Bà Lê Thị Nga trình bày báo cáo tại hội nghị.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự thảo luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu QH (ĐQBH), UBTVQH đề nghị giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như dự thảo đã trình tại kỳ họp thứ 5, đồng thời bổ sung thêm đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội và công an.
Theo đó, điều 35 dự thảo luật quy định 4 đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan quân đội nhân dân, sĩ quan công an nhân dân; người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước, người giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước; người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND.
Góp ý về việc kê khai, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng mặc dù dự thảo mở rộng đối tượng phải kê khai, nhưng về nghĩa vụ kê khai, việc dự thảo chỉ yêu cầu kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên là quá hẹp. Ông Vượt đề nghị phải mở rộng việc kê khai đối với con đã thành niên, cha mẹ, anh chị em ruột của cán bộ. Theo ông, thực tiễn cho thấy tại nhiều địa phương, nhân dân đều biết bố mẹ, ông bà của cán bộ bỗng dưng sở hữu nhiều dự án, nhiều tài sản hàng chục tỉ, biệt phủ, xe sang; nhiều cậu ấm, cô chiêu dù còn rất trẻ nhưng vẫn có những dự án “khủng” bất chấp dư luận.
Cùng quan điểm, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng quy định về nghĩa vụ kê khai là một lỗ hổng trong pháp luật PCTN hiện nay.
Tuy nhiên, một số ĐB lại không đồng tình với đề xuất mở rộng nghĩa vụ kê khai tài sản đến bố mẹ, con đã thành niên, vì không khả thi và không phù hợp với quy định của pháp luật. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu vấn đề: Nếu kê khai lần đầu thì những năm tiếp theo có kê khai không? Bố mẹ ở quê, con cái đi công tác thì làm sao biết tài sản tăng thêm hay giảm đi? Đặc biệt, nếu phát hiện kê khai không trung thực thì tòa có thu hồi được tài sản của những người này không vì đó là tài sản của công dân.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cũng cho rằng đề xuất mở rộng nghĩa vụ kê khai đối với cha mẹ, anh chị em và con đã thành niên với mục tiêu ngăn chặn chuyển dịch tài sản cho các đối tượng này là tốt, nhưng thực thi thì rất khó khăn. Ông Khái tính toán, với số lượng người phải kê khai hiện nay là hơn 1,1 triệu người, nếu mở rộng sang các đối tượng này nữa thì số lượng sẽ tăng gấp 7 lần.
Đề xuất tòa án quyết định tài sản bất minh
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐBQH quan tâm là phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Theo báo cáo do bà Nga trình bày, sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đưa ra 2 phương án để QH cho ý kiến. Cụ thể, ngoài phương án thu thuế thu nhập cá nhân, UBTVQH đề xuất thêm phương án xem xét, giải quyết tại tòa án. Nhiều ĐB bày tỏ sự đồng tình với phương án xem xét tại tòa, nhưng có một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi.
Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu vấn đề: trong trường hợp tài sản không rõ nguồn gốc được tòa kết luận là giải trình không hợp lý và tịch thu thì hành vi của cán bộ để có tài sản đó có phải là tham nhũng? “Nên chăng, sau khi thu hồi tài sản rồi thì tòa án có thể chuyển các cơ quan để thanh, kiểm tra quá trình hình thành đó. Nếu có dấu hiệu tham nhũng thì chuyển cơ quan điều tra”, ông Tám đề xuất.