(Baonghean) - Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó, đoàn kết tôn giáo là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi giai đoạn phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 250.000 người theo đạo Thiên Chúa giáo, chiếm 8,2% dân số toàn tỉnh. Công tác xây dựng khối đoàn kết lương - giáo được cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương quan tâm chăm lo, vun đắp.
Những điển hình
Những ngày này, không khí Giáng sinh tràn ngập trong đồng bào theo đạo Thiên Chúa, với niềm vui, sự háo hức của mọi người, mọi nhà. Về khối 5, phường Thu Thủy, TX. Cửa Lò, chúng tôi nhận thấy sự hồ hởi, khẩn trương của người dân nơi đây đang chuẩn bị đón Noel. Những công trình phục dựng lại hang đá, nơi Chúa Hài đồng chào đời đang được thanh niên trong xóm tỉ mỉ trau chuốt, dâng lên đức Chúa trong ngày thánh lễ. Khối trưởng Võ Huy Tích cho hay: “Ngày lễ Noel giờ đã thành ngày hội chung. Hầu hết các hộ lương dân trong xóm đều chung tay trang trí cho ngày đón lễ. Đêm Chúa Giáng sinh không chỉ là đêm thánh thiêng liêng của đồng bào giáo dân mà cũng là đêm vui, đoàn kết thân ái của hai bên lương - giáo”. Khối 5 có 124 hộ, trong đó có 95 hộ giáo dân. Dường như không có sự phân biệt, ngăn cách nào trong khối dân cư nơi đây. Đã thành truyền thống, khi một gia đình có việc, nhân dân trong khối, bất kể lương hay giáo đều tận tâm lo lắng, giúp đỡ, trên tinh thần tôn trọng những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhau. Anh Võ Huy Tích cho biết, năm trước con trai của một hộ lương dân chẳng may gặp nạn trên sông, người dân cả khối 5 thay nhau túc trực tìm kiếm, hỗ trợ gia đình người bị nạn. Tình làng, nghĩa xóm đã xóa đi mọi ranh giới, hòa quyện thành cộng đồng bền chặt.
Khối đoàn kết lương - giáo không chỉ thể hiện ở mối dây tình cảm như trên, mà còn thể hiện ở sự nỗ lực, cùng nhau xây dựng cuộc sống văn minh, hoàn thành nghĩa vụ của người công dân mẫu mực. Ông Nguyễn Đình Nhung - Khối trưởng khối 6, phường Thu Thủy, Thị xã Cửa Lò không khỏi tự hào khi nhắc đến tinh thần tự nguyện, tự giác đóng góp, tham gia của người dân trong việc xây dựng con đường liên khối dài 300m nhân dịp chào mừng 20 năm thành lập thị xã.
Tương tự, tại huyện Tân Kỳ, bà con giáo dân đã hiến 6.000 m2 đất, đóng góp hơn 20 triệu đồng và 150 ngày công làm đường giao thông. Tại Giáo họ Hồng Phúc, xã Nghĩa Phúc, 3 hộ giáo dân hiến 2.500 m2 để xây cụm trường mầm non. Ở Quỳnh Lưu, bà con giáo dân hiến 25.428 m2 đất, 1.470 m tường bao, tháo dỡ nhiều công trình phụ, cây lưu niên, ủng hộ 2.310 ngày công, đóng góp 2,84 tỷ đồng xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới. Còn ở huyện Đô Lương, bà con giáo dân hiến 14.587 m2 đất, góp 324 triệu đồng, hoàn thành 6 km đường bê thông nông thôn, 27 km đường giao thông nội đồng. Ở Giáo họ Vĩnh Mỹ và Tân Yên (Vinh Tân, TP. Vinh) bà con đã hiến gần 600 m2 đất xây dựng 2 tuyến đường chống ngập, đóng góp gần 50 triệu đồng và hàng trăm ngày công, xây dựng 200m đường bê tông. Ngoài ra còn có nhiều mô hình lương - giáo đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như ở thôn 5, xã Hoa Sơn; thôn 7, xã Hùng Sơn; thôn 11, xã Tường Sơn (Anh Sơn); thôn Phù Long, xã Hưng Long; xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên)…
Hạt nhân lan tỏa
Ở những địa phương đoàn kết lương - giáo bền chặt dễ nhận thấy sự hiện diện của những hạt nhân nòng cốt trong việc tạo mối gắn kết giữa hai cộng đồng cũng như giữa người dân với cấp ủy, chính quyền. Trước tiên, phải kể đến các tổ chức, đoàn thể ngay từ cấp khối, xóm như hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi… Ở khối 6, phường Thu Thủy, Thị xã Cửa Lò, “tiên phong” đi đầu trong phong trào đoàn kết lương - giáo là Hội Cựu chiến binh. Khối trưởng Nguyễn Đình Nhung cũng chính là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh. Các thành viên của hội tâm niệm phải là những tấm gương kính Chúa yêu Nước, hoàn thành tốt nghĩa vụ với xã hội và giáo hội. Do đó, Hội Cựu chiến binh khối luôn đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện.
Theo ông Nhung, để tạo được lòng tin, bên cạnh sự gương mẫu còn phải thực sự quan tâm, chăm lo đến đời sống của bà con. Là một trong những gia đình có con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đầu tiên của khối, ông đã giúp nhiều gia đình tiếp cận với chủ trương, chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước, thậm chí tự bỏ tiền cho bà con vay để con em trong khối đi XKLĐ, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân. Nhờ vậy, đời sống bà con khối 6 nay đã ổn định, người dân nhận thức được đường lối, chủ trương và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Từ đó, mọi người ra sức củng cố tình đoàn kết, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.
Còn ở huyện Anh Sơn, hạt nhân xây dựng khối đoàn kết lương - giáo là Hội Phụ nữ với mô hình “chi hội vùng giáo”. Giáo dân Nguyễn Thị Thuận - Chi hội trưởng Chi hội 11 quan niệm: Với chị, việc đời và việc đạo đều quan trọng như nhau, mỗi khi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt Câu lạc bộ “Gia đình nuôi con khỏe dạy con ngoan”, thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”…chị đều tìm cách lồng ghép để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ làm tốt công tác hội, trong năm qua, quỹ Tim tình thương do Trung ương hội phát động tại thôn 11 đã phát huy hiệu quả, giúp chị em nguồn vốn để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu…
Để có những điển hình kết nối mối đoàn kết lương - giáo như nêu trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường gặp gỡ, động viên các đảng viên vùng giáo và các đoàn thể tích cực bám sát cơ sở, chia sẻ với bà con. Đồng chí Phan Trung Mỵ - Bí thư Chi bộ khối 5, phường Thu Thủy, Thị xã Cửa Lò chia sẻ: “Bản thân là giáo dân duy nhất của chi bộ 18 đảng viên, tôi luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp thu, thực hiện những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ đó kịp thời lãnh đạo các phong trào khối một cách toàn diện. Ngoài ra, cần phát huy tối đa tính dân chủ, trí tuệ tập thể cũng như sức lan tỏa và uy tín của các hội, đoàn thể. Đây chính là những cánh tay nối dài của Đảng và chính quyền để gắn kết khối lương - giáo bền chặt ngay từ ngõ xóm, tổ dân cư…”.
Tôn trọng, thấu hiểu và yêu thương
Đoàn kết tôn giáo là yếu tố quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta trong các thời kỳ. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.
Để quan điểm, chủ trương đúng đắn và nhân văn này thực sự đi vào cuộc sống, cần nhận thức đúng cốt lõi của công tác xây dựng mối đoàn kết lương - giáo. Nền tảng đầu tiên và là yếu tố bền vững chính là sự tôn trọng đến từ hai phía lương dân - giáo dân và cấp ủy, chính quyền với người dân. Tôn giáo chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố hình thành nên tính đa dạng về văn hóa, tư tưởng, từ đó thúc đẩy xã hội đi lên. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này cần nhận thức rõ có sự khác nhau trong tín ngưỡng nhưng không mâu thuẫn với nhau. Có nghĩa là mỗi người đều có quyền được bảo lưu những hệ giá trị, tư tưởng riêng - có thể là tín ngưỡng, sắc tộc, truyền thống… nhưng phải trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của cá nhân, cộng đồng, đồng thời phải hài hòa với lợi ích chung. Về phía cấp ủy, chính quyền, cần quan tâm, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của người dân để bảo đảm quyền tự do về đức tin, tín ngưỡng; giải thích những thắc mắc và giải quyết một cách thấu đáo, minh bạch những vấn đề, mâu thuẫn phát sinh, trên cơ sở tôn trọng giáo lý và tuân thủ pháp luật.
Nêu những quan điểm như trên có phần “triết lý”, nhưng trên thực tế, những vấn đề liên quan xuất phát từ những việc tưởng chừng rất đỗi bình thường trong cuộc sống. Điển hình như sự việc thắc mắc của giáo dân Giáo xứ Quan Lãng, huyện Anh Sơn về việc mất 8 lá cờ trong ngày lễ của giáo xứ. Nhưng khi cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân trên địa bàn làm rõ sự việc đã xóa bỏ những hiểu nhầm không đáng có, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng. Đó là điều mà Đảng bộ và chính quyền Anh Sơn đã làm được, từ đó làm cơ sở cho khối đoàn kết lương - giáo cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Điều quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chính là chúng ta nhận thức rõ mối liên kết “máu mủ của giống nòi” từ buổi đầu bọc trứng Âu Cơ khai sinh ra dân tộc. Với một người công giáo, không cần đặt ra câu hỏi: danh tính nào có trước, công dân Việt Nam hay là tín đồ đạo Thiên Chúa(?) Bởi lẽ, hai điều này vốn dĩ cùng nhau tồn tại trong một thể thống nhất, hòa quyện vào nhau trong dòng chảy chung của đức tin và tinh thần dân tộc. Trong Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng khẳng định: “Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Cộng đồng nhắc nhở: “Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội Thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước”
Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”.
Một mùa Giáng sinh nữa đang đến. Đã từ lâu, thời điểm này trong năm không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng với những tín đồ công giáo mà trở thành một nét văn hóa, một ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng của người Việt Nam, không phân biệt lương hay giáo. Đó là minh chứng hết sức rõ ràng cho sự giao thoa, hòa quyện nhân văn giữa các cộng đồng, mang lại một xã hội đa dạng, nhiều màu sắc và cũng giàu tình đoàn kết, thân ái hơn. Mùa này, rất nhiều lương dân đã làm cây thông Noel, mua quà Giáng sinh cho con, chờ đón giờ khắc thiêng liêng Chúa Hài đồng chào đời… Qua đó, để thấy, muốn yêu quý và gắn bó với nhau, cần phải tôn trọng và thấu hiểu những nét riêng, từ đó tìm ra tiếng nói chung, con đường chung để cùng nhau tiến về phía trước. Nắm vai trò “lĩnh xướng” cho dàn hợp ca đông đảo ấy, không ai khác chính là tổ chức đảng - hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân nói chung và khối đoàn kết lương - giáo nói riêng.
Thanh Nga – Thục Anh