(Baonghean) - Tuần qua, loạt bài 4 kỳ “Nhìn lại mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển cao su” đăng trên nhật báo số ra các ngày 29, 30, 31/7 và 1/8 được bạn đọc đánh giá cao. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết… 
 
Trước hết, phải khẳng định rằng, phát triển cao su là một trong những mục tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh, được thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhưng, gần hết nhiệm kỳ nhưng mục tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển cao su là không thể đạt. Vậy đâu là nguyên nhân? Lần tìm các văn bản có tính pháp quy được ban hành sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, được biết, cho đến nay UBND tỉnh đã 2 lần ban hành các quyết định liên quan đến việc phát triển cao su. Lần thứ nhất vào ngày 19/9/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 4183/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển cao su tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015; Lần thứ 2 vào ngày 17/1/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND về việc Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cao su tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020. 
 
Vậy là, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có từ tháng 10/2010 mà sau gần 3 năm UBND tỉnh mới có đề án để phê duyệt. Việc chậm ban hành đề án đã có những tác động tới kết quả thực hiện. Bởi, một đề án được ban hành từ nghị quyết đại hội, rõ ràng sẽ có tính sát thực và có tính hiệu lực thi hành cao. Và nếu đề án sớm được thực hiện, các cấp, ngành cùng các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ phải tập trung vào cuộc quyết liệt. Chúng tôi đã có các chuyến công tác tại các địa phương Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong..., thấy rằng, trong nhiều khó khăn khiến mục tiêu đại hội về phát triển cao su không thể đạt có nguyên nhân bởi hầu hết các giải pháp thực hiện, các cơ chế, chính sách đã đề ra tại Quyết định 4183/QĐ-UBND chưa được thực hiện. 
 
Thứ hai là do “Rào cản từ đất đai, vốn đầu tư” (kỳ 2). Ở kỳ này, nhóm PV đã phân tích, mổ xẻ về những khó khăn, vướng mắc trong phát triển cây cao su. Trước hết là về quỹ đất. Theo Quyết định 4183/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND tỉnh nêu rõ: Trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, sử dụng hợp lý và khai thác hiệu quả quỹ đất để đẩy mạnh công tác trồng mới, tiếp tục đầu tư chăm sóc, khai thác diện tích cao su hiện có, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su. Tuy nhiên, nắm bắt tình hình ở các địa phương, trong công tác đất đai, đều ít nhiều gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với tổng diện tích cần bàn giao cho nhà đầu tư là 3.700 ha, đến nay, huyện Anh Sơn đã bàn giao được 2.100 ha. Khoảng 1.600 ha còn lại, là đất thuộc Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn quản lý, trên đó có 14 hộ dân nguyên là cán bộ, công nhân viên công ty đã nghỉ hưu đã làm nhà trên diện tích đất nhận khoán (188,54 ha); 6 liên doanh trồng rừng với công ty (1.453 ha); ngoài ra, có 3 hộ đã lập và phê duyệt hồ sơ nhưng chưa nhận tiền. 
 
Ở huyện Quế Phong, ngay tại vùng cao su được trồng sớm nhất, xã Tiền Phong lại có không ít thôn, bản phản đối dự án cao su. Nguyên nhân là do, người dân bản Bon chưa hề được chính quyền huyện, xã cũng như đơn vị thực hiện dự án cho nắm bắt về việc trồng cao su trên vùng rừng đầu nguồn do cộng đồng thôn bản quản lý. 
 
Thứ hai, là vấn đề vốn đầu tư. Hiện doanh nghiệp phát triển cao su không thể tiếp cận được vốn vay. Ngân hàng có tiền nhưng ngân hàng không dám cho vay. Doanh nghiệp muốn vay nhưng không vay được. Chính quyền đã nhiều lần đôn đốc, làm việc với ngành Ngân hàng để các ngân hàng thực hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi  khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển cây cao su nhưng ngành Ngân hàng vẫn chưa có chuyển động. Đến nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn chưa vào cuộc, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có chính sách riêng đối với việc phục vụ chủ trương phát triển cây cao su của tỉnh.
 
Trước những khó khăn đó, để có giải pháp tháo gỡ, nhóm PV đã thực tế ở Quảng Bình, tìm hiểu cây cao su trên tỉnh bạn.  Dù rằng, sau trận bão 2013, hàng ngàn ha cao su ở Quảng Bình bị gãy đổ, nhưng với người dân dọc đường Hồ Chí Minh thì họ vẫn tiếp tục xem cây cao su là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Một người dân đã chia sẻ: "Trên mảnh đất này không thể có loại cây trồng nào phù hợp hơn nữa...".
 
Đặc biệt, ở kỳ này, nhóm PV đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng, từng là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ông cho rằng: “Nghệ An đã đúng khi gắn bó với cây cao su. Và Nghệ An đã lựa chọn phù hợp vùng đất để quy hoạch trồng cao su; đồng thời, đã lựa chọn đối tác đúng (Tập đoàn Cao su Việt Nam) để phát triển cao su đại điền”. Và ông đưa ra lời khuyên: Trong thời điểm hiện nay, để phát triển cao su cần xây dựng nòng cốt, chứng minh được giá trị thực của cây cao su để người dân thấy.
 
Ở kỳ 4 “Nhận thức và hành động đúng với mục tiêu phát triển cao su”, nhóm PV đã đưa ra nhóm giải pháp, chỉ ra những việc cần làm để cây cao su trở thành cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn Nghệ An. Đó là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị, tầm quan trọng của cây cao su trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong vùng quy hoạch dự án; Thứ hai, cần giải quyết tốt các công tác liên quan đến đất đai; Thứ ba, cần có chính sách về vốn đầu tư cho phát triển cao su. 
 
Phát triển cây cao su là một chủ trương lớn của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội. Qua nghiên cứu, tìm hiểu đây thực sự còn là một chính sách đa mục tiêu. Do đó, cần nghiên cứu kỹ, có giải pháp sát thực, đúng đắn và kiên trì với mục tiêu phát triển cây cao su.
 
Người xây dựng