(Baonghean) - Chuyện về ngành Điện thì luôn là chuyện thuộc hàng "hot". Bởi thứ nhất, điện liên quan trực tiếp đến cuộc sống, công việc hàng ngày của mọi người dân. Điện cũng được xếp vào hội "con một" như xăng dầu, nước, viễn thông... Và vì là "con một", độc quyền nên các bác này rất hay làm mình, làm mẩy, theo kiểu tréo ngoe, nỏ giống ai. Bài viết "Một kiểu làm ăn mờ ám" của tác giả Duy Hương đăng nhật báo ngày 19/7 đã nói lên sự mờ ám của ngành Điện…
Đó là việc hóa đơn tiền điện của người dân xã Hóa đơn tiền điện của các hộ dân ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) tăng một cách bất thường buộc dư luận đánh một dấu hỏi lớn. Mà hình như dấu hỏi này chẳng biết đến bao giờ mới có câu trả lời thích đáng. Bởi trả lời, giải thích thì có đấy, nhưng mà theo kiểu "cả vú lấp miệng em", hoặc lòng vòng, né tránh, gian gian thế nào. Nên bà con ta chẳng thể nào thông lỗ nhĩ được, vì nghe chẳng thuận chút nào. Bởi ngay cả việc ngành Điện khắc phục sự cố bằng cách hoàn trả số tiền dôi dư đó, nhưng lại làm quá nhanh, đến nỗi người ta lại nghi ngờ lần nữa, như là anh đang khỏa việc để trốn tránh điều gì đó đang cố che giấu.
Rằng "Ban đầu là hóa đơn tiền điện tăng cao theo cách hết sức vô lý. Trong khi số lượng trang, thiết bị của người dân vẫn thế, không có gì thay đổi. Thời gian sử dụng điện cũng không có gì tăng đột biến". Người dân họ dùng điện, họ biết chứ. Hàng tháng dùng vẫn thế, nay vẫn thế, tại sao giá điện lại vọt lên thế được. Thí dụ như nhà sắm thêm cái điều hòa, cái tủ lạnh thì đã đành một nhẽ. Nay chẳng có gì thêm, mà giá điện lại một mình một lối, tự dưng nhảy vống lên, thế mới là lạ, là thắc mắc.
Thế là “bác điện” bắt đầu một mớ giải thích theo kiểu mê hồn trận, nào là do nắng nóng nhiều, nhu cầu sử dụng tăng lên. Thấy dân chẳng nghe, “bác điện” quay ra đổ cho cách tính tiền điện theo giá mới, cũng không ổn, bởi "So với biểu giá mà ngành Điện đã công bố trước đây thì giá chỉ tăng đối với những đối tượng sử dụng điện nhiều. Còn ở đây lại tăng đều và tăng cao ở tất cả các hộ". Ngoài ra, “bác điện” lại diễn đủ các trò nhập nhèm như "Trên liên 2 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Điện lực Nghệ An giao cho khách hàng không có chữ ký của bên bán điện kể cả ở hóa đơn tính sai và cả hóa đơn sau khi tính lại. Hình như người ta đã cố tình nhập nhằng vào đúng thời điểm chuyển giao từ cách tính giá điện cũ sang cách mới áp dụng từ ngày 1/6 nhưng số điện tính giá mới lại được ghi từ giữa tháng 5. Vì vậy, trong một hóa đơn giá điện tính từ 19/5 đến 15/6 có tới hai cách tính khác nhau". Đến đây, chúng ta có thể thấy rằng, việc Điện lực tự mình diễn một mình một tuồng như này là do tính độc quyền của mình.
Các ngành độc quyền có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam như: điện, nước, xăng, viễn thông... Mỗi lần tăng giá các ngành đều trình bày khó khăn riêng của mình và 1 câu nghe khá quen: ''So với nước ngoài thì tăng như vậy là hợp lý''. Giá điện tăng tất yếu dẫn đến lạm phát. Trong thực tế, chỉ số tiêu dùng CPI bị tác động không nhỏ và lập tức kích hoạt hàng loạt đợt tăng giá của hàng tiêu dùng, thực phẩm, giá vận tải hành khách và hàng hóa, giá nhà trọ…, làm khốn khó hơn cho đời sống dân nghèo vốn đã quá khó khăn. Hoàn toàn ngược lại, lợi nhuận mới là thực chất nhất trong tất cả những vụ áp phe đình đám. Một cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ mới đây đã phát hiện trong bảng giá thành của mình, EVN đã hạch toán cả các công trình xây bể bơi, sân tennis và biệt thự vào giá bán điện. Giá bán điện lại được phổ cập cho mặt bằng dân trí thấp kém trong dân chúng. Và thêm một lần nữa, người ta có được bằng chứng về cái được coi là “trận đánh đẹp” của EVN: cuộc chiến bù lỗ vào dân. Trong khi đó, một con số lần đầu tiên được công bố là EVN chính là doanh nghiệp vay nợ ngân hàng lớn nhất Việt Nam, với hơn 118.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất mà hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn nhà nước. Với nợ nần khổng lồ và số lỗ do đầu tư trái ngành, người ta ước tính EVN phải tăng giá điện liên tục đến năm 2017 - 2018 thì mới may ra “hòa vốn”.
Kết bài viết của mình, tác giả đã phải ngán ngẩm thốt lên rằng "Có thể nói sự cố hóa đơn điện ở Quỳnh Đôi là một bằng chứng cụ thể và sinh động cho lối làm ăn vừa tắc trách, cẩu thả vừa có những toan tính đầy vụ lợi và không minh bạch. Có cái gì đó xấu xa, giấu giếm ở bên trong. Mà nói ngắn gọn là một kiểu làm ăn mờ ám".
Người Xây Dựng