(Baonghean) - Công văn số 1975/UBND-CNTM ngày 7/4/2015 của UBND tỉnh
 
Thời gian qua, triển khai Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 405 chợ hoạt động, có 267 chợ được phân hạng, trong đó có 7 chợ hạng 1, có 19 chợ hạng 2 và 241 chợ hạng 3. Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ hơn 61.000 hộ, trong đó số hộ kinh doanh thường xuyên hơn 33.000 hộ và kinh doanh không thường xuyên là hơn 27.000 hộ. Hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, gắn kết giao thương các vùng miền, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; công tác quản lý và phát triển chợ đã được quan tâm, từ năm 2003 đến nay đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo được 170 chợ với tổng nguồn vốn lên đến 166,3 tỷ đồng, chuyển đổi mô hình quản lý 7 chợ....
 
Tuy nhiên thực tế hoạt động quản lý và phát triển chợ trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; tình trạng họp chợ cóc, lấn chiếm lòng đường vỉa hè gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất trật tự công cộng vẫn còn diễn ra ở một số nơi; cơ sở vật chất của nhiều chợ đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo kịp thời; công tác đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động của một số Ban quản lý chợ còn tùy tiện, công tác thu chi tài chính chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, gây bức xúc trong nhân dân; một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng khai thác không hiệu quả như chợ Tân Long, Tân An (huyện Tân Kỳ), chợ Rộ (huyện Thanh Chương),...;
 
Để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn, đảm bảo các tiêu chuẩn của hạng chợ theo quy định, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan và chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phân công, trong đó:
 
Sở Công Thương: Chịu trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình về công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống chợ và thực hiện các văn bản quy định về quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chất lượng hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; thường xuyên kiểm soát chống sản xuất và kinh doanh hàng gian lận, hàng giả, hàng không bảo đảm VSATTP. 
 
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch và lộ trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh theo quy định của Trung ương. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2015.
 
Công an tỉnh: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xử lý dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm hoạt động lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự; bố trí lực lượng đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự khu vực họp chợ (đối với các chợ đã có trong quy hoạch), không để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ảnh hưởng giao thông, cảnh quan môi trường.
 
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: Theo chức năng nhiệm vụ của ngành, phối hợp với Sở Công Thương tăng cường xúc tiến thu hút nguồn lực xã hội đầu tư kinh doanh chợ; tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở lộ trình ưu tiên các chợ tập trung đông người khu vực nông thôn, miền núi có cơ sở hạ tầng đã xuống cấp không đủ điều kiện thiết yếu để hoạt động.
 
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác quản lý và phát triển chợ thuộc thẩm quyền quản lý. Huy động các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đầu tư phát triển, chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh các chợ trên địa bàn. Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh tập trung chỉ đạo xóa bỏ hoặc di dời các chợ tự phát, các điểm buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, an ninh trật tự, gây ô nhiêm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
UBND tỉnh Nghệ An