(Baonghean) - Từ ngã 3 Khe Bố, chúng tôi theo quốc lộ 48C để đến với khu vực tái định cư của người dân ở các bản thuộc xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Nhìn từ xa, nhà máy thủy điện Khe Bố như một điểm nhấn trong bức tranh hùng vĩ của núi rừng miền Tây. Cuộc sống của người dân hai bản Tái định cư nơi đây đang từng ngày đổi thay, ấm no hơn, văn minh hơn…
Năm 2006, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Khe Bố, các cơ quan chức năng đã lên phương án di dời dân ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện. Theo kế hoạch ban đầu, 2 bản Đình Hương và Đình Thắng gồm 276 hộ dân sẽ phải di dời khỏi khu vực lòng hồ, chuyển xuống vùng tái định cư thuộc vùng Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn sinh sống. Sau hàng chục lần khảo sát quỹ đất, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Cao Vều và ghi nhận nguyện vọng chung của bà con, chính quyền huyện Tương Dương đã quyết định không di dời các hộ dân của hai bản Đình Hương và Đình Thắng xuống Cao Vều, mà tổ chức tái định cư tại chỗ theo hình thức di vén. Phương án này nhận được sự đồng tình cao của người dân. Sau khi nhận được sự đồng thuận của người dân về kế hoạch di vén tại chỗ, việc thi công hạ tầng tái định cư ở hai bản Đình Hương, Đình Thắng nhanh chóng được triển khai: thi công đường đất dài 8 km vào địa phận 2 bản, xây dựng trường mầm non, trường tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng. Đến tháng 3/2013, việc di vén dân tái định cư cho người dân 2 bản Đình Hương và Đình Thắng cơ bản hoàn thành.
Giờ đây, cuộc sống của người dân 2 bản Đình Thắng và Đình Hương thực sự thay đổi. 100% hộ dân di vén đều xây dựng nhà cửa khang trang; Con đường từ Quốc lộ 48C vào bản được san bằng, mở rộng. Hàng chục hộ trong bản mua xe máy, chở hàng hóa từ bản ra bán ở chợ Khe Bố. Các loại hình dịch vụ như quán hàng tạp hóa, điểm thu mua lâm sản, nứa, mét cũng lần lượt có mặt tại bản,... Đặc biệt, con em ở 2 bản đều được đi học trong những ngôi trường khang trang thay thế cho những lớp học tạm bợ trước đây. Nhiều hộ đã đầu tư vốn, trồng xoan đâu, mua sắm máy xay xát. Một số hộ khác trồng ngô lai trên đất rẫy, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Kha Văn Bông, bản Đình Hương cho biết: Được sự hỗ trợ giá của Nhà nước, vụ này, anh trồng 1 yến ngô giống, ước tính cho thu nhập hàng chục triệu đồng”. Gia đình ông Lương Văn Lợi, mạnh dạn mua máy xay xát về phục vụ bà con trong bản. Ông Lợi cho biết: “Cuộc sống của bà con 2 bản Đình Hương, Đình Thắng đang dần thay đổi... Có tiền đền bù, bà con dùng để mua bò, mua lợn về nuôi; có đường bộ để đi nên giao thương phát triển, ngô, lúa, lợn, gà,… đều đưa ra chợ Khe Bố bán, được giá lắm. Sắp tới, có điện lưới, có nước sạch sinh hoạt, cuộc sống chắc chắn sẽ tốt hơn…”.
Từ ngày thủy điện tích nước, các loại thủy sản như cá, tôm cũng phong phú, đa dạng hơn. Ông Lữ Đoàn, Bí thư chi bộ bản Đình Thắng, người được mệnh danh là “rái cá Khe Bố” cho biết: “Không riêng gì ông mà nhiều hộ dân khác đã có thu nhập ổn định từ việc đánh cá, tôm trên lòng hồ bán cho các thương lái. Hầu hết các gia đình đều sắm lưới, xuồng tôn hay thuyền độc mộc để đánh bắt thủy sản trên sông. Những ngày cao điểm, mỗi hộ dân đặt lờ cũng có được 3 - 5 kg tôm, bán cho thương lái với giá hơn 100 ngàn đồng/kg. Một số hộ đã mua lưới tầng, đánh được những con cá mè, rô phi nặng 2 - 3 kg. Mới đây, hộ ông Lô Văn Thắng đánh được con cá lệch nặng 12 kg, bán được hơn 7 triệu đồng…”. Theo ông Lô Thanh Hùng - Trưởng bản Đình Hương, hiện nay, số hộ nghèo ở bản Đình Hương chỉ còn hơn 60 hộ. Ở bản Đình Thắng, số hộ nghèo cũng giảm dần theo từng năm. Đợt bình xét năm 2014, bản còn lại 106 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.
Ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định, cái được trong công tác tái định cư của Thủy điện Khe Bố là hầu như bà con chỉ mất đất ở, không mất nhiều đất sản xuất ở các nương rẫy, các cánh rừng trồng, nên cuộc sống không bị ảnh hưởng quá nhiều. Hiện nay, dự án kéo điện lưới về cho người dân 2 bản đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Huyện cũng đang yêu cầu chủ đầu tư dự án phải nhanh chóng đổ nhựa con đường vào bản và lên phương án đổ bê tông đường nội bản theo tiêu chuẩn nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống của bà con... Quan trọng, di dân theo hình thức này bà con không bị xáo trộn nhiều về mặt văn hóa, không phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình… nên không mất thời gian ổn định tư tưởng, ổn định cuộc sống...
Bài, ảnh: Nguyên Khoa