Đợt ngập úng kéo dài, nhiều diện tích bưởi da xanh của người dân tại xã Bồng Khê (Con Cuông) bị ngâm nước bị nhũn vỏ, thối dần, một số cây đã bị chết; có nguy cơ mất trắng.
Gia đình anh Trần Văn Bảy ở thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê có 150 gốc bưởi da xanh, nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, vườn bưởi đã bị ngập úng trong nước 3 lần.
Anh Bảy buồn rầu cho biết: "Vườn bưởi là tất cả vốn liếng, mồ hôi công sức của gia đình đổ vào đây, đang chờ ngày hái quả nay có nguy cơ mất trắng do mưa lũ kéo dài. Cây ngập sâu dưới 2 mét nước trong 2 ngày, 1 đêm đã khiến nhiều cây có nguy cơ thối rễ...".
Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Trần Lĩnh Đông ở thôn Tân Dân, xã Bồng Khê vay mượn ngân hàng để mua giống đầu tư trồng 120 gốc bưởi da xanh đã 4 năm, một số cây hiện cho quả bói. Sau đợt lũ vừa qua, toàn bộ diện tích cây ăn quả của gia đình chìm trong nước lũ. Hiện nhiều cây ngập lâu trong nước đã bị chết.
Đang phấn khởi sau bao nhiêu mồ hôi, công sức, vốn liếng đầu tư vào vườn bưởi bước đầu hứa hẹn vụ mùa bội thu, nay ảnh hưởng từ những đợt lũ ập xuống khiến gia đình anh Đông có nguy cơ rơi vào nợ nần.
Xã Bồng Khê có tổng diện tích 8ha bưởi da xanh, đợt lũ vừa qua đã làm ảnh hưởng 50% diện tích. Ngoài ra, lũ lụt còn làm ngập úng nhiều diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã như cam, na, ổi, mít... Trong đó, 40% diện tích trong tổng số gần 215 ha cam trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND xã Bồng Khê, các loại cây cam, bưởi là những cây trồng “khó tính”, sẽ rất khó khôi phục lại sau khi bị ngập kéo dài; nhiều diện tích bưởi có nguy cơ mất trắng. Với cây cam, thường sau 1 tháng cây mới có biểu hiện thối rễ, rụng lá. Sau khi nước rút, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện xới gốc xử lý vôi, thuốc để khôi phục phần nào thiệt hại.