Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đây là quyết sách rất quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và càng có ý nghĩa hơn khi Nghị quyết được thông qua vào đúng thời điểm tỉnh đang rất cần những động lực mạnh mẽ để hỗ trợ cho quá trình phục hồi và bứt phá của nền kinh tế khi thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Năm 2021 đi qua, để lại dấu ấn khá toàn diện về sự “vượt khó” của nền kinh tế - xã hội Nghệ An với nhiều chỉ số căn bản của nền kinh tế đạt kết quả khả quan, đặc biệt, tốc độ tăng trưởng đạt 6,2%, nằm trong tốp 22 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của cả nước trong năm nay.
Một số chỉ số quan trọng khác của nền kinh tế cũng chứng kiến những lần đầu tiên chạm đến cột mốc rất đáng ghi nhận. Đó là lần đầu tiên thu ngân sách đạt gần 19.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu lần đầu tiên đạt hơn 3,3 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, dần đưa Nghệ An ra khỏi “vùng trũng” xuất khẩu của cả nước.
Đề cập về tình hình năm qua, 7 chuyên gia trong Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh do ông Trương Đình Tuyển làm Tổ trưởng đã thống nhất nhận định: “Lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt để thực hiện quyết tâm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá, tỉnh giàu trong tương lai gần; thể hiện ở việc Nghệ An đang trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh đạt kết quả tốt ngay cả khi gặp khó khăn do dịch bệnh trong năm nay. Tổ nhận thấy rằng, tỉnh đang đi đúng hướng và hy vọng lãnh đạo, cán bộ của tỉnh tiếp tục phấn đấu theo chiều hướng tích cực này".
“Cội nguồn” của những kết quả trên chính là các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội đã đoàn kết, đồng thuận, tạo được niềm tin, sự chung tay, ủng hộ trong nhân dân. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đúc kết và nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Những tiền đề căn bản được tạo dựng trong một năm đối mặt với dịch Covid-19, cùng với việc bắt đầu thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 36 của Quốc hội bắt đầu từ năm 2022 càng củng cố thêm cơ sở để tin tưởng đã đến thời điểm chín muồi để Nghệ An “cất cánh”.
“Xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá” - như mong muốn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là yêu cầu, trách nhiệm đối với toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An mà còn là mong muốn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với tinh thần đó, tỉnh đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 để phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ từ năm 2013. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 36 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách rất cụ thể trên các lĩnh vực: Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; rừng, đất đai và quy hoạch.
Qua đây, tỉnh có thêm điều kiện huy động nguồn lực cần thiết đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời với việc được phân cấp trên một số lĩnh vực sẽ rút gọn thời gian, trình tự, thủ tục so với quy định hiện hành, tạo thuận lợi cho tỉnh chủ động giải quyết những yêu cầu cấp bách, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
“Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt, trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đề nghị Nghệ An cần tiếp tục chủ động, tích cực, phối hợp với bộ, ban, ngành Trung ương để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, vì sự phát triển của tỉnh Nghệ An.
Thật vậy, Đề án Chính phủ trình Quốc hội khi dự báo về tác động của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Nghệ An đã nhận định: Theo tính toán bước đầu, trong điều kiện không có các cơ chế, chính sách phát triển như đã nêu trên, thì Nghệ An sẽ không có đủ nguồn lực tăng thêm để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, cùng với tiềm lực tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và nguồn nhân lực dồi dào.
Đồng thời, Nghệ An cũng không có đủ nguồn lực để giải quyết, khắc phục các hạn chế, khó khăn, yếu kém trong nội tại kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, nhất là hạn chế về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, hệ thống đô thị phát triển chưa nhanh.
Việc có được Nghị quyết là rất quan trọng, thể hiện tư duy đột phá, tinh thần quyết liệt của lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ những “rào cản” cho sự phát triển của tỉnh, nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần, mang tính chất mở đường, nền tảng; điều quan trọng hơn vẫn là lan tỏa được tinh thần, cách thức tiếp cận, thực hiện này vào cả hệ thống chính trị tỉnh.
Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào trung tuần tháng 12 vừa qua, điều quan trọng nhất chưa phải là cơ chế, chính sách, mà quan trọng hơn tất cả chính là Nghệ An phải phát huy được sức mạnh nội tại, tinh thần trách nhiệm trong Đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để thực hiện được Nghị quyết thành công.
Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã lưu ý yêu cầu nâng cao chất lượng quyết định, quyết sách những vấn đề liên quan của bộ máy chính quyền gắn với các cơ chế, chính sách được phân cấp, phân quyền cho tỉnh.
Ý nghĩa của Nghị quyết số 36 của Quốc hội không dừng lại ở 6 cơ chế, chính sách đặc thù được phép thí điểm trong vòng 5 năm ngay từ đầu năm 2022, mà còn mở ra một tiền đề khác rất quan trọng khi giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách khác phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Bộ Chính trị khi tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nội dung này được các cấp lãnh đạo, quản lý, cũng như giới chuyên gia rất kỳ vọng, vì Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ 4 cả nước nên cần thêm các cơ chế, chính sách khác để phù hợp với đặc thù địa phương, đặc biệt là cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy, biên chế…
Nghệ An đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó, nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới với các cơ chế, chính sách đặc thù bổ sung, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo tỉnh cũng đã “đặt hàng” Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh tham gia đóng góp vào nội dung này để tỉnh có sự chuẩn bị tốt nhất./.