Tại cụm công nghiệp Thị trấn, 13 doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, đã tạo việc làm cho trên 500 lao động. Tại cụm công nghiệp này, các ngành nghề truyền thống được đầu tư mở rộng như mộc, nề, cơ khí, điện tử… Nhiều doanh nghiệp như Công ty Trường An chuyên sản xuất VLXD sắt thép và tôn định hình; doanh nghiệp tư nhân Trung Hoa chuyên sản xuất gạch, vật liệu xây dựng… Công ty TNHH Nguyên Nghĩa, từ một cơ sở nhỏ lẻ, năm 2005 đầu tư kinh doanh tại cụm công nghiệp, đến nay, đã xây dựng được thương hiệu mạnh chuyên đồ mộc được thị trường trong Nam ngoài Bắc biết tới. Bà Nguyễn Thị Tuế - Phó Giám đốc Công ty Nguyên Nghĩa cho biết: Ngoài sản xuất các đồ gỗ cao cấp gồm bàn, ghế, tủ, giường, phản… chúng tôi có đội ngũ công nhân lành nghề chuyên đi lắp đặt các công trình liên quan đến gỗ. Tổng doanh thu hàng năm của công ty đạt từ 50 - 60 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 150 lao động, với mức lương từ 3 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Đô Lương: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
(Baonghean) - Tiềm năng đất đai đa dạng, khoáng sản có trữ lượng lớn như đá vôi, cát sạn, đất sét, sứ và cao lanh, các kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật được đầu tư tương đối đồng bộ đang là nguồn lực cho sự phát triển công nghiệp của Đô Lương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đô Lương, ngoài cụm công nghiệp thị trấn rộng 7,78 ha; cụm công nghiệp Lạc Sơn với tổng diện tích 20 ha, thì Đô Lương đang quy hoạch cụm công nghiệp Thượng Sơn diện tích 10 ha để di dời một số hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang nằm trong khu dân cư.
Cụm công nghiệp Lạc Sơn đã thu hút được Công ty TNHH Press Vinh của Tập đoàn Kido (Hàn Quốc) đã đi vào hoạt động từ tháng 5/2012, đến nay đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, gồm trang phục thể thao, đồ trượt tuyết, hàng đua xe máy xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ, Canada. Ông Trần Đức Long - Kế toán trưởng Công ty TNHH Press Vinh cho biết: “Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc với vốn điều lệ 11,6 triệu USD. Đây là nhà máy lớn nhất của Tập đoàn Kido Hàn Quốc. Bán hàng ở thị trường có tính chất cạnh tranh khốc liệt như các nước ở châu Âu, chúng tôi xác định phải có chiến thuật maketing hỗn hợp. Từ việc phân đoạn thị trường hướng tới làm thế nào để sản phẩm phù hợp với thị trường; từ đóng gói sản phẩm cho tới cách định vị sản phẩm, thương hiệu sản phẩm, tính chi phí xuất khẩu và định giá sản phẩm ở thị trường mục tiêu, lựa chọn các kênh phân phối sản phẩm và cuối cùng là quan tâm xúc tiến bán hàng”.
Một tin tốt lành vào đầu năm 2015, tại xã Bài Sơn đã khởi động trở lại Nhà máy xi măng Sông Lam với tổng công suất 4 triệu tấn/năm. Đây vốn là dự án xi măng do Công ty CP Xi măng Đô Lương làm chủ đầu tư. Sau một thời gian đình trệ, nay dự án đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam được xây dựng với công suất 18.000 tấn/ngày, trong đó, giai đoạn 1 (từ 2015 - 2017) là 2 dây chuyền có tổng công suất 12.000 tấn clinke/ngày tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm, giải quyết việc làm cho 2000 lao động. Giai đoạn 2 (từ 2017 - 2020); dây chuyền thứ 3 với công suất 6.000 tấn clinke/ngày. Sản phẩm của dự án là các loại xi măng chất lượng cao phục vụ các công trình biển đảo, các công trình mục tiêu quốc gia chống biến đổi khí hậu. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 10.500 tỷ đồng, dự kiến sau 18 tháng thi công, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Đình Kiều, Phó phòng Công Thương huyện Đô Lương cho biết, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói…) thành ngành công nghiệp then chốt trên cơ sở đó để phát triển các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung bằng công nghệ Polime hóa và các sản phẩm từ xi măng nằm trong định hướng phát triển của huyện. Thời gian tới, huyện đang có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch khai thác các mỏ đá ở các xã Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Mỹ Sơn, đá đen ở xã Trù Sơn, khai thác cát, sỏi trên sông Lam nhằm khai thác tối đa thế mạnh của từng vùng vừa phát huy hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Quy hoạch và phát triển theo các cụm công nghiệp nhỏ địa phương gắn với vùng nguyên liệu sẵn có và tiếp tục kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Lạc Sơn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Giang Sơn Tây, Cụm công nghiệp Thượng Sơn. “Các doanh nghiệp hoạt động tại các cụm công nghiệp được hỗ trợ theo chính sách của huyện. Riêng cụm công nghiệp thị trấn, huyện đã đầu tư 2 tỷ đồng cho GPMB, 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, mương thoát nước. Doanh nghiệp vào cụm công nghiệp Lạc Sơn còn được hỗ trợ đường điện đến tận nhà máy. Ngoài ra, là chính sách miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập...”.
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra mới đây của huyện, hiện một số doanh nghiệp hoạt động tại Cụm công nghiệp Thị trấn chưa chấp hành tốt về bảo hộ lao động, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Ví như Công ty CP Long Hải xây dựng cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp đang gặp những khó khăn về đầu ra, hàng hóa sản xuất khó tiêu thụ. Chẳng hạn, Công ty CP đầu tư Thành Thịnh đầu tư 2,2 tỷ đồng vào dây chuyền sản phẩm gạch block nhưng do đầu ra khó khăn, sản xuất không hiệu quả phải bán lỗ. Hay sản phẩm loa thùng của Công ty An Thanh Đạt tiêu thụ hạn chế, mang tính thời vụ… Vì thế, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, huyện cần vào cuộc chấn chỉnh những bất cập, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư...
Việt Phương