Hành trình “đánh thức” vùng đất khó
Chặng hành trình từ thành phố Vinh tới bản Hủa Na (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) bắt đầu từ 3h30 sáng. Trong chiếc xe bán tải lắc lư qua những khúc cua tay áo, anh Mai Hồng Phong - Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An, cũng là Đội trưởng Đội tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn căng mắt dẫn đoàn tình nguyện vượt chặng đường dài hơn 200 km.
Không khí trở nên rôm rả hơn khi trong xe có thêm sự xuất hiện của 2 chủ doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Vinh và thị xã Thái Hòa, là 2 nhân tố mà đội đã dành nhiều thời gian để kêu gọi giải quyết đầu ra cho bà con nuôi cá tại lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Lần này, họ đi cùng đoàn để tận mắt khảo sát chất lượng các loài thủy sản được nuôi tại lòng hồ để đưa ra quyết định ký kết hợp đồng với bà con.
Gần 2 năm đồng hành cùng bà con để phát triển diện tích nuôi cá lồng hồ, tình nguyện viên Nguyễn Công Thọ - Phó Trạm Kiểm định thủy sản xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) vẫn nhớ như in những ngày đầu đầy gian nan khi giúp bà con vùng lòng hồ thay đổi tư duy, tiếp cận với những phương pháp mới trong nuôi trồng thủy sản.
Bởi đa phần bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế về khoa học kỹ thuật cũng như kết nối với tư thương tìm đầu ra cho sản phẩm. Có những vụ nuôi vì dịch bệnh, vì nguồn thức ăn không đảm bảo khiến đàn cá năng suất rất thấp. Vậy nên, nhiều năm trôi qua, 42 hộ dân người Thái và người Mông nuôi cá ở lòng hồ vẫn loay hoay tìm hướng thoát nghèo.
Hiểu được khó khăn đó, kể từ khi thành lập vào năm 2018, Đội chuyển giao khoa học kỹ thuật đã không quản đường sá xa xôi để lên với bà con. Sau nhiều buổi tập huấn, khảo sát thực tế tại các lồng nuôi cũng như xây dựng phương án cải thiện chất lượng nguồn giống, những lứa cá đạt chuẩn đầu tiên đã được xuất bán. Vui hơn khi hôm nay bà con lại nhận được tin báo rằng sắp có doanh nghiệp lên ký kết hợp đồng.
Cùng bà con gây dựng cuộc sống ấm no
Sau 3 tiếng vượt dốc để đến đất Pù Duộc (Đồng Văn, Quế Phong) lòng hồ Hủa Na mênh mông, xanh thắm đã hiện ra trước mắt. Các anh Lang Văn Xô, Lang Văn Sáng, Vi Văn Tuyển đã chuẩn bị sẵn sàng 2 chiếc thuyền đón đoàn.
Anh Mai Hồng Phong lúc này mới đưa ra 1 chiếc hộp vuông vắn, chính là hàng chục bóng đèn nháy do các thành viên trong đội quyên góp mua tặng cho bà con thắp sáng vùng nuôi, tránh các thuyền lưu thông va đập vào lồng cá. Ngoài đèn, còn có bản hợp đồng do các anh soạn sẵn để mọi người ký kết với doanh nghiệp,
Thuyền rẽ nước đi hơn 300m thì tới hệ thống lồng nuôi cá của anh Lang Văn Sáng. Gắn bó với nghề nuôi cá lồng từ nhỏ, khi đó, 3 bố con anh Sáng có gần 20 lồng cá trên thượng nguồn sông Lam. Cho đến khi Nhà nước có chính sách di dời để xây dựng Thủy điện Hủa Na, bố con anh lại tiếp tục nghề này trên lòng hồ của thủy điện.
Còn nhớ năm 2018, gần chục lồng cá của gia đình anh Sáng và anh Xô đồng loạt bị nhiễm bệnh. Cá chết trắng lồng mà không rõ nguyên do, bà con trong bản càng lo lắng vì sợ bệnh dịch từ những lồng cá này sẽ lan sang toàn bộ lòng hồ.
Lúc đó, anh Xô đã liên lạc với Đội tình nguyện, cho dù anh cũng như bà con không hy vọng nhiều về sự trợ giúp bởi cách trở về địa lý, giao thông. Vậy nhưng, ngay khi nhận cuộc gọi, anh Nguyễn Cảnh Hoàng - Trưởng Trạm Kiểm định thủy sản Quỳnh Bảng là thành viên của đội tình nguyện đã lập tức bắt chuyến xe chiều cuối cùng trong ngày để lên với bà con.
Sau khi kiểm tra tình hình, biết là cá đã bị nhiễm nấm, cùng với đó cách chăm sóc không đúng cách của bà con lại khiến bệnh thêm trầm trọng và lây lan nhanh. Nắm được tình hình, anh “kê đơn thuốc” cho cá và hướng dẫn cụ thể cho bà con điều trị. Sau gần 2 tuần thì cá khỏi bệnh.
Bà con thêm mừng vì mùa cá năm đó, cá được giá, mỗi lồng cho thu nhập không dưới 7 - 8 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với mức thu nhập của người dân bản Pù Duộc xưa nay.
Không chỉ bà con ở Pù Duộc mà còn nhiều mô hình được Đội tình nguyện tham gia chuyển giao khoa học kỹ thuật đỡ đầu. Ví như mô hình trồng giống dưa chuột mới Green King theo hướng VietGAP cho anh Trần Văn Khởi ở xóm 7 (xã Trung Sơn, Đô Lương).
Được mùa, được giá, diện tích trồng dưa chưa đến 1.000 m2 anh đã thu về trên 30 triệu đồng. Qua đánh giá của huyện Đô Lương thì đây là mô hình điểm trong năm 2018 của xã Trung Sơn.
Từ đó đến nay, nhiều bà con xã Trung Sơn và các xã lân cận đã học hỏi mô hình để nhân giống sản xuất. Vui hơn nữa, tại xã Thanh Tiên (Thanh Liên) vụ vừa qua đã có một số hộ dân trồng thành công giống dưa Green King.
Để hỗ trợ phát triển kinh tế vùng biển, đội đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, trồng nấm và hỗ trợ chăn nuôi cho người dân. Trong đó nổi bật có mô hình nuôi gà thảo dược với tổng đàn hơn 4.000 con cho anh Lê Văn Dương, xóm Tân Hải (Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu).
Quá trình nuôi theo phương pháp mới này hạn chế tối thiểu việc sử dụng các loại vắc-xin và thuốc điều trị bệnh. Đầu ra của mô hình có chất lượng tốt, an toàn, giá thành sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế ổn định và được tư thương săn đón.
Nối dài thêm những chặng đường vượt khó
Nói về Đội tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh Phạm Văn Toàn - Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn cho biết, phong trào lập thân, lập nghiệp của các đoàn viên, thanh niên đang phát triển mạnh.
Tuy nhiên, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật còn hạn chế, xuất phát từ thực tiễn đó, để hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã có Quyết định thành lập Đội tri thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Nghệ An. Các thành viên đều là những đảng viên gương mẫu, đến từ các sở, ngành liên quan thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Để nắm bắt nguyện vọng của các đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn cơ sở đã phát các phiếu thăm dò, trên cơ sở các nội dung cần hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên, sẽ đề nghị Đội tình nguyện tham gia “giải cứu”, trợ giúp về khoa học kỹ thuật.
Thời gian qua, Đội tình nguyện đã có nhiều chương trình sôi nổi, tổ chức hàng chục buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, chế biến cho đoàn viên, thanh niên và người dân, cùng với đó thường xuyên phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Nhờ đó đã giúp nhiều đoàn viên, thanh niên nắm bắt kỹ thuật mới để tự tin phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình làm giàu hiệu quả với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đội tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật là những người tiên phong, tình nguyên đi gieo hạt giống khoa học cho những miền quê khao khát áp dụng cái mới vào sản xuất, nhằm vươn lên thoát nghèo, làm giàu vững chắc.
“Vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn, vất vả vẫn đợi ở phía trước nhưng thành quả mà các anh, các chị tạo được sẽ là nguồn động lực cho các đoàn viên, thanh niên và bà con vùng khó vươn lên.