(Baonghean) - Hiện trên địa bàn tỉnh có 32 cụm công nghiệp (CCN) đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng và tổ chức thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các CCN  đáp ứng mặt bằng cho các dự án đầu tư, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động ở các địa phương.

Sôi động tại các cụm công nghiệp

Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương sớm hình thành các CCN. Năm 2003, CCN Diễn Hồng được xây dựng với diện tích quy hoạch 10 ha, có 13 doanh nghiệp và 28 hộ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, lấp đầy diện tích quy hoạch. Trước nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn huyện, năm 2007, CCN Tháp - Hồng - Kỷ tiếp tục được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết, mở rộng lên 26 ha vào năm 2011. Đây là cụm công nghiệp được các sở, ban, ngành cấp tỉnh đánh giá cao về  đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhà máy xử lý nước thải hiện đại và công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao.

images1199887_ha__t__ng_ccn_tha_p___h__ng___ky___di__n_ch_u_.jpgHạ tầng cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu).

Đến nay, đã có 31 doanh nghiệp, hộ cá nhân đăng ký đầu tư, trong đó 15 dự án đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, 6 dự án đang triển khai xây dựng, 10 dự án chưa tiến hành đầu tư xây dựng. Có 9/31 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho trên 2.300 lao động. Trong đó, riêng Công ty TNHH Nam Sung VINA (Hàn Quốc) đã tiến hành đầu tư xây dựng được 90% khối lượng công việc, tiếp nhận gần 2.000 lao động vào làm việc với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Một số sản phẩm mới như: Phân bón, thép gai, ống thép mã kẽm, may công nghiệp... có tốc độ tăng trưởng khá cao, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện.

Tại Đô Lương, ngoài cụm công nghiệp thị trấn rộng 7,78 ha; cụm công nghiệp Lạc Sơn với tổng diện tích 20 ha, huyện đang quy hoạch cụm công nghiệp Thượng Sơn diện tích 10 ha để di dời một số hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong khu dân cư. Tại cụm công nghiệp Thị trấn, 13 doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, đã tạo việc làm cho trên 500 lao động. Tại cụm công nghiệp này, các ngành nghề truyền thống được đầu tư mở rộng như mộc, nề, cơ khí, điện tử… Được biết, các doanh nghiệp hoạt động tại các cụm công nghiệp được hỗ trợ theo chính sách của huyện. Riêng cụm công nghiệp thị trấn, huyện Đô Lương đã đầu tư 2 tỷ đồng cho GPMB, 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, mương thoát nước. Doanh nghiệp vào cụm công nghiệp Lạc Sơn còn được hỗ trợ đường điện đến tận nhà máy. Ngoài ra, là chính sách miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập… Từ một cơ sở nhỏ lẻ, năm 2005 Công ty TNHH Nguyên Nghĩa đầu tư kinh doanh tại cụm công nghiệp, đến nay, đã xây dựng được thương hiệu mạnh chuyên đồ mộc được thị trường trong Nam, ngoài Bắc ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Tuế, Phó Giám đốc công ty cho biết: Ngoài sản xuất các đồ gỗ cao cấp gồm bàn, ghế, tủ, giường, phản… chúng tôi có đội ngũ công nhân lành nghề chuyên đi lắp đặt các công trình liên quan đến gỗ. Tổng doanh thu hàng năm của công ty đạt từ 50 - 60 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 150 lao động, với mức lương từ 3 - 12 triệu đồng/người/tháng. Còn trên địa bàn Thành phố Vinh, có nhiều CCN hoạt động hiệu quả, điển hình như CCN Nghi Phú (TP.Vinh) có 18/18 doanh nghiệp hoạt động ổn định; đầu năm 2015, có thêm 1 DN Hàn Quốc và 1 DN Nhật Bản đầu tư, đi vào sản xuất, tạo được nhiều việc làm cho con em địa phương và các khu vực lân cận.

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt tại Quyết định số 91/QĐ-UBND.CN, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 47 CCN, tổng diện tích theo quy hoạch 920,4 ha. Quá trình thực hiện quy hoạch đã điều chỉnh bổ sung thêm các cụm công nghiệp Chiêu Lưu (Kỳ Sơn); Nam Thái (Nam Đàn); Diễn Tháp (Diễn Châu); Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ); Na Khứu (Quế Phong); Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), Nghi Kim, Nghi Liên (Thành phố Vinh) và các cụm chế biến hải sản tập trung: Quỳnh Dỵ (Quỳnh Lưu), Diễn Ngọc (Diễn Châu) vào quy hoạch phát triển, đồng thời UBND tỉnh đã có quyết định loại ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Sơn (Đô Lương).

Đến nay, trên địa bàn có 32 CCN đã thực hiện các bước đầu tư xây dựng, trong đó có 9 CCN đã lấp đầy diện tích; 5 CCN đang thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và có doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; 8 CCN đang thực hiện đầu tư; 10 CCN đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các cụm công nghiệp đã thu hút 179 dự án đầu tư. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu gồm chế biến khoáng sản, lâm sản, may dệt kim, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì. Loại hình doanh nghiệp và mức đầu tư chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa. Tổng mức đầu tư các doanh nghiệp cụm công nghiệp đạt 1.913 tỷ đồng, bình quân 15 - 20 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số lao động làm việc trong các cụm công nhiệp khoảng 4.900 người, bình quân 30 lao động/doanh nghiệp. Năm 2014, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp cụm công nghiệp đạt xấp xỉ 1.480.000 tỷ đồng, chiếm 5 % giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thu ngân sách từ các doanh nghiệp cụm công nghiệp đạt khoảng 75 tỷ đồng.

Những tồn tại cần giải quyết

Các CCN đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về địa điểm xây dựng nhà máy cho các doanh nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm quỹ đất, giảm chi phí đầu tư hạ tầng, đảm bảo môi trường sinh thái, gắn với việc hình thành đô thị mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống.

Tuy nhiên, thực tế quy mô CCN hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An không lớn (bình quân 10 -15 ha). Trong số  23 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng, chỉ có CCN Đông Vĩnh (TP. Vinh) thu hút Công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng; 22 CCN còn lại, chủ đầu tư là UBND huyện thành, thị. Ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho rằng, nhu cầu đầu tư vào các CCN cao nhưng vì không có các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng nên hiện nay nhìn chung các CCN manh mún. Việc thành lập Trung tâm phát triển CCN chưa thực hiện được do các CCN phát triển còn phân tán, vốn đầu tư xây dựng còn ít nên khối lượng công việc xây dựng hạ tầng hạn chế.  

Sản xuất tại Công ty CP Austdoor - CCN Nghi Phú (TP. Vinh).

Tại CCN Tháp - Hồng - Kỷ, nhìn chung các doanh nghiệp, hộ cá nhân sau khi được giao đất đã thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giao đất từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng, còn bỏ trống gây lãng phí về đất đai. Hệ thống đường điện chiếu sáng chưa được đầu tư xây dựng, gây mất an toàn cho toàn CCN. Đường ống nước sạch chưa được triển khai cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Ông Hoàng Văn Ba, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu cho biết: Huyện đã đầu tư hệ thống hạ tầng khá đồng bộ nhưng hiện nay đường giao thông, hành lang vỉa hè xuống cấp trầm trọng do xe quá tải ra vào. Một số hộ dân các xã lân cận tự ý đổ rác bừa bãi, đốt dây điện để lấy đồng gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số dự án đã đầu tư xây dựng đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng trái với ngành nghề đã được chấp thuận cũng  gây ảnh hưởng đến công tác quản lý. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động tại các cụm công nghiệp chưa chấp hành tốt về bảo hộ lao động, hiệu quả sử dụng đất chưa cao…

Những bất cập đó đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan trong quản lý các CCN. Cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các CCN, cần xây dựng chính sách thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội cao vào đầu tư trong các CCN... Tổ chức, quản lý cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả cũng là phương án thúc đẩy công nghiệp của địa phương phát triển.


Thu Huyền