Dự buổi gặp mặt có đại diện Ban Liên lạc Xây dựng 67 – Cienco5, Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng, Hội Cựu TNXP tỉnh Nghệ An và hơn 60 đại biểu đại diện cho các lực lượng cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân, viên chức, dân công hỏa tuyến quê Nghệ An một thời chiến đấu và làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20 Quyết Thắng.

bna_19415452_642022.jpgQuang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Công Kiên

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã ôn lại kỷ niệm những năm tháng làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Theo đó, vào cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang  vận chuyển cơ giới. Tuyến vượt khẩu duy nhất lúc này là đường 12 từ Khe Ve, Mụ Giạ nối đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm, Văng Mu… rồi nhập vào đường 9 tại Na Bo. Nhưng Seng Phan vào mùa mưa được xem là “túi nước”, việc vận chuyển cơ giới hết sức khó khăn.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình Quân ủy Trung ương phương án mở tuyến vượt khẩu thứ hai để tránh “tử huyệt” Seng Phan. Qua một thời gian khảo sát, ngày 21/1/1966, tại chân dốc Đồng Tiền thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Phó Tư lệnh Nguyễn Tường Lân đã phát lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên, mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”, tất cả các lực lượng được lệnh thi công đường 20  Quyết Thắng từ 2 hướng Đông – Tây.

Các đại biểu ôn lại kỷ niệm những ngày tháng làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: Công Kiên

Tổng số có gần 8.000 người tham gia thi công, đào đắp hơn 1 triệu khối đất, đá, xây dựng hàng trăm mét ngầm vượt sông, suối, làm hàng trăm cầu tạm. Sau gần 3 tháng thi công, ngày 14/4/1966, hai cánh thi công đã gặp nhau ở khu vực biên giới Việt – Lào, con đường chính thức được khai thông.

Đường 20 Quyết Thắng xuất phát từ Km số 0 tại Phong Nha (Quảng Bình), vượt đỉnh Trường Sơn, nối với đường 128 và 129. Từ khi thông tuyến, đường 20 đã phá thế độc tuyến, góp phần to lớn trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi  phát hiện ra tuyến đường này, địch đã đánh phá điên cuồng, dùng các loại bom đạn để dội xuống, kể cả máy bay B52 “rải thảm” với cường độ ngày càng tăng, tạo thành những “tọa độ lửa” vô cùng ác liệt.

Thanh niên xung phong mở đường 20 Quyết Thắng. Ảnh tư liệu

Tuy vậy, đế quốc Mỹ đã không ngăn nổi ý chí, quyết tâm của những cán bộ, chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Hàng ngày, lớp lớp đoàn quân, đoàn xe vẫn vượt qua đạn bom, tiến về phía trước để kịp thời chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng, đưa non sông về một mối. Trong khoảng 10 năm, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Niềm vui gặp lại của những người từng làm nhiệm vụ trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: Công Kiên

Trên tuyến đường 20 Quyết Thắng còn mãi mãi in dấu ấn của những người con quê hương Nghệ An tham gia khảo sát, mở đường, vận chuyển, chiến đấu và giữ đường. Họ là bộ đội công binh, vận tải, giao liên, đặc biệt là tập thể Đội TNXP Nghệ An có mặt ngay từ những ngày mở đường và giữ đường với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Buổi gặp mặt diễn ra vui vẻ, thân tình và ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng đội.