(Baonghean) - Xác định có lợi thế về phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung, trồng rừng… thời gian qua, huyện Đô Lương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực này. Nhờ đó, người dân Đô Lương  đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. 
Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy mô hình kinh tế trang trại phát triển là huyện Đô Lương đã quy hoạch, định hình những vùng phát triển kinh tế phù hợp và có cơ chế, chính sách thông thoáng cho các chủ trang trại tiếp cận được nguồn vốn vay, thủ tục thuê, nhận đất đai nhanh gọn, hỗ trợ KH- KT, đầu ra… nên ngày càng thu hút được nhiều người dân tham gia đầu tư phát triển mô hình kinh tế trạng trại.
 
Ông Trần Gia Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch Bạch Ngọc – Ngân hàng NN & PTNT Đô Lương cho biết: “Thực hiện công tác phối hợp giữa tổ chức Hội Nông dân với ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thi đua SX - KD giỏi, Phòng giao dịch Bạch Ngọc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, nhất là mô hình kinh tế trang trại. Do hoạt động tại địa bàn vùng thượng huyện Đô Lương có rất nhiều lợi thế về phát triển kinh tế trang trại trồng rừng, phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, nên Phòng giao dịch Bạch Ngọc đã luôn ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực này. Tại nhiều trang trại, hiện do vướng mắc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau khi thẩm định, ngân hàng vẫn quyết định cho vay từ 300 triệu – 1 tỷ đồng và nhờ đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chủ trang trại phát triển”. 
 
images1152682_m__h_nh_chan_nu_i_v_t_tr_i_mang_l_i_hi_u_qu__cao_c_a_trang_tr_i_nguy_n_h_u___c___x__thu_n_son..jpgMô hình nuôi vịt trời của trang trại anh Nguyễn Hữu Đức ở xã Thuận Sơn.
 
Hiện tại, các chủ trang trại ở vùng thượng huyện Đô Lương là Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Hồng Sơn đều tiếp cận được vốn vay của Ngân hàng NN & PTNT Đô Lương. Để nhân rộng mô hình nuôi gà ta giống gà Bình Định thả vườn và nuôi vịt trời, Ngân hàng NN&PTNT - Chinh nhánh Đô Lương đã quyết định cho Nguyễn Hữu Đức vay 1 tỷ đồng đầu tư nuôi gà, vịt đẻ, làm lò ấp con giống. Gia đình ông Ngô Trí Du ở xã Giang Sơn Tây cũng đã vay hơn 400 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò, dê, lợn và kết hợp trồng rừng. Hay trang trại chăn nuôi lợn tập trung có quy mô lớn của anh Nguyễn Văn Hạnh ở xã Giang Sơn Đông thông qua nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Phòng giao dịch Bạch Ngọc, đã phát huy được hiệu quả. Cũng từ nguồn vốn vay ngân hàng 200 triệu đồng, anh Cao Tiến Sơn ở xã Lam Sơn đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn rừng…
 
Về mô hình cụ thể, có thể kể đến trang trại của anh Nguyễn Hữu Đức ở xã Thuận Sơn. Lúc đầu nhận 3 ha đất rừng (50 năm) ở khu vực Khe Nước để trồng cây lâu năm như lát hoa, keo… Năm 2011, nhờ học hỏi được kinh nghiệm nuôi gà thả vườn ở Bình Dương và Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh, nên anh Đứcc mạnh dạn áp dụng cho mô hình chăn nuôi gà thả dưới tán cây rừng. Nguồn vốn đầu tư ban đầu gặp nhiều khó khăn, gia đình phải vay mượn bạn bè, ngân hàng đầu tư thuê máy đào vào múc đất cải tạo đất, xây bờ rào, đào giếng nước, kéo điện về, mua giống, mua thức ăn nuôi 500 con gà ta. Sau 4 tháng chăn nuôi theo cách thả vườn đồi, trừ hết chi phí thu lời 30 triệu đồng. Lợi nhuận lớn như vậy đã trở thành động lực để anh Đức mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp nhiều đợt gà khác với số lượng lớn.
 
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh Đức đã lựa chọn nuôi loại giống gà Bình Định đã phát triển nhanh, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở trang trại, sau gần 4 tháng là có thể xuất bán. Mỗi lứa nuôi 1.000 con và trong 1 năm trang trại đã xuất bán 3 lứa (3.000 con). Từ năm 2012 đến nay, do lấy giống có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường công tác phòng dịch, trang trại nuôi gà cỏ thả vườn của anh Nguyễn Hữu Đức rất thành công, sản phẩm được người dân trong vùng biết đến, các nhà hàng, khách sạn ở huyện cũng đặt mua số lượng lớn. Hiện nay, tại trang trại của gia đình anh Đức đang nuôi hàng nghìn con gà thịt và nhân giống loại gà Bình Định. 
 
Thành công với mô hình trang trại nuôi gà, thời gian gần đây, gia đình anh Đức còn nuôi và ấp giống vịt trời nhờ học được kỹ thuật ở rừng Quốc gia Cúc Phương. Tại trang trại, gia đình đầu tư xây dựng 2 chuồng trại kiên cố rộng 500 m2, trong đó có 2 nhà nuôi, 4 hồ bơi, 4 sân chơi cho vịt trời… tạo môi trường sống phù hợp cho vịt trời, nên đàn vịt của gia đình phát triển tốt. Vịt trời hiện có thị trường tiêu thụ rất lớn, giá bán hiện nay từ 250 - 300 nghìn đồng/con. Cùng với mô hình nuôi gà thả đồi, nuôi vịt trời, gia đình anh Đức còn nuôi nhím với số lượng lớn...
 
Bà Nguyễn Thị Hương Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết: “Để tạo điều kiện cho mô hình kinh tế trang trại phát triển, hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu, kế hoạch công tác hội và phong trào nông dân, hội luôn phối hợp với các ngành như: Ngân hàng NN&PTNN huyện, Ngân hàng CSXH huyện, Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ thực vật, Trường Trung cấp nghề… hỗ trợ cho người dân làm thủ tục tạo vốn vay và ủy thác vốn vay phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân.
 
Nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa tổ chức hội với các ngành trong việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân nên từ năm 2012 – 2014, Ngân hàng NN&PTNN huyện đã làm hồ sơ tạo vốn vay 1.300 tỷ đồng cho nông dân đầu tư phát triển SXKD và số dư đến nay là 630 tỷ đồng. Đơn vị ký ủy thác vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ hơn 140 tỷ đồng; tổ chức được 1.340 buổi chuyển giao KHKT cho hơn 56.000 lượt người tham gia; mở 68 lớp dạy nghề ngắn hạn trên các lĩnh vực chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật trồng nấm ăn, sửa chữa máy nông nghiệp… cho 2.250 hội viên nông dân; tư vấn và vận động hội viên, nông dân đi xuất khẩu lao động được 3.675 người; lập dự án đề nghị Hội Nông dân tỉnh giải quyết cho hội viên nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với số tiền 1,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các mô hình như: phát triển chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi bò tại các xã Bồi Sơn, Đà Sơn, Thịnh Sơn, Thượng Sơn, Thuận Sơn, Lam Sơn, mô hình phát triển nghề mộc tại xã Thái Sơn, Hiến Sơn, mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc tại xã Nam Sơn. Ngoài ra, chúng tôi ký vay phân bón trả chậm phục vụ nông dân trong sản xuất nông nghiệp với số lượng bình quân hàng năm từ 1.500 - 1.700 tấn đạm NPK các loại…”.
 
Một vấn đề cần đề cập: Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển trang trại, vẫn còn gặp một số vấn đề bất cập, nhất là trong công tác quy hoạch. Ông Đặng Anh Tuấn, chủ trang trại chăn nuôi lợn tập trung ở xã Xuân Sơn cho hay: “Hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn tập trung của gia đình lên đến 1.000 con lợn thịt. Ngoài ra, một số vùng trong xã, có nhiều hộ dân đầu tư trang trại chăn nuôi lợn tập trung quy mô từ 500 – 600 con lại xây dựng trang trại gần kề nhau, việc ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi. Vì vậy, trong công tác quy hoạch chăn nuôi tập trung, quy mô lớn cần phù hợp hơn, đồng thời cần đầu tư khu xử lý nước thải, tổ chức chăn nuôi khoa học bảo đảm vệ sinh môi trường. Có như thế kinh tế trang trại chăn nuôi theo mô hình này mới phát triển bền vững”...
 
Tuy nhiên, với việc tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình kinh tế trang trại phát triển, đến nay ở Đô Lương cũng đã có 261 mô hình (gồm 148 gia trại và 113 trang trại), trong đó có 128 trang trại kinh doanh tổng hợp, 2 trang trại trồng trọt, 92 trang trại chăn nuôi, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản, 22 trang trại lâm nghiệp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Phát triển trang trại chăn nuôi tập trung đã góp phần cho Đô Lương tăng nhanh đàn gia súc với hơn 43,7 ngàn con trâu, bò và 102,5 ngàn con lợn. Mỗi năm, nông dân huyện nhà duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản từ 1.500 - 1.600 ha, trong đó ao hồ 882 ha, cá vụ 3 và cá xen lúa 685 ha. Rõ ràng, với sự phát triển mạnh mẽ đó, thì mô hình làm tế trang trại trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế ở Đô Lương. 
 
Hoàng Vĩnh