Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên T.Ư Đảng - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ban, ngành. Ảnh: Đức Chuyên Tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân toàn tỉnh
Tại phiên họp sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 2355-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2018 trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,4%, cao hơn bình quân toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách tăng khá; thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh; nông nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm xây dựng; trật tự an toàn xã hội ổn định…
Cây chanh leo đã góp phần thay đổi đời sống của người dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Đào Tuấn Bên cạnh những kết quả đạt được, miền Tây vẫn tồn tại những hạn chế như: kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy mô kinh tế còn nhỏ, tính liên kết thấp, hiệu quả chưa cao; nhiều dự án triển khai chậm so với yêu cầu; khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản vẫn còn xảy ra… Trong 27 chỉ tiêu quan trọng mà Quyết định 2355 đề ra, có 8 chỉ tiêu dự báo đến 2020 khó đạt.
Cần mạnh dạn giao đất, giao rừng cho dân
Tại phiên họp các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về các chỉ tiêu phát triển miền Tây trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, các chỉ tiêu phải đưa ra phù hợp thực tiễn, sát với từng địa phương, như mức độ che phủ rừng, phát triển thủy điện, giao thông, chế biến lâm sản, dược liệu…
Để phát huy lợi thế của miền Tây, cần dành nguồn lực giải quyết vấn đề về giao thông, điện; mạnh dạn giao đất, giao rừng cho người dân để người dân có tư liệu sản xuất...
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, chúng ta không trông chờ vào các nhà đầu tư lớn mà cần đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào các vùng có lợi thế về nguyên liệu. Ảnh: Đức Chuyên Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi; trong quá trình đầu tư cần phải tập trung lựa chọn những hạng mục lớn, có trọng điểm, không đầu tư dàn trải; tranh thủ nguồn lực từ Trung ương để đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, giao thông, điện...
Đồng chí Thái Thanh Quý - Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý về các vấn đề trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Đức Chuyên Kết luận phiên làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị các ban, ngành liên quan cần có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ giao đất cho người dân; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực miền núi; quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cần quan tâm đến giao thông, điện, nước sạch… bên cạnh đó cũng cần chú ý đến các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa…