Mặc có nhiều ý kiến vào ra nhưng chính tầm nhìn xa đã giúp Công ty đứng vững trong thời kỳ hội nhập và có bước phát triển tiên phong trong trồng rừng nguyên liệu ở Nghệ An.
Đi trước thời đại
Giờ đây sau gần 15 nhìn lại, ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty vẫn còn nhớ như in không khí lúc đó. Có rất nhiều ý kiến vào ra tỏ vẻ hồ nghi về hướng đi mới. Nhưng Ban Giám đốc công ty giai đoạn đó tâm niệm, dù đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhưng “không được ngủ quên”, hài lòng trước những gì đang có mà phải tính toán được hướng phát triển dài hơi bền vững.
Chủ trương “Trồng rừng gỗ lớn” ra đời trong bối cảnh không mấy êm ả như vậy. Nhưng đây hoàn toàn không phải là quyết định duy tâm mà hoàn toàn nghiêm túc, dựa trên phân tích về xu hướng phát triển của ngành lâm nghiệp, về công nghiệp chế biến gỗ.
Trước đây, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu khai thác rừng tự nhiên là chủ yếu và thời kỳ đỉnh cao của rừng tự nhiên, chúng tôi khai thác 200.000 -300.000 m³ gỗ mỗi năm. Nhưng Ban Giám đốc nhận định gỗ sẽ hết. Chính phủ sẽ hạn chế khai thác và phải tìm một hướng kinh doanh mới để thay thế. Nếu không thay đổi ngay từ thời điểm đó, tương lai Công ty sẽ bị động, lúc đó chẳng lẽ “chết cứng”.
Mặt khác, nhằm đảm bảo năng suất phải quản lý chặt chẽ từ đầu vào. Công ty đã liên kết với viện khoa học chuyên về giống lâm nghiệp của Việt Nam để sản xuất giống, sau đó mới thuê họ về chuyển giao công nghệ. Các quy trình chăm sóc, bảo vệ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật được Bộ NN&PTNT ban hành.
Như đối với diện tích rừng gỗ lớn 10 -12 mới khai thác, phải lựa chọn những khu vực có điều kiện lâm địa phù hợp với độ dốc dưới 25 º và phải dùng máy móc để đào hố trồng cây để đảm bảo hố sâu, cây bám rễ chắc… Số lượng cây trên mỗi ha đất rừng cũng phải đảm bảo mật độ hợp lý, vào khoảng 1.300 - 1.600 cây/ha.
Hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần
Thời gian đã chứng minh, chiến lược trên của Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu hoàn toàn đúng đắn. Diện tích trồng rừng gỗ lớn 10 -12 năm tuổi cho sản lượng khai thác 30.000 -35.000 m³.
Nguồn nguyên liệu không chỉ cung cấp đủ cho hoạt động Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu (đơn vị trực thuộc Công ty) và Công ty Cổ phần ván nhân tạo Tân Việt Trung ở Khu Công nghiệp Nam Cấm (công ty liên doanh), mà còn bán cho nhà máy chế biến gỗ khác trong tỉnh vốn đang thiếu gỗ lớn để làm ván thanh.
Lãnh đạo Công ty cho biết, hiệu quả trồng rừng gỗ lớn gấp từ 1,6 - 2,5 lần nếu so sánh với những diện tích rừng keo nguyên liệu chỉ trồng 4 - 5 năm. Đối với rừng keo có chu kỳ khai thác 10 -12 năm cho sản lượng 180 tấn/ha, thậm chí lên đến 240 tấn/ha; nếu trồng rừng nguyên liệu mà 4 - 5 khai thác chỉ cho sản lượng 70 - 80 tấn/ha.
Đó là nói về năng suất, còn khi chế biến thành phẩm, với kích thước gỗ nguyên liệu càng lớn thì hiệu quả càng cao vì hệ số hao phí nhỏ hơn. Hiện nay để tạo ra 1m³ gỗ xẻ, nếu với gỗ có tuổi đời 10 - 12 năm thì hệ số chỉ mất 1,7 - 1,8 lần, nhưng nếu gỗ 4 - 5 tuổi thì hệ số cao hơn, nghĩa là cần nhiều nguyên liệu đầu vào hơn. Vì vậy, nguyên liệu từ rừng gỗ lớn tạo sự khác biệt về giá cả, mang lại lớn thế cạnh tranh cho sản phẩm Công ty trên thị trường.
Với tầm nhìn chiến lược đúng đắn đi trước cả thập kỷ, đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu là doanh nghiệp hiếm hoi trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Nghệ An làm ăn hiệu quả và đang làm hồ sơ để nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 30 - NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ - CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Trao đổi về định hướng sắp tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết: Công ty đang lập dự án chuyển đổi thêm 1.494 ha đất rừng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn; đồng thời thay dây chuyền sản xuất gỗ thanh tại Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu từ sấy bằng nhiệt sang sấy bằng hơi theo công nghệ của Đức.
Ưu điểm của công nghệ mới là sản phẩm gỗ có độ ẩm đảm bảo, sản phẩm đều, giữ màu gỗ tự nhiên hơn, không cong vênh, cháy phối như công nghệ cũ. Công ty cũng sẽ đầu tư để cơ giới hóa cả khâu khai thác rừng nguyên liệu để tăng năng suất lao động, cũng như đang nghiên cứu đầu tư vào Khu lâm nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Tổng diện tích đất lâm nghiệp mà Công ty quản lý là 32.000 ha trải dài trên địa bàn 21 xã, thị trấn của 4 huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và thị xã Thái Hòa với 6 lâm trường trực thuộc.
Diện tích đất rừng tự nhiên có 21.798 ha được khoanh nuôi bảo vệ; còn 7.800 ha là rừng trồng với hai loại cây chủ lực là keo tai tượng và keo lai. Trong đó, Công ty có đến 3.000 ha trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác lên đến 10 -12 năm; 4.800 ha còn lại trồng rừng với chu kỳ khai thác 7 -8 năm.
Tuy nhiên một trong những trăn trở của lãnh đạo Công ty chính là việc mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn trong nhân dân đang gặp khó khăn, mặc dù nhu cầu thị trường rất lớn và tỉnh đang có chiến lược trồng rừng gỗ lớn.