(Baonghean) - Là “gạch nối” hài hòa giữa hai trục đường sôi động, dày dặn sức phát triển chiến lược của Thành Vinh (trục Quốc lộ 1A và đường V.I.Lê-nin), đường Hoàng Phan Thái mang đến những cảm nhận phố tươi trẻ cho bất kỳ ai có dịp ngang qua. Đường nhộn nhịp nhiều dịch vụ tiện ích và không gian kiến trúc hai bên đường cũng hứa hẹn tầm vóc mới…
 
Đường Hoàng Phan Thái chiều dài độ cây số, nhưng  bấy lâu nay vẫn được đánh giá là trục giao thông quan trọng bởi tính chất “gạch nối” của nó. Đường chạy suốt một thôi dài vào UBND xã Nghi Phú, đường nối giữa trục Quốc lộ 1A với đường V.I.Lê-nin. Những năm 1970 của thế kỷ XX, đường Hoàng Phan Thái chỉ như lối mòn nhỏ đi mãi thành quen. Trong trí nhớ chưa xa của những người dân phố, suốt bốn mùa, đường mù mịt bụi cát pha và bỏng rát trong cái nắng nóng đặc trưng của miền Trung, hoặc hiu hắt, thưa vắng buồn như vệt hanh hao giữa tiết đông khô lạnh. Ký ức dành cho con đường Hoàng Phan Thái ngày ấy, hòa lẫn cả những thân thương và xúc cảm khi nhớ về cuộc sống bình dị, nghèo khó của xóm làng, thôn mạc dọc hai bên đường. Bấy giờ, mỗi xóm chỉ lác đác hơn chục hộ dân, xơ xác và hoang vắng. Nửa phía Tây đường được nhận biết rõ rệt với những doi cát cao rộng, khác hẳn nửa phía Đông, bề mặt trũng thấp khoảng chừng một mét. Cư dân nông nghiệp Nghi Phú thuở ấy chủ yếu canh tác trên vùng đất trũng thấp, và những cánh đồng lúa trĩu bông, những bãi ngô xanh ngút ngát, những đồng khoai lang, ớt cay… đã trở thành một phần  “lịch sử” của con đường Hoàng Phan Thái ngày nay. Diện mạo đổi thay, một con đường khang trang đang hiện hữu nhưng chưa đủ sức xóa nhòa quá khứ gắn với nông nghiệp bền chặt của đất và người nơi đây, vẫn còn đó những khoảng đất thấp để trống, hai bên đường vẫn còn những hàng cây xưa cũ…
images1085928____ng_ho_ng_phan_th_i__tp.jpgĐường Hoàng Phan Thái
Ở trên chính con đường này, những cư dân nông nghiệp của đất Nghi Phú năm nào, nay đã là cư dân phố, vẫn còn thắm thiết lắm với chuyện đường, chuyện phố khi say sưa kể cho tôi nghe về hình ảnh con đường Hoàng Phan Thái qua bước đi của thời gian. Câu chuyện ấy, nỗi thắm thiết ấy, còn hóa cả vào những vần thơ chất phác. Cụ Nguyễn Quang Tuyên, người dân xóm 15, xã Nghi Phú -  nơi có con đường Hoàng Phan Thái đi qua đã đọc lại mấy câu thơ ông từng viết trong những ngày đầu nhập cư về đây:
 
“Cỏ thơ dương liễu cây cành gãy,
Trận trận Nam cào cát bụi bay”
 
Con đường “trận trận Nam cào cát bụi bay” ấy, đã trải qua nhiều biến động để có được diện mạo hôm nay. Từ con đường cấp phối lầy lội, rồi đến lớp áo nhựa đầu tiên, đó cũng là khi bắt đầu đón nhận sự xuất hiện dày đặc hơn của các ngôi nhà hai bên đường. Đường Hoàng Phan Thái có mặt bằng rộng rãi, thoáng đãng như bây giờ là nhờ vào lần tu sửa cách đây chừng chục năm, mở rộng ra hai bên đường và rải lớp nhựa mới, đó cũng là khi đường chính thức được đặt tên. Nói về lý do đặt tên đó, người ta vẫn truyền miệng nhau rằng, ngày xưa chí sĩ yêu nước Hoàng Phan Thái đã từng bị xử chém ở vùng này, thế nên lấy tên ông đặt tên con đường cũng phần nào để tưởng nhớ đến ông. Sự thay đổi đáng kể của đường Hoàng Phan Thái có lẽ là từ khi Trường dạy nghề số 4 Bộ Quốc phòng về đây đứng chân. Với số lượng học viên được đào tạo khá lớn mỗi năm, trường dạy nghề số 4 đã góp phần không nhỏ tạo nên sự nhộn nhịp cho đường Hoàng Phan Thái. Kèm theo đó, các dịch vụ mới như ăn uống, Internet tốc độ cao, cho thuê phòng trọ, hàng tạp hóa… mở ra nhiều hơn và phát triển từng ngày. 
Dịch vụ ăn sáng phục vụ sinh viên trên đường Hoàng Phan Thái.
Ẩm thực trên đường Hoàng Phan Thái cũng là điều đáng kể. Các nhà hàng dê núi, gà đồi, lợn nít… xuất hiện ngày càng nhiều, làm xôn xao lên cả quãng mặt phố phía Tây. Bình dân hơn là những hàng ăn sáng có mật độ khá dày như xôi, bánh mướt, bún, phở… Đối tượng khách hàng ngoài người dân sống xung quanh, còn hướng đến hàng trăm “thượng đế” là học viên của Trường Dạy nghề số 4 Bộ Quốc phòng. Tất cả các dịch vụ đó hầu như đều có mức giá bình dân, phù hợp với mọi đối tượng. Và cái vẻ bình dân ấy dường như không chỉ toát ra từ ẩm thực vỉa hè, mà cả những sinh hoạt phố mỗi ngày, dẫu đã khang trang nhiều tầng cao bề thế, vẫn còn toát vẻ nặng gánh mưu sinh. Cũng dễ hiểu, bởi sâu thẳm trong hồn cốt phố và người, là “lịch sử” ruộng thấp, bãi cao lầm lũi nên vẻ nhộn nhịp mỗi sáng, mỗi chiều làm sao đủ sức làm nhãng đi cái chất cần lao ấy?
 
Mấy năm lại đây, diện mạo phố có thêm dấu ấn mới mẻ, tươi tắn nhờ quán cà phê vườn “Babylon” với phong cách khác biệt, sự rộng rãi và nội thất trang trí hài hòa. Babylon thu hút được khá nhiều khách từ các độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. “Babylon” là quán cà phê, đã hẳn vậy, nhưng thi thoảng, mặt tiền quán còn chiều mắt khách hàng bằng những hình ảnh thương mến của các cặp đôi cô dâu- chú rể thẹn thùng tạo dáng. Quán đẹp và chủ quán thân thiện, dễ tính, hà cớ gì không chấm vào album ảnh cưới để đời của mình một vài “pô” với hậu cảnh đầy nghệ thuật nơi đây?
 
Đường Hoàng Phan Thái vắt ngang hai trục giao thông sầm uất, năng động bậc nhất thành Vinh, thế nên, ít nhiều, đường cũng được hưởng những “làn gió” tươi mới và hiện đại của sức căng đô thị. Dẫu có thể chưa được sầm uất hay rực rỡ như những con đường khác, nhưng đường Hoàng Phan Thái vào đêm cũng có một nét rất riêng với những ánh đèn đủ màu nhấp nháy, với những âm thanh, tiết tấu vui nhộn vừa đủ để cảm nhận hơi thở của phố xá. Mỗi ngày, ai mà tính đếm được có bao nhiêu lượt đi qua, về lại trên con đường ấy, chỉ biết rằng, cảm nhận mến yêu và quen thuộc dành cho phố ngày thêm rõ nét… 
 
Bài, ảnh: P.C- K.L
 
Hoàng Phan Thái (1819-1865) người  làng Cổ Đan, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng là người đầu tiên khai sáng cách mạng nơi đây. Hoàng Phan Thái là con đầu của Tú tài Hoàng Thừa Doãn, hậu duệ nhiều đời của danh tướng thủy binh Hoàng Tá Thốn (1254-1338).
Yêu nước, chống Pháp xâm lăng, chí sỹ Hoàng Phan Thái là một trong những người Việt Nam đầu tiên bị triều Tự Đức ghép tội chém đầu. Năm 1865, bấy giờ Phan Bội Châu mới 2 tuổi. Năm 1907 tức 42 năm sau, trên hành trình vận động tổ chức lực lượng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhà yêu nước hậu sinh họ Phan viết tiểu truyện Đầu Xứ Thái, suy tôn chí sỹ họ Hoàng lên “Cách mạng khai sơn chi tổ” (người khai sáng cách mạng). Từ ngày Tự Đức vào Khiêm lăng, mang theo bản án “quá mù ra mưa” đối với Hoàng Phan Thái, cho đến các đời vua triều Nguyễn kế tiếp, không minh vương nào gỡ bỏ oan khuất cho chí sỹ yêu nước Hoàng Phan Thái .
Hiện nay, ở Thành phố Vinh, ở huyện Bình Chánh - Thành phố Hồ Chí Minh, ở Thị xã Hương Thủy - Thành phố Huế … đều có đường lớn mang tên Hoàng Phan Thái.