(Baonghean) - Tôi nói, ông hãy hát lên một câu dân ca mà ông thích nhất. Ông xua tay: “Trời ơi, có hàng trăm hàng ngàn câu mà tôi thích nhất, không thể hát hết, không thể chọn một”. Tôi hỏi, ông có thể nói về dân ca đến bao giờ. Ông trả lời, không cần một giây suy nghĩ: “Có thể đến hết một đời”. Người ta gọi ông là con tằm rút ruột cho dân ca xứ Nghệ, quả không sai.
Tôi nhìn ông, và chợt nghĩ, ông cũng thế, ông cũng là hạt ngọc quý lấp lánh sáng ánh sáng của niềm đam mê, của nhiệt huyết, sự tận tâm cống hiến. Dân ca xứ Nghệ, nhờ có ông, người đặt nền móng cho kịch hát dân ca mà phát triển và được công chúng đón nhận trên loại hình sân khấu.
Sinh năm 1942, đã ngoài thất thập, nhạc sỹ Thanh Lưu (tên thật là Đặng Như Lưu) nói rằng, mình “đã trải qua bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời và của quê hương”, nhưng tất cả “những thăng trầm của đời mình đều gắn với dân ca”. Hồi tưởng lại ấu thơ, nhạc sỹ Thanh Lưu nói: “Đó là những tháng ngày vất vả nhưng thật tươi đẹp”. Với ông, cái làng nhỏ có tên làng Mạc (sau đổi thành Thượng Thọ) của xã Vĩnh Sơn, Anh Sơn là chốn đẹp nhất trong tâm tưởng. Lưng tựa vào núi, mặt ngoảnh sông Lam, làng Mạc vừa “cận thủy”, vừa “cận sơn” đã ban tặng cho những người con của làng một không gian thơ mộng, trữ tình. Thanh Lưu đã khỏa nước dòng Lam mà lớn lên, mà đắm mình trong câu hò, điệu ví, cả những tích trò. “Ngày ấy, xã nào cũng có phường trò. Lạ thật, vất vả là thế mà nơi nào cũng cất lên tiếng hát. Người ta hát trên đường, trên sông, trên ruộng đồng, rồi hát trong các cuộc họp xóm, hát trong các lễ phát động mua công trái quốc gia, vận động đi kháng chiến…
Trong làng, ngoài xã, bất cứ ai cũng có thể đặt vè mà hát. Những người thầy đầu tiên của tôi chính là những người dân quê chân lấm tay bùn và cho đến giờ tôi vẫn thấy họ thật quá tài hoa”- Thanh Lưu trầm ngâm và ông nhắc về những tích tuồng được diễn trên “sân khấu 3 mặt” ở quê ông: nào Trưng Trắc, Trưng Nữ Vương, những tích tuồng Tam Quốc… Cậu bé sớm mồ côi cha Thanh Lưu ngày ấy không bỏ sót một đêm diễn văn nghệ nào ở làng. Mà đâu chỉ có Thanh Lưu mê, hầu hết người dân quê cứ nghe tiếng trống tuồng nổi lên là đã vây kín bãi sân vận động, dù đó chỉ là một buổi tập của đội tuồng. Và Thanh Lưu, ngay từ niên thiếu đã có chân trong đội tuồng xã nhà. Sau này, dù đã đi xa, đã thành công ở cương vị người đứng đầu một đoàn nghệ thuật, thì Thanh Lưu vẫn còn nguyên nỗi xúc động trong giấc mơ đứng trên sân khấu làng.
Năm 1960, Thanh Lưu vào Đội tuyên truyền văn nghệ của huyện Anh Sơn, đến năm 1962 thì được tuyển vào Đoàn Văn công tỉnh Nghệ An. Sau đó 1 năm, ông được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam rồi trở về làm nhạc trưởng Đoàn Văn công. Một thời gian sau, Thanh Lưu tiếp tục đi học lớp sáng tác và chỉ huy dàn nhạc dân tộc và sau đó không lâu, Đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập (1973), ông về đây với cương vị trưởng đoàn. Thanh Lưu có 20 năm là trưởng đoàn cho đến khi về hưu. Đối với anh chị em văn nghệ sỹ Đoàn Dân ca Nghệ An, nhắc đến nhạc sỹ Thanh Lưu mọi người đều dành cho ông sự kính trọng đặc biệt. Đó là người đã đưa Đoàn từ con số không tròn trĩnh, với bao nỗi vất vả để trụ vững và có tên tuổi trong làng nghệ thuật. Đó là người đã chia sớt những ngọt bùi với từng diễn viên, đã cùng anh em lăn lộn cơ sở, không ngừng trăn trở, sáng tạo, tạo môi trường để mỗi người đều được cống hiến, sáng tạo.
Nhớ lại,Thanh Lưu cho hay : “Đoàn Dân ca Nghệ An đã bắt đầu từ tay trắng, với 25 con người được lựa về từ các đoàn chuyên nghiệp. “Đó là những tháng ngày sau ký kết Hiệp định Paris, đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh phá hoại, tôi không có gì trong tay ngoài tấm lòng và sự giúp đỡ của anh em cộng sự”. Chính Thanh Lưu cũng đã tự bỏ tiền mình ra mà mua từng chiếc xoong, nồi, chiếc chổi quét nhà… cho Đoàn. Nhiều người ngỡ rằng, dân ca là cái có sẵn, chỉ việc lấy lại mà diễn, mà hát, thế nhưng sự thực thì không đơn giản. Vốn dân ca Nghệ Tĩnh khá phong phú nhưng tất cả đang ở dạng hát dân gian rải khắp các làng quê. Đoàn Dân ca đã phải chia từng nhóm 3 – 4 người một, đi điền dã khắp các nơi, ăn ngủ cùng người dân hàng mấy tháng trời với một mục đích duy nhất: phải sưu tầm bằng được và bằng hết vốn liếng dân ca. Từ hát xẩm, hát chèo, ví dặm,… từ gánh ca trù Đại hàng ở Cát Văn đến Tiểu hàng ở Diễn Liên… Nơi nào cũng thấy sự có mặt của các diễn viên, nhạc công Đoàn Dân ca đến ghi âm, chụp ảnh, xem trò… Sau đó, về được cải biên, thể nghiệm bằng các vở kịch ngắn, rồi dài hơn, lớn hơn, vừa làm vừa đúc kết học thuật.
Cuộc sống thì vất vả nhưng đam mê thì cháy lửa, nhạc sỹ Thanh Lưu nói, với đôi mắt lấp lánh niềm vui. Dường như những tháng năm sôi động ấy vừa mới đây thôi trôi qua trong đời ông. Như mới hôm qua, ông còn cùng Đoàn Văn công Nghệ An biểu diễn trên trận địa đầy khói súng, diễn chưa xong vở thì máy bay đến bắn phá và những diễn viên lại trở thành người tiếp đạn cho các pháo thủ. Như mới hôm qua, ông cùng nhạc sỹ An Thuyên (ngày ấy còn rất trẻ) đi thực tế ở Cửa Lò, đêm ngủ hầm nghe tiếng pháo kích câu rầm rầm trên đầu để viết về dân quân Nghi Tân bắn máy bay giặc. Như mới hôm qua, đi điền dã từ Diễn Châu về Vinh, đến sông Cấm thì bom đã đánh sập cầu, đành đi đường vòng rồi bơi qua sông, gói đồ trong túi nilon mà làm phao bơi, khi cách bờ chục mét thì đuối sức mà đành thả cho mình tự trôi theo dòng nước…Tất cả đang hiển hiện ra trước mắt ông, cả những lần vợ chồng ông (vợ ông cũng là diễn viên của Đoàn Văn công) ôm con nhỏ mới 1, 2 tháng tuổi để đi lưu diễn. Những đêm dài vợ ông nuốt nước mắt nhớ con vì các con ông chỉ độ 1, 2 tuổi là phải gửi con ở nhà bà ngoại để 2 vợ chồng đi công tác. Chuyển sang Đoàn Dân ca là những ngày làm việc đến quên mình để đặt nền móng cho kịch hát dân ca. Để sân khấu hóa dân ca, “chỉ có ví dặm mà dựng vở diễn thì không ổn”, thế là bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu tranh cãi nổ ra trong khi anh em của Đoàn Dân ca thì lặng lẽ lặn lội kiếm tìm, sáng tạo, chắt chiu từng vở nhỏ để “lấy hơi” làm vở lớn.
Hàng loạt vấn đề đặt ra khi đưa dân ca lên sân khấu kịch, có những vở diễn (như “Cô gái sông Lam”) phải dựng từ năm này qua năm khác, phải sáng tác, cải biên tới 30 làn điệu mới. “Ngày ấy, tôi mong mỏi sự sáng tạo của từng anh em. Chúng tôi phát động để ai cũng có quyền được cải biên, đặt lời mới cho dân ca. Tôi biết được rằng, sức sáng tạo ở mỗi cá nhân là không hề nhỏ. Như nghệ sỹ Đình Bảo, anh có biết nhạc đâu, vậy mà khai sinh ra điệu tứ hoa, hay anh Trung Phong nổi danh với “Giận và thương”… May mắn là khi Đoàn dựng vở, công diễn, bà con cổ vũ đông lắm. Có người mua vé xem liền mấy đêm diễn.Thế là thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực”. Những “Hoa đất”, “Đốm lửa núi Hồng”, “Hai ngàn ngày oan trái”, “Ông vua hóa hổ”, “Nghêu, sò, ốc, hến”… đã đưa kịch hát có chỗ đứng vững trong lòng khán giả và cũng chứng tỏ với các nghệ sỹ một điều rằng dân mình yêu dân ca lắm lắm. Ông Võ Khắc Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An từng nói nhạc sỹ Thanh Lưu là “linh hồn của một tập thể nghệ sỹ đầy tâm huyết với sự nghiệp tạo dựng một loại hình sân khấu mới cho quê hương xứ sở, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nền sân khấu dân tộc Việt Nam”
Không thể nói hết những đóng góp của nhạc sỹ Thanh Lưu cho việc phát triển dân ca xứ Nghệ cũng như gây dựng nên Đoàn Dân ca Nghệ An một quãng dài. Cũng không thể kể hết những thành tích, tặng thưởng của ông (Chủ tịch nước tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Văn hóa tặng Huy chương Chiến sỹ văn hóa…), mấy chục giải thưởng lớn, nhỏ về văn hóa nghệ thuật, rồi ông cũng “đứng chân” trong nhiều hội: Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…
Điều ông khiến tôi kinh ngạc chính là lượng tác phẩm đồ sộ mà ông để lại, thể hiện sức sáng tạo phi thường của ông: ông viết nhạc cho gần 20 vở diễn; sáng tác trên 50 ca khúc mới; cải biên và phát triển dân ca chừng 70 tác phẩm; xây dựng các trích đoạn và sáng tác trên 50 tiết mục dân ca; viết 4 phim tài liệu nghệ thuật cho Đài Truyền hình Việt Nam, mấy chục tiểu phẩm cho sân khấu kịch; tổ chức bản thảo, biên tập, đồng tác giả của hàng chục cuốn sách sưu tầm, khảo cứu… Có rất nhiều làn điệu cải biên của ông mà người ta nhầm tưởng là dân ca gốc. Và có nhiều vở kịch mà âm nhạc trong đó đã gắn liền với tên tuổi Thanh Lưu vang bóng một thời: Trước lúc lên đường, Không phải tôi, Khi ban đội đi vắng, Quyền được hạnh phúc, Đốm lửa núi Hồng, Ông vua hóa hổ, Tiếng hát người áo rách…
Điều mà nhạc sỹ Thanh Lưu trăn trở chính là việc bảo tồn phát huy dân ca xứ Nghệ, mà theo ông “phải đi bằng 2 chân: bảo tồn và phát huy song song với nhau. Bảo tồn là phải giữ sao cho nguyên gốc để thế hệ sau biết cái vốn ví dặm là như thế. Phải giữ cho được “hồn cốt” của nó bằng mọi cách (dựng lại, ghi lại…). Còn phát triển phải ở 3 cấp độ: Một là “bình cũ rượu mới” nghĩa là làn điệu cũ nhưng phản ánh hiện thực mới, hai là đặt lời mới phản ánh hiện thực (phát triển các ca khúc mới trên làn điệu ví dặm), ba là duy trì, phát triển kịch chủng mới cho xứ Nghệ (sân khấu hóa dân ca). Muốn vậy, phải có những người đam mê, song bên cạnh đó phải thực sự tìm tòi, sáng tạo…
Thanh Lưu nói vậy, rồi ngồi trầm ngâm, như thể, ông thấy điều đó có vẻ xa vời. Nó giống như một thoáng nuối tiếc, khi ông nói, các con mình hiện giờ không ai đi theo “nghiệp cha”, dù ông vẫn biết rằng, cuộc sống của chúng bây giờ thật đầy đủ và viên mãn.
Thùy Vinh