(Baonghean) - Nghi Thạch là xã duy nhất của huyện Nghi Lộc có cây dưa bở vụ xuân và vụ hè thu. Đây là loại cây trồng ngắn ngày, sản xuất đơn giản, nhưng sản phẩm lại được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Về Nghi Thạch vào ngày đầu hè này, nếu đến các xóm Trung Khánh, Xuân Tiến, Xuân Lạc, Xuân Thịnh, Xuân Hoa, chắc hẳn chúng ta sẽ được người dân nơi đây tiếp đãi bằng một loại quả đặc sản. Đó là dưa bở, hay còn gọi là dưa nứt. Có tên gọi như vậy bởi loại dưa này vỏ mỏng, khi chín thì thịt quả chuyển sang dạng bột và nở ra khiến vỏ thường bị nứt. Đưa miếng dưa được chấm đường vào miệng, những hạt bột nhỏ mịn tan biến, để lại vị ngọt và mát thơm, xua tan cái nóng của những ngày đầu hè. Nếu dưa được đánh với đường và dầm đá lạnh thì sẽ thú vị hơn nhiều. Bởi vậy mà loại quả này được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Đặng Bá Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thạch cho biết: Dưa bở là loại cây trồng truyền thống của địa phương.

Trước kia chỉ có người dân xóm Trung Khánh gieo trồng nhưng thời gian gần đây, cây dưa này được mở rộng tại nhiều địa bàn dân cư. Dưa bở được nông dân cho là “trồng chơi” bởi trồng nó đơn giản, không đòi hỏi đầu tư phân bón, công chăm sóc cao như lúa, lạc, dưa hấu. Dưa ưa nắng, thích hợp với đất cát, có độ ẩm cao và dễ thoát nước. Dưa bở thường được gieo sau tiết lập xuân, chỉ cần chú ý phòng trừ sâu bệnh và bón thúc hai lần. Đó là lúc vun gốc và trước khi dưa ra quả. Trong quá trình dưa sinh trưởng, nông dân không cần phải bỏ công chăm sóc. Điều quan trọng là họ phải biết cách để dưa ra quả to và có màu sáng đẹp. Chia sẻ điều này, nông dân trồng dưa cho biết: Cây dưa phải trồng với mật độ thích hợp. Đến giai đoạn ra quả thì phải loại bỏ bớt quả bị phạm lỗi, chỉ để lại mỗi cây 2 - 3 quả. Nếu quả dưa chồng lên nhau thì phải rải đều ra. Ngoài ra, khi bón thúc lần hai thì nên bón nhiều phân ka li. 

images980659_img_0004.jpgDưa bở bán tại chợ Hưng Dũng (TP.Vinh). Ảnh: Lê Hoa
Dưa bở ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nên mấy năm lại đây, cây trồng này được mở rộng nhiều so với trước. Hiện, toàn xã có 10 ha dưa vụ xuân với 100 hộ dân tham gia, tập trung nhiều nhất là các xóm Xuân Hoa, Xuân Thịnh và Trung Khánh. Chưa đầy 3 tháng trồng, dưa đã cho thu hoạch, đúng vào dịp nắng nóng đầu hè nên dễ tiêu thụ và thường được giá. Khách buôn đến mua dưa tại ruộng, đưa đi tiêu thụ tại các chợ thành phố, thị xã và vùng phụ cận. Những gia đình có điều kiện trực tiếp đưa dưa đi bán lẻ thì số tiền thu về lại tăng gấp đôi. Gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh – xóm Xuân Thịnh trồng 1 sào, cho hay: Nếu như quá trình trồng dưa nhàn nhã thì khi đến kỳ thu hoạch lại khá vất vả vì cây trồng này quả chín nhanh, thu hoạch không kịp sẽ bị hỏng. Do vậy gia đình ông đã tập trung nhân lực để thu hoạch gọn sản phẩm và trực tiếp đi bán dưa tại chợ. Mặc dù năm nay giá dưa có hạ hơn trước nhưng gia đình ông cũng thu lãi 14 triệu đồng, gấp mười lần so với trồng lạc.
 
Theo các hộ dân trồng dưa bở, năm nay dưa vào kỳ thu hoạch gặp thời tiết mát mẻ nên giá bán không được cao như mọi năm. Tuy nhiên, một sào dưa bán tại ruộng cũng thu lãi 7 đến 8 triệu đồng, nếu trực tiếp đưa dưa đi tiêu thụ tại các chợ thì được 14 đến 15 triệu đồng. Năm nào gặp mưa thuận gió hoà thì số lãi có thể đạt 20 triệu đồng một sào dưa. Sau thu hoạch dưa vụ xuân, nông dân lại tiếp tục trồng dưa bở và dưa hấu hè thu; Tiếp theo đó nữa là ngô nếp vụ đông, kết thúc một chu kỳ sản xuất trong năm trên cùng diện tích đất. Các hộ trồng dưa cho biết: Tính toán một cách khiêm tốn, một héc-ta trong một năm trồng dưa bở vụ xuân, tiếp đến dưa bở hoặc dưa hấu hè thu rồi ngô nếp đông thì cho lãi xấp xỉ 370 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ và hiện cũng chưa có nhóm cây trồng nào sánh được. Tuy nhiên, theo ông Đặng Bá Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thạch, quả dưa bở sau thu hoạch khó bảo quản, thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ nên diện tích trồng dưa bở chưa thể tiếp tục mở rộng thêm được. Vấn đề hiện nay là các hộ dân nên sản xuất rải vụ cây trồng này, tránh tình trạng ùn tắc khi thu hoạch dẫn đến dưa bị mất giá. Mặt khác, từng gia đình cố gắng bố trí nhân lực chuyển bán buôn tại ruộng sang bán lẻ ở chợ để tăng thêm tiền lãi khi thu hoạch.
 
Việc nông dân Nghi Thạch đưa loại cây trồng này vào sản xuất là lựa chọn tối ưu để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Đây cũng là kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình cánh đồng cho thu nhập cao ở địa phương.
 
Nhật Tuấn(Đài Nghi Lộc)