Đôi rồng mô phỏng rồng thời Lý và chiếc chóe được công nhận kỷ lục Guinnesss Việt Nam ra mắt công chúng thủ đô vào tối 16/9. Tác phẩm do làng nghề Bát Tràng sản xuất mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Lễ hội Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội, sự kiện mở màn Đại lễ năm nay, khai mạc tại công viên Bách Thảo (Hà Nội) vào tối 16/9. Điểm nổi bật của tối khai mạc là hai bức tượng mô phỏng rồng thời Lý khổng lồ được xác nhận kỷ lục Guinness VN.
Một trong số hai bức tượng rồng mô phỏng thời Lý được xác nhận
kỷ lục Guinness Việt Nam tối 16/9.
Tác phẩm mang đầy đủ đặc trưng của rồng thời Lý: mình không vảy, mỗi chân có 3 móng, đầu rồng không cầu kỳ diêm dúa mà thể hiện tính độc lập, tự chủ của thời đại. Công trình do công ty Làng Bát Tràng phối hợp với báo Xây Dựng, công ty Phát triển Truyền thông Việt Nam thực hiện.
Đôi rồng được thiết kế khung thép, mình được trang trí bằng các vật liệu gốm sứ như bát, đĩa, ấm, chén, chai, lọ... Tổng cộng có 6.000 đĩa men sứ, 4.000 cốc sứ tráng men ngọc, loại men được sáng tạo từ thời Lý. Mỗi rồng ngậm trong một miệng viên ngọc xanh trong suốt, làm bằng đá ngọc quý tự nhiên, mỗi viên nặng 57 kg.
Sau khi hoàn thành, mỗi rồng có chiều cao 8,2 m, chiều dài 30 m, khi đã uốn khúc còn lại 15,6 m. Tổng trọng lượng đôi rồng trên 60 tấn.
Người lên ý tưởng cho công trình là ông Lê Đức Kế, Chủ tịch công ty Làng Bát Tràng. Đội ngũ thực hiện là đông đảo các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, đứng đầu là nghệ nhân Nguyễn Văn Bình. Các nghệ nhân đã chọn đền thờ Chử Đồng Tử, một trong Tứ Bất Tử trong huyền thoại dân gian Việt Nam để làm nơi thi công.
Chiếc chóe lớn nhất Việt Nam được trưng bày trong buổi ra mắt.
Cùng với đôi rồng, chiếc chóe khổng lồ do đơn vị này sản xuất cũng được trưng bày trong buổi ra mắt. Tại lễ ra mắt, đại diện Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam có mặt và trao xác nhận kỷ lục Guinness cho đôi rồng và chiếc chóe lớn nhất Việt Nam cho ông Lê Đức Kế và ông Nguyễn Văn Bình.
Các tác phẩm được trưng bày tại công viên Bách Thảo trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để công chúng chiêm ngưỡng. Sau khi kết thúc triển lãm, ban tổ chức dự kiến đưa đôi rồng về đặt tại đền Đô, Bắc Ninh hoặc một vị trí khác ở Hà Nội theo bố trí của UBND thành phố.