại tấm bằng chứng nhận danh hiệu anh hùng.

Nhớ về kỉ niệm này, ông như sống lại ngày ông và một đồng chí nữa trong tiểu đội của mình băng rừng, lội bộ gần 12 ngày đêm từ Lào ra Quảng Bình để bắt xe đi Hà Nội dự lễ tuyên dương. Nhưng, chiến tranh tàn khốc và những trận bom dội của đế quốc Mỹ đã ngăn cản chuyến đi của ông, ngăn cản ao ước được gặp Bác Hồ, ngăn cản niềm hạnh phúc được gặp lại cô bạn gái cùng quê hiện đang học tại Đại học Xây dựng: "Ròng rã đi bộ gần 2 tuần, mới đến Cổng trời ở Quảng Bình, nghe qua sóng phát thanh, chúng tôi mới biết tin lễ tuyên dương anh hùng ở Hà Nội đã bế mạc...". Gần hai năm sau khi được đơn vị cử đi học ông mới có dịp ra Hà Nội. Lúc này cũng đúng là lúc ông nghe tin Bác Hồ qua đời...


Cuộc đời của người anh hùng Nguyễn Viết Sinh bình dị như bao người lính Trường Sơn khác, ngay cả khi ông đã lên chức đại tá và giữ những chức vụ quan trọng như Phó Chính uỷ Trung đoàn 15, Lữ đoàn phó 185 ở Lào. Hơn nửa cuộc đời theo nghiệp nhà binh, nhưng vừa về hưu, thả ba lô ra là ông lại nhận ngay cái chức "vác tù và" - bí thư chi bộ ở khối.

Hoạt động gần mười năm ở phường Hưng Bình rồi sau này là phường Hưng Phúc, ông lần lượt tham giaBan chấp hành Hội cựu chiến binh của phường, Phó chi hội trưởng Hội làm vườn, Hội trưởng Hội sinh vật cảnh.... Với ông, hạnh phúc bây giờ giản dị hơn nhiều đó là được bình yên bên người vợ là cô bạn gái cùng quê năm xưa, bên con, bên cháu và một chút niềm vui nho nhỏ khi lâu lâu có người gặp ông và nhận ra: A, anh hùng Nguyễn Viết Sinh đó ư?!


Mỹ Hà - Khánh Ly