LẤN CHIẾM NHIỀU NĂM CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ

Ở cảng Cửa Lò, đã từ rất lâu tồn tại hiện tượng khoảng 100 tàu công suất lớn, nhỏ của các phường Nghi Tân, Nghi Thủy thường xuyên lấn chiếm neo đậu ở cầu cảng số 4, số 5. Việc tàu thuyền lấn chiếm này gây nguy cơ mất an toàn cao cho các tàu biển chở hàng ra vào cảng. Tình trạng này đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. 

bna_h32143877_2452019.jpgTàu cá ngư dân Nghi Thủy neo đậu tại Cảng Cửa Lò vi phạm an toàn hàng hải. Ảnh: Trần Châu
Cầu cảng số 4 nằm ngay rìa trái luồng vào cảng, vì thế, việc có nhiều tàu thuyền đánh cá thường xuyên neo đậu, ra vào ở khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hàng hải. Trên thực tế đã xảy ra sự cố đâm va giữa tàu biển và tàu cá tại cảng, gây hỏa hoạn ở các tàu, thuyền cá khi chiếm dụng cầu tàu số 4.
Còn ở bến số 5 thuộc khu bến cảng Cửa Lò đã đưa vào khai thác từ cuối năm 2018, có khả năng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải 30.000 DWT cập cảng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế khu vực và tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, đã nhiều năm nay tình trạng tàu cá neo đậu trái phép ở đây làm cho việc khai thác, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng xung đột, va chạm (nhỏ) giữa tàu biển và tàu cá diễn ra thường xuyên làm cho các hãng vận tải rất e ngại đến cảng Cửa Lò và có thể làm tăng chi phí cho các nhà đầu tư có hàng xuất qua cảng Cửa Lò khi giải quyết những va chạm xảy ra.

Tàu cá của bà con ngư dân neo đậu chiếm dụng cầu cảng Cửa Lò. Ảnh: Việt Phương

Để tháo gỡ khó khăn cho cảng Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An và các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đã tiến hành đầu tư xây dựng bến cá riêng về phía thượng lưu luồng vào cảng Cửa Lò. Đến nay, bến cá một số hạng mục đã hoàn thành nhưng cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo đồng bộ. Do vậy, lượng tàu cá của bà con ngư dân địa phương đang còn neo đậu chiếm dụng cầu cảng Cửa Lò.

CẦN SỚM HOÀN THIỆN BẾN CÁ CHO NGƯ DÂN

Bến cá Nghi Tân được đầu tư với mục tiêu di dời tàu cá ngư dân lấn chiếm cầu cảng Cửa Lò; đảm bảo cho 300 tàu thuyền đánh bắt hải sản neo đậu tránh trú bão do UBND thị xã Cửa Lò làm chủ đầu tư (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2110/QĐ.UBND - ĐTXD ngày 13/6/2012).

Dự án gồm: hạng mục nạo vét luồng tuyến cho tàu thuyền vào nơi neo đậu, vũng neo đậu cho tàu cá số 1, số 2, khu nước, và hạng mục bến neo đậu cho tàu cá (bến tạm). Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai xây dựng hiện vẫn chưa hoàn thành.

Bến cá Nghi Tân được xây dựng từ năm 2005, đến năm 2012 thị xã Cửa Lò đầu tư nâng cấp để di dời số tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Cửa Lò nhưng cầu cảng hiện chỉ tàu công suất nhỏ neo đậu được; kết cấu cầu cảng không phù hợp với tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn. Đó là một trong những lý do khiến ngư dân không chịu rời bến tự phát ở cảng Cửa Lò về neo đậu tại bến cá Nghi Tân.

Ông Hoàng Thanh Sơn – Chủ tịch UBND phường Nghi Tân

Tàu neo đậu ở bến cá Nghi Tân. Ảnh: Việt Phương
Được biết, để hoàn thiện bến cá đưa vào hoạt động, năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án: Xây dựng kè chống sạt lở bờ Hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu, thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2).

Tổng mức đầu tư công trình là 76 tỷ đồng, do UBND thị xã Cửa Lò làm chủ đầu tư. Hiện nay, giai đoạn 2 đã xong 5 tuyến đường, nạo vét luồng lạch và chủ đầu tư đang trình cấp trên bổ sung hạng mục cầu tàu giá trị 14 tỷ đồng.

Thực tế, cầu tàu hiện tại rộng 3,5m là quá hẹp, không phù hợp với thực tế vận chuyển và bốc dỡ cá, hàng hóa lên xuống tàu. Vì thế, để phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc xếp, vận chuyển cá, UBND thị xã Cửa Lò xin được điều chỉnh hạng mục cầu tàu đảm bảo nơi neo đậu tàu cho tàu, thuyền và vận chuyển cá. Chúng tôi đang có tờ trình xin bổ sung nguồn vốn để triển khai thi công cầu tàu vào trong năm nay, sớm có kế hoạch di dời tàu cá đang neo đậu trong cảng Cửa Lò

Ông Doãn Văn Lâm - Phó trưởng Ban Quản lý dự án TX. Cửa Lò

Cầu cảng Nghi Tân hiện tại không phù hợp việc neo đậu tàu công suất lớn. Ảnh: Việt Phương

Cảng Cửa Lò đã được quy hoạch thành cảng đầu mối quốc gia loại I, là một trong những dự án cụ thể hóa chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020.

Để cảng phát triển xứng tầm, đón những tàu biển trên 10.000 DWT đầy tải thì việc di dời tàu cá ra khỏi khu vực cảng là yêu cầu cấp thiết. Để phát huy hiệu quả công trình đã đầu tư, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải theo đúng quy định và tạo thuận lợi cho ngư dân địa phương phát triển nghề cá, cần phải nhanh chóng hoàn thiện khu neo đậu cho ngư dân.