Một ngày cuối tháng 3, ngược miền biên giới Tương Dương, chúng tôi ghé thăm trang trại của gia đình anh Trần Công Chính và chị Vũ Thị Tốt tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, cách Quốc lộ 7A tầm 5 km. Chúng tôi khá bất ngờ khi giữa thung lũng hoang vu là những mảng đồi đầy cây trái xanh mướt. “Trước đây khu vực này toàn là lau lách và giang nứa, không ai nghĩ rằng có thể trồng được cam, được bưởi. Nhờ sự đi đầu của vợ chồng anh Chính, chị Tốt mà giờ đây nhiều gia đình đang học hỏi và làm theo đấy” - ông Nguyễn Duy Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, người dẫn đường của chúng tôi đã thốt lên như vậy.
Trở lại với thời điểm quyết định vào đây làm trang trại, anh Chính chia sẻ, năm 2017, khi đi thăm gia đình thông gia ở tỉnh Thanh Hóa, nhận thấy mô hình trồng bưởi Diễn ở đó rất phát triển. Sau khi trở về, anh đã bàn với vợ cải tạo lại nương rẫy vốn lâu nay chỉ trồng 1 vụ ngô và thả bò để chuyển sang trồng cây ăn quả.
Từ nguồn vốn của gia đình và vay thêm của ngân hàng, gia đình anh chị đã cải tạo con khe chạy qua nương rẫy thành 4 ao hồ nhỏ vừa nuôi cá, vừa trữ nước để tưới cho cây trồng vào mùa hạn. Do ban đầu nương rẫy có độ dốc lớn, để phù hợp với cây bưởi, cây cam, anh Chính còn bỏ công sức hạ độ dốc, tạo thành những bậc thang để phù hợp với việc trồng cây. Khi đã có mặt bằng, anh đã nhập về khoảng 1.000 gốc bưởi Diễn và 1.000 cây cam Vinh dòng Vân Du V1 để về trồng. Sau hơn 2 năm xây dựng cơ bản, đến năm thứ 3 cây bưởi và cây cam đã bắt đầu cho quả bói, hiện tại bước sang năm thứ 5 đã cho quả ổn định.
Sau khi lứa cây đầu tiên phát triển tốt ở vùng đất mới, anh Chính đã nhập về nhiều giống cây ăn quả khác nhau như ổi lê Đài Loan, táo, chuối… để trồng xen trên diện tích trang trại khoảng 4 ha. Diện tích bưởi Diễn và cam Vinh cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước. Đối với bưởi Diễn, cứ sau mỗi mùa, anh để số lượng quả tăng lên, nếu mùa đầu tiên chỉ để khoảng 16 quả/cây thì bước sang mùa thu hoạch thứ 3 anh đã để lại từ 30-50 quả tùy cây. Với giá bán mỗi quả bưởi Diễn đẹp, ngọt khoảng 20.000 đồng, thì mỗi năm, một cây bưởi sẽ cho thu nhập khoảng 600.000 - 800.000 đồng, trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, cho lãi khoảng 300.000 - 400.000 đồng.
Đối với cây cam, do năm nay nhu cầu sử dụng cam để phòng trừ Covid-19 tăng cao nên cam bán được giá, bình quân 20.000 đồng/kg. Dù cây cam vẫn chưa cho năng suất cao nhất, nhưng mỗi năm cho thu hoạch hơn 5 tấn quả đẹp, với giá bán ổn định như hiện nay, mỗi năm cũng cho lãi cả 100 triệu đồng. Ngoài ra, với các loại cây ăn quả khác như chuối, táo, ổi lê Đài Loan và cả ao nuôi cá, nuôi ốc bươu… mô hình trang trại kết hợp ao nuôi cá của gia đình anh Chính, chị Tốt đã cho lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí và công chăm sóc.
Chia sẻ về kinh nghiệm sau 5 năm xây dựng mô hình trang trại để đưa cây bưởi Diễn và cam Vinh lên vùng biên giới, anh Chính bộc bạch, trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc nhưng lại tốn rất nhiều thời gian, phải thực sự gắn bó với trang trại mới có thể làm được. Do đặc thù là khu vực đồi núi cao, độ dốc lớn, dù gia đình đã cải tạo nhiều lần nhưng khi bón phân và vào mùa mưa đất đai rất dễ bị xói mòn và rửa trôi, làm giảm chất lượng đất. Vì thế, ngoài việc duy trì độ ẩm bằng hệ thống tưới tận gốc, mỗi năm gia đình anh Chính còn phải bón phân hữu cơ 3 - 4 lần để đảm bảo chất dinh dưỡng nuôi cây.
Chưa kể các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi thường xuyên bị ong vàng chích gây ra mủ trên quả, cùng các loại sâu bọ phá hoại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Để đảm bảo chất lượng quả sạch bệnh và hạn chế dùng thuốc hóa học, anh Chính đã đầu tư hệ thống bẫy sâu. Trên mỗi cây cam, cây bưởi anh treo từ 4-5 cốc bẫy, nhờ thế mà các loại ong, sâu, bọ phá hoại cây trồng đã được hạn chế rất nhiều.
Dù mô hình trang trại của gia đình đã bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên, khó khăn nhất đối với những trang trại vùng biên giới vẫn là nguồn vốn. Bởi vì, so với các vùng đồng bằng, đầu tư trang trại ở miền núi cao rất tốn kém, thường cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần. Hơn nữa, hiện nay giá phân bón tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm còn thấp, cộng với chi phí vận chuyển tăng cao khiến người nông dân khó có được lợi nhuận ổn định. Vì thế, nhiều người vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư xây dựng mô hình mà chỉ duy trì hệ thống nương rẫy truyền thống.
Với cách làm “khác biệt” của mình, mô hình trang trại của gia đình anh Trần Công Chính đã trở thành một hướng đi mới cho người dân miền Tây trong phát triển cây ăn quả trên đất dốc, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp.