Không còn chạy theo phong trào

Hiện, giá mít Thái đang rớt xuống chỉ còn 2.500 - 16.000 đồng/kg (tùy loại), nhưng nông dân Tiền Giang vẫn “kiên định” lên liếp trồng mít Thái.

Lâu nay, nhiều người biết đến vùng đất phèn Tân Phước là vựa khóm (dứa) của Tiền Giang. Tuy nhiên, giờ trong vựa khóm này “da beo” nhiều vườn mít Thái mới trồng.

Ông Tư Nhật (Nguyễn Hồng Nhật) - xã Mỹ Phước, giữa cái nắng chói chang ông vẫn lui cui xăm xoi những cây mít Thái 3 tháng tuổi, xanh mơn mởn. Mảnh vườn mít Thái rộng 4ha này trước đây là những liếp khóm chạy dài tít tắp. Không phải khóm khó bán, cho nhu nhập thấp mà ông Tư Nhật phá khóm trồng mít.

084459-3.jpg

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khảo sát tình hình trồng mít Thái tại huyện Tân Phước (Tiền Giang). Ảnh: T.Đ

“Tui đầu tư cho vườn mít 4ha này hết 800 triệu đồng. Vườn khóm ngày trước vẫn cho thu nhập tốt, nhưng đất Tân Phước ngày càng kém phèn nên cây khóm cũng phát triển kém dần”, ông Tư Nhật thổ lộ.

Tuy nhiên, cái chính ông Tư Nhật bỏ khóm trồng mít là vì đầu tư thấp, giá tốt hơn khóm, cho trái nhanh (1,5 năm đã cho thu hoạch), thu nhập nhanh và ít tốn công chăm so với khóm.

Ông Tư Nhật cũng cho rằng, mình trồng mít không phải chạy theo phong trào khi thấy giá tốt, thấy bà con nông dân đổ xô trồng, mà là một cuộc đầu tư thật sự. Ông chia sẻ, đã tính nát nước nên không sợ mít dội chợ như nhiều người tiên đoán. Kế hoạch là ông nuôi thêm heo rừng, nuôi cá. Nếu thương lái không mua mít thì lấy cho cá, heo ăn để đỡ tốn tiền thức ăn.

Hiện tại Tiền Giang, cuộc làm ăn với mít Thái không còn khu trú trong thành phần nông dân. Một đại gia phân bón ở TP.Mỹ Tho vừa cho biết, anh đã mua 30ha đất tại Đồng Nai để làm nông trại mít Thái với 30.000 gốc.

“Mít được trồng để cung cấp cho một công ty xuất khẩu trái cây với giá bao tiêu 20.000 đồng/kg, nên không bàn đến chuyện dội chợ”, doanh nhân này khá tự tin cho hay.

Doanh nhân này tính, chỉ cần thu hoạch vụ mít đầu tiên, anh sẽ thu được 14 tỷ đồng.

Trong tầm kiểm soát?

Mới đây, một đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã đi khảo sát tình hình trồng mít Thái tại Tiền Giang. Theo Cục trồng trọt, mít Thái có đặc điểm thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sau trồng từ 12-15 tháng cây đã bắt đầu cho quả. Nếu chăm sóc tốt năng suất trung bình từ 20-25 tấn/ha/năm.

Do giá thu mua và hiệu quả sản xuất tăng cao, từ năm 2017 đến nay, một số nông dân tại các tỉnh phía Nam đang chuyển đổi sang trồng mít Thái chủ yếu trên vườn cây ăn quả, cây công nghiệp kém hiệu quả, vườn mít giống cũ và một số diện tích đất trồng lúa kém năng suất.

Mít Thái trồng ở Mỹ Phước, Tân Phước. Ảnh: T.Đ

Năm 2018, diện tích mít Thái cả nước là 26.174 ha, sản lượng 307.534 tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất với 10.105ha.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc phát triển diện tích mít Thái hiện nay trên cả nước vẫn trong tầm kiểm soát và chưa đến nỗi sẽ dội chợ trong thời gian tới.

“Việc phát triển cây mít không hoàn toàn là do bà con nông dân trồng tự phát, chạy theo phong trào. Tất cả việc phát triển này đều có sự tính toán”, ông Tùng nhận định.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, bà con nông dân ĐBSCL cần lưu ý những yếu tố bất lợi khi phát triển cây mít ở vùng này. Trước hết, cây mít chỉ thích hợp với loại đất có độ cao từ 400 – 1.200m. Điều này thì khu vực ĐBSCL không có lợi thế. Bà con nông dân phải thiết kế lại vườn để cây mít tăng trưởng và phát triển tốt nhất. Đây là cây trồng có nhiều loại dịch hại tấn công gây sụt giảm năng suất, chết cây. Ngoài ra, hiện thị trường xuất khẩu của cây mít chủ yếu là Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đầy rủi ro khi nước này đang đòi hỏi tất cả nông sản xuất khẩu sang phải theo con đường chính ngạch, kiểm dịch chặt và truy xuất được nguồn gốc, trong khi phía nhà vườn và doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị gì. Đặc biệt, theo ghi nhận gần đây của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung Quốc cũng đang phát triển diện tích mít lên 180.000ha.

“Về xúc tiến thương mại, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tiếp xúc với các nước để xuất khẩu chính ngạch cho trái mít. Riêng các doanh nghiệp trong nước cũng đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ mít”, ông Tùng thông tin.

Trong khi đó, theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt tỉnh Tiền Giang, tỉnh này sẽ không cho phát triển thêm diện tích mít trên địa bàn. “Quan điểm của tỉnh là duy trì diện tích hiện có, tập trung chăm sóc, quản lý tốt chất lượng. Riêng đầu ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phải tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ mít cho bà con nông dân”, vị này cho biết.

Hiện tỉnh Tiền Giang có khoảng 6.000ha mít Thái.

Được biết, hiện UBND tỉnh và Tỉnh ủy Tiền Giang đã chỉ đạo gắt gao các cơ quan chức năng phải nghiêm khắc trước việc bà con nông dân trồng mít trên đất lúa bằng Thông tư số 19 của Bộ NNPTNT. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa phải được chính quyền địa phương đồng ý. Tỉnh Tiền Giang đã cho lập biên bản những vi phạm về chuyển đổi cây trồng trái quy định.

Hiện, tỉnh Tiền Giang có khoảng 6.000ha mít Thái. Tổng diện tích mít được trồng mới trên đất lúa lên liếp từ năm 2017 đến nay là 1.150 ha. Số còn lại được chuyển đổi và trồng xen trong các vườn cây ăn quả kém hiệu quả. Đặc biệt diện tích mít Thái đang được mở rộng nhanh trên vùng đất trồng khóm tại huyện Tân Phước.