Thu phí vào khu vực nội đô

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm cơ sở cho thành phố thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030".

Theo UBND thành phố Hà Nội, phương tiện cơ giới chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Cho nên, với lượng phương tiện như hiện nay sẽ là nhân tố lớn tác động đến môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân.

082508-1.jpg
Tình trạng tắc đường xảy ra trên nhiều tuyến phố của Thủ đô. Trong ảnh: Tắc đường trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh Trần Vương

Vì thế, việc áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.

Theo đó, Hà Nội cho rằng, khi thu phí xe vào nội đô, sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham gia giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp.

Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông.

Tuy nhiên, việc lập đề án trên đang có vướng mắc do trong danh mục phí, lệ phí ban hành kém theo Luật phí và lệ phí năm 2015 không có tên loại phí Hà Nội định thu.

Phụ thu thêm phí ô nhiễm

Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP. Hà Nội cũng đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm. Đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.

UBND TP. Hà Nội lý giải, sự gia tăng của phương tiện giao thông “đã ở mức báo động”. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường “sẽ trở nên nghiêm trọng”.

Dự báo đến năm 2020, TP. Hà Nội sẽ có hơn 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Đến năm 2030 thì số ô tô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.

Tắc đường mỗi sáng trên đường Láng. Ảnh Trần Vương

Cho nên, UBND thành phố Hà Nội cho rằng việc quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm “là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông cũ, phát thải cao”, và hết sức cần thiết.

Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông của Hà Nội được HĐND TP thông qua tại kỳ họp tháng 7/2017, trong đó thành phố đưa ra lộ trình cấm xe máy hoạt động trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Ngoài ra, đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp khác nhằm quản lý phương tiện, giảm ô nhiễm, ùn tắc như: cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh...

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện quy định để thực hiện quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy. Phương tiện thân thiện với môi trường này “đang bộc lộ hạn chế nhất định” khi lưu thông và “trở thành ẩn họa gây tai nạn” trong nội đô.

Hà Nội đang có 7.000 xe đạp điện, và “cần thiết quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới”. Tuy nhiên, xe đạp điện chưa được quy định là phương tiện cơ giới nên chưa đủ cơ sở để Hà Nội thực hiện điều trên. Vì thế, TP. Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung “xe đạp điện là đối tượng thuộc nhóm phương tiện cơ giới” trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi.