Những điểm sáng từ thực tiễn
Kỳ Sơn là 1 trong 3 huyện nghèo nhất của tỉnh và là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước với tỷ lệ hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi xây dựng các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW đã được thực hiện nghiêm túc, tạo được những bước tiến rõ rệt giúp địa phương nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân.
Theo chia sẻ của đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, để hiện thực hóa chủ trương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 32 - KH/HU ngày 19/5/2003 về việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết của hội nghị lần thứ 7 và Chương trình số 09-CTr/HU ngày 5/6/2003 về chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX). Trên cơ sở đó huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc nhằm từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Kỳ Sơn đạt được nhiều kết quả quan trọng, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 6,93 triệu đồng/người/năm (năm 2010), đến năm 2018 đạt 21 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từng bước được giảm, từ 80,2% năm 2010 xuống 50,9% năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 20.881 triệu đồng.
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương tăng bình quân từ 6 - 7% mỗi năm. Tính đến nay, huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: mô hình nuôi bò vỗ béo, gà đen, lợn đen của đồng bào dân tộc Mông; dệt thổ cẩm trong đồng bào dân tộc Thái; nghề đan lát trong đồng bào dân tộc Khơ mú… Nhiều hộ dân thuộc đồng bào thiểu số đã năng động sáng tạo tiếp cận sớm với thị trường để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bình quân mỗi năm thu nhập từ 80 - 200 triệu đồng/năm.
Tương tự Kỳ Sơn, Tương Dương cũng là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh với hơn 91% đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn huyện. Trước thực tiễn đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận dụng, triển khai hiệu quả nhiều chính sách, công tác dân tộc để từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, trên cơ sở nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của các Nghị quyết, Chỉ thị, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức quán triệt và ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/HU nhằm tập trung chỉ đạo để phát huy hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 - NQ/TW và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45 - CT/TW, đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010 - 2018 của huyện đạt 12,2%. Nếu như vào năm 2003, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,62 triệu đồng/năm thì nay con số này đã được nâng lên là 27 triệu đồng/người/năm.
Huyện đã xây dựng hơn 400 mô hình kinh tế có giá trị cao, cùng với đó hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm như: vùng chuyên canh tập trung trồng chanh leo hơn 180 ha tại xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Tam Hợp với thu nhập ước tính 25 tỷ đồng mỗi năm. Vùng trồng nghệ đỏ hơn 15 ha tạo công ăn việc làm cho 500 lao động địa phương với sản lượng từ 500 đến 600 tấn mỗi năm cung cấp cho thị trường trong ngoài tỉnh và vùng trồng sắn nguyên liệu ở Tam Đình, Yên Thắng, Nga My, Xiêng My.
Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, trong sạch, vững mạnh; vị trí, vai trò của các đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc được nâng cao. An ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc và miền núi được giữ vững; kịp thời ngăn chặn những thế lực phá hoại khối đoàn kết dân tộc, buôn bán ma túy, vượt biên trái phép làm mất ổn định xã hội. Những kết quả trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc trên địa bàn huyện Tương Dương.
Đánh giá về công tác dân tộc của tỉnh Nghệ An, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách chủ động, sáng tạo, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhiều tiêu chí quan trọng về thu nhập, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền được đảm bảo; trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo; hạ tầng cơ sở được đầu tư bài bản. So với một số địa phương mà đoàn đã kiểm tra thì miền Tây Nghệ An là một trong những vùng có nhiều mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo xây dựng có hiệu quả.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ngày 23/9/1994 về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Cho đến nay các chủ trương này vẫn mang tính rường cột, là cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách về vùng đồng bào dân tộc ở Nghệ An.
Tháo gỡ khó khăn, thích ứng với tình hình mới
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW, đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ ra những khó khăn, bất cập mà thực tiễn đang đặt ra. Trong đó, điểm xuất phát về kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc còn thấp, kết cấu hạ tầng còn kém khiến công tác thu hút đầu tư chưa hiệu quả. Đặc biệt là tại hơn 200 thôn, bản ở các xã thuộc huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có điện lưới quốc gia; nhiều thôn bản thậm chí chưa có sóng điện thoại di động.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề án thực hiện chính sách của tỉnh đã được phê duyệt nhưng chưa có vốn thực hiện hoặc có vốn thực hiện nhưng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chưa thực hiện được mục tiêu, lộ trình đề án được duyệt. Cùng với diễn biến phức tạp của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất; rét đậm, rét hại kéo dài; dịch bệnh ở người, gia súc, gia cầm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cần tiếp tục quán triệt sâu rộng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, quan tâm hơn nữa tới công tác phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình thoát nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, hình thành thế hệ nông dân mới thích ứng với cơ chế thị trường trong vùng dân tộc thiểu số; Từng bước xây dựng các chương trình, chính sách thiết thực để khuyến khích đồng bào tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, để từng bước thay thế các chính sách hỗ trợ trực tiếp và cho không...
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 11 huyện miền núi giảm từ 28,65% (năm 2003), xuống còn 15% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4 triệu đồng (năm 2003) lên 29 triệu đồng (năm 2018).