(Baonghean) - Tuần qua, loạt bài “Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A” của nhóm phóng viên và bài “Một canh bạc” của Hải triều nhận được phiếu bình chọn, đánh giá cao của bạn đọc. Dù 2 bài viết ở 2 thể loại khác nhau, đề cập 2 vấn đề tưởng chừng như không liên quan đến nhau nhưng tinh thần xuyên suốt của 2 bài viết vẫn là trách nhiệm với mục tiêu chung của quê hương, đất nước. Nếu như ở bài “Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A” gặp khó khăn do sự cản trở, xúi dục của một số cá nhân thiếu ý thức, vô trách nhiệm thì ở “một canh bạc” là tình cảm, sự hy sinh cái tôi để phục vụ cái chung.
Đừng tạo sự khác biệt
Thời gian qua, với sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân dọc hai bên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã bàn giao 100% mặt bằng trên tổng chiều dài 73,8 km cho chủ đầu tư vào ngày 15/4/2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ… Thứ nhất, là do “năng lực nhà thầu thi công quá chậm, yếu, gây khó khăn cho việc kinh doanh, sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân tái lấn chiếm” (theo công văn phản ánh của UBND xã Quỳnh Giang). Ở một số địa phương, việc thi công gặp khó, thi công “xôi đỗ” do gặp phải sự cản trở, gây khó dễ của một số hộ dân. Khó khăn nhất vẫn là đoạn qua xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu) do vấp phải sự tái lấn chiếm, cản trở thi công của một số hộ giáo dân Yên Lưu, xứ Thuận Nghĩa…
Vì sao 22 hộ ở Quỳnh Giang tái lấn chiếm, cố chấp không chịu bàn giao và một mực yêu cầu Nhà nước phải đền bù đất trong phạm vi 13.5m mới được thi công? Đó là do một số hộ dân bị kích động, xúi dục, đưa ra các yêu sách không đúng với chính sách của Nhà nước về đền bù, hỗ trợ, tái định cư GPMB, từ đó tổ chức ngăn cản không cho nhà thầu thi công. Loạt bài đã “điểm mặt, chỉ tên” đối tượng chống đối, đó là ông Nguyễn Trọng Thuận (quê ở Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã viết đơn thư tố cáo xuyên tạc sự thật về quá trình chỉ đạo giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A. Là một công dân, phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” nhưng ông lại có những lời lẽ ngạo mạn, xúc phạm cá nhân, xúi dục người dân chống lại chủ trương của Nhà nước, của Đảng. Cùng với đó, là linh mục Nguyễn Văn Đính, quản hạt Thuận Nghĩa, một người có bổn phận chăm lo việc đạo, chăn dắt phần hồn của các con chiên nhưng lại sốt sắng viết đơn, thư trình bày gửi UBND huyện Quỳnh Lưu, “xem xét và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân” trong khi chính người dân đang đi ngược lại “lợi ích dân tộc”. Đây là một ý kiến chủ quan của linh mục Đính và thiếu căn cứ về pháp luật, bởi đã là hành lang an toàn giao thông thì không thể thuộc quyền sử dụng của riêng một cá nhân nào nữa. Đồng thời, xúi giục con chiên cản trở thi công, không bàn giao mặt bằng.
Phần cuối của bài viết, các phóng viên đã đưa ra được những căn cứ, những quy định về hành lang ATGT đã được ban hành để bác bỏ các luận điệu sai trái của các phần tử xấu. Những hộ dân là giáo dân ở xóm 11, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu nói rằng “mọi việc bây giờ đều do cha quyết” và họ cũng đang chờ ý kiến của cha! Vậy nên, là người chăn dắt phần hồn của các con chiên, cha hãy hướng cho họ con đường đi đúng đắn, đó là hãy “vì lợi ích quốc gia” và để “giảm bớt tai nạn giao thông”, thuận lợi trong việc đi lại và kinh doanh buôn bán, hãy bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm quốc gia.
Một canh bạc
Trách nhiệm với quê hương, đất nước là tinh thần bao trùm lên bài viết nhỏ nhưng ý nghĩa của Hải Triều. Tác giả đã liên hệ về việc bản thân đang du học ở Pháp nay trở về Việt Nam để nói lên được nội dung bao quát bài viết, đó là tinh thần chịu hy sinh lợi ích riêng để phục vụ cái chung.
Khi ở nước ngoài, ai cũng có một cuộc sống hoàn toàn sung sướng gấp nhiều lần ở trong nước, nhưng không phải vì thế mà họ đánh mất đi bản sắc của mình. Thử nhìn lại, trên thế giới này, biết bao người Việt, ngày trước đã từng vượt biên, vượt biển để đi ra nước ngoài, nhưng rồi đến khi thành đạt, đến khi cuộc sống đã quá thoã mãn, thì tình yêu và cả trách nhiệm với quê hương, nguồn cội lại trỗi dậy trong họ, họ lại tìm cách để trở về. Mặc dù trở về phải sống một cuộc sống khó khăn, vất vả hơn, nhưng bù đắp lại họ có được tình cảm của cộng đồng dân tộc, của dòng máu Việt. Họ đã không bao giờ ân hận cho quyết định của mình. Bản thân người viết cũng đã từng có một thời gian ở nước ngoài, cũng đã được hưởng một cuộc sống sung túc, một môi trường rất đảm bảo. Khi về nước rồi, có người hỏi, sao không ở bên đó cho sướng lại về làm gì? Lúc đó tôi cũng chỉ trả lời “Họ bắt về phải về thôi, chứ ai muốn về đâu?”. Nói là nói vậy thôi, nhưng trong thâm tâm bản thân ngay từ những ngày còn ở nước ngoài, từng ngày, từng giờ mong muốn có được ngày đoàn tụ, để được gặp lại gia đình, người thân, bạn bè. Nếu như không trở về thì liệu cuộc sống của bản thân giờ sẽ ra sao, có được mái ấm gia đình hay không?
Bài viết của Hải Triều đã đánh thức được tấm lòng của biết bao người con xa quê, cho dù cuộc sống của họ có đủ đầy, hoa lệ đi chăng nữa thì họ vẫn thiếu đi mặt tình cảm truyền thống, thiếu đi một trách nhiệm với nguồn cội. Có thể khi rời xa nơi nơi đã từng gắn bó, sẽ vấn vương, nhung nhớ, nhưng họ không bao giờ ân hận cho quyết định trở về của mình. Đó là một sự hy sinh, sự hy sinh này như tác giả nói là không thể sánh với các tiền nhân vĩ đại, các thế hệ cha anh đi trước, nhưng phần nào đối với họ cũng là một điều quan trọng đó chính là: Tổ quốc, quê hương, gia đình như tác giả khẳng định.
Người xây dựng