(Baonghean) - Huyện Anh Sơn là một trong những địa phương sớm quy hoạch phát triển kinh tế theo những cây, con chủ lực và đang phát huy hiệu quả tích cực. Những diện tích mía, chè, cây lương thực, rau quả và cao su được phát triển theo các vùng trọng tâm và từng bước gắn kết với cơ sở, nhà máy chế biến, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đánh giá cao những thành công đó, trong cuộc làm việc tại huyện Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện cần nhân rộng những mô hình thành công trên địa bàn.

Theo lịch thời vụ, chị Võ Thị Hương ở xóm 1-5, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) ra chăm sóc 3 sào bí xanh trên đất bãi. Vụ bí này, gia đình chị đã thu được trên 10 tấn quả. Với đầu ra thuận lợi, doanh nghiệp từ các tỉnh phía Bắc đến thu mua tận ruộng nên việc trồng bí xanh trong giai đoạn hiện nay đang là “cây hàng hóa” thích hợp nhất trên đất bãi. Đang thu hoạch đợt bí xanh cuối mùa, chị Hương thực sự phấn khởi khi Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành đến thăm mô hình của gia đình. Chị chia sẻ: “Những năm qua, tôi cùng nhiều hộ dân khác đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ trồng ngô, lạc sang trồng dưa hấu và nay đang yên tâm với cây bí xanh. 
 
Đất không nhiều nên mình phải nghiên cứu trồng cây chi mà hiệu quả kinh tế cao nhất…”. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết thêm: “Mới đầu, chúng tôi trồng thử nghiệm khoảng 10 ha. Thấy năng suất bí xanh trên đất bãi cao, tiêu thụ ổn định nên năm 2014 xã nâng diện tích lên 50 ha. Những diện tích khác, xã cùng bà con nghiên cứu trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế như: bí đao, bí đỏ, măng tây…”. Xã Cẩm Sơn được đánh giá là một trong những địa phương năng động với sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên trong phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Chính sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của đảng viên và người dân đã tạo nên phong trào lao động, sản xuất sôi động “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”. Những mô hình thành công ở Cẩm Sơn không chỉ được người dân trên địa bàn huyện Anh Sơn hưởng ứng mà còn được nhân dân các huyện lân cận học tập nhân rộng.
 
Sau khi thăm xã Cẩm Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đến tham quan những đồi chè ở xã Hùng Sơn. Tuyến đường quanh các đồi chè thuận lợi cho các phương tiện đi lại. Đi qua những đồi chè xanh ngút ngàn, có cảm giác như chúng được nối dài bất tận. Màu xanh của chè như càng trải rộng hơn dưới nắng vàng đầu hạ. Dẫn đoàn công tác của tỉnh thăm các đồi chè, ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã phấn khởi cung cấp thông tin: “Đến nay, xã Hùng Sơn gần như khép kín toàn bộ diện tích 500 ha chè theo quy hoạch và tập trung chăm sóc tăng năng suất. Trung bình mỗi hécta chè cho năng suất trên 18,5 tấn/năm. Có những diện tích chăm sóc tốt có thể cho năng suất trên 22 tấn/ha/năm. Điển hình như gia đình ông Thái Doãn Cầm ở xóm 6, ông Võ Văn Đồng ở xóm 5 và một số hộ khác chăm sóc tốt năng suất đạt 25-27 tấn/ha.
 
Điều đáng mừng là trên địa bàn xã có nhà máy chế biến nên sản phẩm chè búp của bà con có đầu ra ổn định. Nhờ cây chè mà người dân Hùng Sơn giảm được đói nghèo. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 4,5%...”. Thống kê của UBND huyện Anh Sơn, hiện trên địa bàn có gần 1.900 ha chè. Dự tính đến cuối năm nay sẽ nâng lên từ 2.500 đến 2.700 ha. Đáng ghi nhận là trong những năm qua, sự gắn kết bền chặt giữa nhà máy chế biến với các hộ dân trồng chè đã tạo nên môi trường phát triển bền vững. Qua nắm bắt thông tin và tham quan thực tế mô hình cây chè ở huyện Anh Sơn, đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy được giao phụ trách huyện, cho rằng: “Trong các loại cây, con trên địa bàn huyện, tôi thấy cây chè là bền vững nhất. Thể hiện ở chỗ diện tích trồng được gắn kết với các nhà máy, xí nghiệp chế biến nên bà con yên tâm đầu tư. Thêm đó, cây chè hợp với địa bàn trung du và dễ chăm sóc, ít bị đe dọa bởi thiên tai. Vấn đề hiện nay là cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu…”.
 
image_5955712.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Đường và đoàn công tác tham quan thu hoạch chè ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn).
 
Cùng với cây chè, huyện Anh Sơn đang yên tâm với cây mía khi trên địa bàn có Nhà máy mía đường Sông Lam hoạt động. Người dân các địa phương phía Tây của huyện tập trung chăm sóc nâng cao năng suất cây mía trên 1.500 ha, diện tích này có thể nâng lên 1.800 ha vào cuối năm 2014; năng suất, chất lượng lúa - ngô trên 6.500 ha được nâng lên, góp phần tích cực trong đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời huyện tăng cường phối hợp trồng trên 2.000 ha cao su ở những vùng được quy hoạch. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, bên cạnh phát triển các cây con theo vùng quy hoạch, các ban, ngành của huyện tăng cường hỗ trợ, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác cho người dân; đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất, tạo thuận lợi trong gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đến nay 9/20 xã đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Huyện cũng chú trọng phát triển chăn nuôi bằng việc tăng đàn trâu, bò, lợn, cá và gia cầm theo hướng hàng hóa. 
 
Làm việc với lãnh đạo huyện Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Đường ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm nền tảng vững chắc để chăm lo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, góp phần tích cực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đến nay các xã đã đạt từ 9 đến 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý huyện cần nhân rộng các mô hình kinh tế, huy động tổng hợp nguồn lực, tạo bước đột phá trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Bởi lẽ hiện nay, nhiều công trình giao thông phía hữu ngạn sông Lam đi các xã Bình Sơn, Thành Sơn, Thọ Sơn, Hùng Sơn…của huyện bị hư hỏng nặng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội; huyện cần tăng cường các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh công tác dân vận, huy động sức mạnh tổng hợp để tập trung phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp giải quyết tốt giữa đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với chế biến, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông, công nghiệp trên địa bàn. 
 
Trên bước đường phát triển, huyện Anh Sơn đã sớm xác định rõ các cây, con chủ lực và tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa “3 nhà”, gồm Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp. Sự đồng thuận đó đang tạo nền tảng quan trọng cho kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng. Cơ hội và hy vọng mới được mở ra khi vào đầu tháng 5 này, huyện tổ chức thành công Hội nghị Gặp mặt, xúc tiến đầu tư với các thỏa thuận đầu tư xây dựng  một số nhà máy chế biến chè, tinh bột sắn, dược liệu, lâm sản, chế biến rau, củ, quả và củi than sạch xuất khẩu. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Bí thư Huyện ủy cho rằng: “Cùng với những định hướng của tỉnh, tin rằng với sự cần cù, năng động của nhân dân các địa phương, những tiềm năng, lợi thế của huyện sẽ được phát huy hơn nữa. Lãnh đạo huyện cũng xác định tập trung các giải pháp hướng về cơ sở, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…”.
 
Nguyên Sơn