(Baonghean) - Với mỗi người dân quê Việt Nam, thì từ hàng ngàn năm nay không gì thân thương, gần gũi, gắn bó bằng cây tre. Lọt lòng trong ngôi nhà tre, nằm nôi tre dưới bóng mát của tre, bữa cơm hàng ngày diễn ra quanh cái chõng tre, lớn lên, bàn tay một đời gắn chặt với cái cán mai, cán cuốc, cái khuôn bừa bằng tre... thường ngày với tay vào bất cứ đồ gia dụng nào, thì y như thứ đồ đó bằng tre. Quen thuộc nhất vẫn là các vật dụng nong, nia, dần, sàng...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong bài thơ “Đất nước”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng
Đất nước có từ ngày đó”.
Cái sàng, cái nong là vật dụng không thể thiếu trong đời sống lao động của người nông dân thuở trước. Ngày xưa chỉ có sân đất, nên nong lớn dùng để phơi lúa, ngô, đậu, vừng và các loại nông sản khác. Nia nhỏ hơn nong, dùng để sảy bụi bặm, vỏ, tạp chất ra ngoài. Nong, nia được đan bằng nan ba, rất khó, vì chỉ những ai nghề mới đan và lận tròn trịa được. Nan tre đủ tuổi được phơi trên giàn bếp cả năm, mang xuống rửa sạch, vót lại ánh lên màu cánh gián bóng loáng, chắc bền... Mỗi cái nong, cái nia, cái sàng, cái dần đều là một tác phẩm nghệ thuật dưới bàn tay tài hoa của người nông dân tay lấm chân bùn!
Sàng cũng được đan bằng nan tre theo nan đôi. Có sàng thưa và sàng dày. Sàng thưa để chọn lựa những hạt ngô, đậu lớn; lọt xuống sàn là những hạt nhỏ hoặc hạt bị bể. Dùng sàng dày để sàng gạo, giữ lại những hạt gạo còn nguyên, làm cho những hạt tấm rơi xuống. Câu thành ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” bắt nguồn từ thực tế của công việc sàng sảy ấy. “Học một sàng khôn” là học được nhiều điều khôn, nhiều điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Nhưng “sàng” ở đây còn có một nghĩa ẩn sâu là những điều hay, điều khôn mà mình học được, thu lượm được cần có sự chọn lựa, sự sàng lọc thì mới gọi là “học”...
Quanh cái nong, cái sàng nơi luỹ tre làng, bao câu hát, lời ca dệt nên duyên tình đôi lứa. “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng được chăng? / Đan sàng thiếp cũng xin vâng/ Tre vừa đủ là non chăng hỡi chàng?”. Hoặc mượn công việc của người chăn tằm để gửi gắm tình thương sâu nặng: “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ/ Quản bao tháng đợi năm chờ/ Ai ơi dứt mối lìa tơ sao đành?”.
Những nong hạt ngô, hạt vừng, hạt lúa vàng; những nong khoai, nong sắn xắt lát được phơi khô chu đáo. Mẹ cất vào chum kín, để dành ăn dần quanh năm. Một hàng chum dựa sát tường nhà, đầy ắp ngô, khoai, lạc, đậu được lót lớp lá chuối khô dày lên trên để chống ẩm, mốc... Làm xong phận sự, những chiếc nong, chiếc nia được đưa vào dựng ngay ngắn bên hè. Những đêm trăng sáng, lũ trẻ chúng tôi mang nong ra giữa sân ngồi, có khi vừa nằm, vừa hát và thi nhau đếm sao “Một ông sao sáng/ Hai ông sáng sao...” hoặc xúm xít quanh ông, bà nghe câu chuyện “ngày xửa ngày xưa...” đầy hấp dẫn. Theo hướng chỉ tay của ông, chúng tôi ồ lên khi ông nói kia là sông Ngân Hà, kia là con vịt lội … Trăng tròn vành vạnh như chiếc nong vàng nằm phơi giữa cánh đồng mây thăm thẳm dường như cũng chung vui cùng lũ trẻ chúng tôi…
Bây giờ, rổ nhựa, rá nhựa, giỏ nhựa, thúng nhựa, dần, sàng nhựa. Rồi đôi đũa, cái thìa, cái muôi... cũng bằng nhựa, tràn ngập khắp chợ cùng quê. Cái nong tre với mấy lá cót dùng quây thóc dần vắng bóng, nhường chỗ cho hòm tôn hay những cái cót tôn. Những vật dụng bằng tre đan như cái dần, cái sàng thưa vắng dần ở các làng quê và xuất hiện đâu đó trong phim, trong hình ảnh minh hoạ, trong bảo tàng...
Lam Hồng