(Baonghean) - Mình có cô cháu gái đang học đại học, hè năm nào cũng tham gia các hoạt động tình nguyện dành cho sinh viên. Nào là: Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh, rồi thì các hoạt động làm vệ sinh đường phố, bận rộn ra phết! Năm nay, thấy cô cháu gái “ngoan ngoãn” ngồi lì ở nhà, đọc sách, nghiên cứu về sơ cứu, cứu hộ và về các căn bệnh thường gặp ở miền rừng núi, mình ngạc nhiên hỏi: 
 
- Cô tình nguyện viên năm nay “ế sô” hay sao mà ngồi nhà hưởng điều hoà nhàn nhã thế này?
 
- Ai bảo cậu là cháu ngồi chơi? Cháu đang nghiên cứu, trang bị kiến thức để chuẩn bị cho đợt đi tình nguyện ở vùng sâu vùng xa sắp tới đấy! 
 
- Cậu thấy mọi năm, cháu cứ xách ba lô lên là đi chứ có phải nghiên cứu, tìm hiểu gì đâu? Thanh niên các cháu thì chỉ cần tham gia sức trẻ là được, sao phải nghiêm trọng hoá vấn đề?
 
Cô cháu gái xua tay, lắc đầu quầy quậy. Hoạt động tình nguyện bây giờ bắt đầu chú trọng đến “chất” chứ không chỉ yêu cầu về “lượng” như trước nữa. Người ta cần sinh viên tình nguyện có kiến thức, kỹ năng về những mảng, lĩnh vực nhất định. Đó là một xu thế tất yếu của xã hội: khi đã qua giai đoạn phát triển ồ ạt rộng khắp, sẽ đến lúc người ta quan tâm đến sự phát triển có chiều sâu, có trọng tâm. Vận dụng lý lẽ đó vào đối tượng sinh viên, ngẫm cũng rất có lý: không chỉ có sức trẻ, đây còn là lực lượng được đào tạo bài bản, được tiếp xúc với thông tin đại chúng và có vốn kiến thức, kỹ năng mềm đa dạng. Như vậy, nếu chỉ huy động lực lượng sinh viên tham gia các hoạt động thiên về lao động thể chất, có khác nào chúng ta viện đến búa tạ để đập vỡ… hạt lạc?
 
“Cũng chưa hẳn là búa tạ đâu cậu ạ!”, cô cháu gái mình trầm ngâm nói khi nghe câu “tuyên ngôn” hùng hồn trên đây của mình. Bởi đến nay, các hoạt động xã hội “truyền thống” như lao động công ích, tiếp sức mùa thi đã bão hoà, thậm chí lượng cung vượt mức cầu. Trong khi đó, các hoạt động tình nguyện có tính “chuyên sâu” hơn, có yêu cầu “trọng tâm” hơn vẫn trong tình trạng thiếu hụt lực lượng sinh viên tham gia. Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, những hoạt động mang tính đặc thù như thế này thường không kéo dài mà chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định khi cộng đồng có nhu cầu; phạm vi không rộng như các hoạt động truyền thống nên việc tuyên truyền, huy động thanh niên tham gia khó đạt được hiệu ứng lan toả cao. Thứ hai, nếu như với các hoạt động cộng đồng trước đây, thanh niên tham gia với tâm lý “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” thì tính chất của các hoạt động chuyên sâu đòi hỏi người tham gia phải có vốn kiến thức, kỹ năng nhất định, mới có thể đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của hoạt động. 
 
Tất nhiên, mình hoàn toàn đồng tình với sự phát triển, đổi mới này của hoạt động dành cho thanh niên, bởi tính giáo dục được nâng lên đáng kể. Một mặt, sự đóng góp của các em cho cộng đồng sẽ có chiều sâu hơn, đáp ứng một cách cụ thể, có trọng tâm hơn những nhu cầu của xã hội. Mặt khác, đây cũng là môi trường, là động lực để các em nỗ lực hơn nữa trong quá trình tự hoàn thiện bản thân. Sự chuyển biến về “chất và lượng” trong hoạt động tình nguyện sẽ giúp sinh viên rèn luyện thêm những kiến thức, kỹ năng được học, giúp ích cho cộng đồng và còn là hành trang quý báu, có ích cho chính bản thân các em sau này. Đồng thời, việc “nâng cao” yêu cầu đối với các hoạt động cộng đồng còn là một “phép thử” để tìm ra những thanh niên ưu tú, năng động và thực sự “cháy” hết mình với trách nhiệm cống hiến cho xã hội. Nghĩ đến đây, mình lại thấy quá đỗi tự hào vì cô cháu gái cưng nói riêng và thế hệ trẻ thời đại mới này nói chung!
 
Hải Triều