(Baonghean) - Nằm ở vị trí giao điểm của các tuyến đường quan trọng, thông thương, kết nối miền xuôi với khu vực miền Tây, Thị trấn Đô Lương từ lâu đã trở thành đầu mối trung chuyển hàng hóa. Việc hình thành các khu đô thị vệ tinh theo hướng mở rộng không gian đô thị để đủ tiêu chí thành lập Thị xã, trở thành đô thị đông lực vùng Tây Nam là tầm nhìn mang tính chiến lược phát triển.
Lên Thị trấn Đô Lương bây giờ, ấn tượng dễ nhận thấy nhất đó là sự đổi thay diện mạo khi hệ thống các hạng mục hạ tầng đều được đầu tư, nâng cấp, tạo không gian đô thị theo hướng văn minh. Trong đó, rõ nét nhất là Khu đô thị mới Vườn Xanh. Với ý tưởng biến vùng đất thấp trũng sản xuất lúa kém hiệu quả trở thành một không gian đô thị hiện đại, lý tưởng tạo điểm nhấn cho toàn vùng Thị trấn được Công ty CP Công nghiệp & Thương mại Vườn Xanh xây dựng từ năm 2007.
Với tổng giá trị đầu tư gần 100 tỷ đồng, Khu đô thị Vườn Xanh đã được chủ đầu tư triển khai trên diện tích 15 ha, bao gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị: điện, nước, mương thoát, vỉa hè, trồng cây xanh, xây dựng hồ điều hòa... Ngoài ra, khu đô thị còn có các công trình phúc lợi xã hội đã được xây dựng theo quy hoạch đưa vào vận hành, sử dụng như trạm y tế, nhà trẻ, khu thể thao, công viên, hồ điều hòa... Đầu tư đồng bộ, khép kín diện tích quy hoạch, Khu đô thị Vườn Xanh có 6 khu phố gồm 388 lô đất nhanh chóng đã được người dân mua và tiến hành xây dựng để ở hưởng thụ cuộc sống tiện ích mà khu đô thị mang lại.
Còn tại Khu đô thị Cầu Dâu do Công ty CP xây dựng & dịch vụ tổng hợp Lam Sơn làm chủ đầu tư, đến thời điểm này hạ tầng kết cấu theo quy hoạch cơ bản đã được hoàn thiện như điện, nước, đường nội bộ với khối lượng đạt được trên 90%. Công tác tái định cư đang được tiến hành khẩn trương, đã có 95 hộ xây dựng nhà và các công trình hỗ trợ... Có mặt tại vùng tái định cư của dự án, nhiều hộ dân đang hoàn thiện nhà cửa để vào ở.
Nhà chị Lã Thị Trang được tái định cư lối 1 giáp với vùng quy hoạch xây dựng Trung tâm thương mại của dự án. Chị Trang phấn khởi: “Nhờ có dự án mà gia đình tôi thoát được cảnh ngập úng khi nước sông lên vào mùa mưa. Tái định cư vào đây không những gia đình có cuộc sống an toàn, lại được hỗ trợ xây dựng nhà cửa, tôi lấy làm vui lắm, gia đình đang cố gắng hoàn tất để trong tháng này vào ở nhà mới”. Việc mở rộng thị trấn ra hướng sông Lam thông qua thực hiện quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Cầu Dâu thể hiện tầm nhìn về không gian đô thị, đồng thời thực hiện di dời tái định cư cho hơn 100 hộ dân ngoài đê hàng năm bị đe dọa bởi lũ lụt.
Thực tế, tuyến đê đi qua khu vực Cầu Dâu có chiều dài 1,4 km, đã lấn sâu vào trong khu vực nội thị, án ngữ tầm nhìn của thị trấn ra phía sông, đồng thời vùng đất ngoài đê, nơi cư trú của các hộ dân thuộc khối 1, khối 2 từ lâu thiếu sự quản lý, sử dụng kém hiệu quả nên đã trở thành bãi rác, tụ điểm ẩn chứa tệ nạn xã hội... do vậy, việc triển khai quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Cầu Dâu hình thành một vùng đô thị trên diện tích 16 ha trở thành dự án “lưỡng tiện”. Ông Nguyễn Văn Mão, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và dịch vụ tổng hợp Lam Sơn, đơn vị chủ đầu tư cam kết: Tuyến đê mới chúng tôi đã đắp xong đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Bây giờ chỉ chờ công tác tái định cư hoàn thành là chúng tôi sẽ tháo dỡ đê cũ để kết nối hạ tầng giao thông, điện nước và khu đô thị đi vào vận hành sử dụng.
Thị trấn Đô Lương được thành lập từ thời Pháp thuộc, là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của huyện Đô Lương. Với vị trí địa lý trung tâm giao điểm của các tuyến giao thông quan trọng, vị trí trung chuyển hàng hóa thương mại từ dưới xuôi lên cung cấp cho địa bàn miền núi và chợ Lường, cùng các dịch vụ thương mại của thị trấn từ lâu đã trở nên sôi động. Tuy nhiên, trong sự phát triển chung của địa phương, đặc biệt là vươn tới Trung tâm vùng Tây Nam thì Thị trấn Đô Lương hiện tại không đáp ứng được, bởi chỉ với diện tích 231 ha, phần lớn đã được sử dụng để xây dựng các công trình hạ tầng đô thị, nhà dân, không còn quỹ đất để xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trấn đã kéo theo quá trình đô thị hóa rất nhanh ở các vùng phụ cận. Điều này nhận thấy rất rõ các xã phụ cận như Đông Sơn, Đà Sơn, Lưu Sơn và Tràng Sơn chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, TTCN và dịch vụ. Và điều này đã gây ra những bất cập trong công tác quản lý về công tác quy hoạch, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, an ninh trật tự... Do vậy, việc xây dựng Thị trấn Đô Lương mở rộng địa giới hành chính lên quy mô thị xã là tất yếu khách quan, phù hợp quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị cả nước, thực hiện mục tiêu Thị trấn Đô Lương phải trở thành đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của huyện Đô Lương mà cả khu vực Tây Nam tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đến nay, quy hoạch mở rộng thị trấn đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chính phủ thẩm định và trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết. Theo quy hoạch tổng diện tích được điều chỉnh là 448,63 ha, trong đó đất thuộc thị trấn 231 ha, xã Đông Sơn 111,17 ha, Đà Sơn 31,40 ha, Lưu Sơn 24,55 ha, Tràng Sơn 70,35 ha và dân số khoảng 26.000 người.” Cùng với việc thực hiện theo đúng quy hoạch, Đô Lương cũng chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang các hạng mục vùng nội đô như đường giao thông với nhiều tuyến đường được quy hoạch mở rộng, thảm nhựa, lát vỉa hè, đèn chiếu sáng đô thị, đèn tín hiệu giao thông...
Có thể nói, việc đưa vào sử dụng Khu đô thị mới Vườn Xanh trong thời gian qua và tới đây tiếp tục là Khu đô thị mới Cầu Dâu hoạt động đã tạo điểm nhấn ấn tượng phía Nam, và mở hướng tầm nhìn ra phía Tây Nam dọc tuyến sông Lam. Được biết, Khu đô thị Cầu Tiên, khu đô thị dọc tuyến sông Đào đã được xác định quy hoạch và có chủ đầu tư sẽ tạo ra trục tam giác không gian đô thị lấy trung tâm thị trấn làm tâm, tạo điểm nhấn kết nối với 3 khu đô thị sẽ tạo động lực để Thị trấn Đô Lương hội tụ điều kiện để thành lập thị xã trong tương lai.
Hồng Sơn