(Baonghean) - Làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) từ xưa đến nay vốn nổi tiếng là làng khoa bảng, là đất học, đất sản sinh nhiều nhà thơ và nhà yêu nước, nhà cách mạng… Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn là làng diều sáo. Năm xưa, ở những hội thi diều, diều sáo Quỳnh Đôi bao giờ cũng tranh ngôi thứ nhất…
Làng Quỳnh Đôi hiện giờ còn ít người biết làm sáo diều lắm. Lân la đi tìm hỏi, những người dân chỉ cho tôi vào nhà ông Cù Chính Vi: “Giờ chỉ còn ông ấy làm sáo diều tốt nhất thôi. Ngày xưa còn có ông Lạng, nhưng ông mất cách đây mấy năm rồi”. Đất làng Quỳnh như bàn cờ, chẳng khó khăn gì để tìm được nhà ông Vi. Vừa mới cất tiếng chào, ông đã hỏi ngay: “Cô đến đặt làm diều sáo à, dạo này tôi bận lắm không làm nữa đâu”. Thì ra, vì bây giờ ông là người hiếm hoi còn biết gọt sáo, nên nhiều người từ các nơi đến đặt ông làm. Năm nay, ông Cù Chính Vi đã 68 tuổi, nhắc ông kể lại chuyện làng diều năm xưa, ông mới chợt à một tiếng, rồi khuôn mặt giãn ra để nhớ lại một thời sôi nổi đã xa.
Cho đến cách đây khoảng 30 năm, làng Quỳnh Đôi vẫn vang tiếng sáo diều vo vo, ù ù cả ngày lẫn đêm. Nhà nhà thả diều, người người chơi diều. Ông Cù Chính Vi ngày ấy mới 14, 15 tuổi cũng mất ăn mất ngủ vì diều. Những ngày hè như bây giờ, nhìn lên bầu trời bao giờ cũng thấy mấy chục cánh diều, cái nào cũng dài 4 – 6m. Sau một ngày làm việc vất vả, chiều về, dân làng từ trẻ con, cho tới thanh niên, kể cả các cụ già rủ nhau đi thả diều, rồi để thế cho diều vi vu cả đêm. Đêm càng về khuya, cảnh vật trở nên tĩnh lặng, mọi người chìm vào giấc ngủ, thì tiếng sáo lại càng cao vút, trong veo. Nửa đêm về sáng, sáo to tiếng đều rải rải, sáo nhỏ tiếng cao và nhanh, theo từng đợt gió cao, gió thấp…
Nghề chơi cũng lắm công phu, làm được con sáo diều không hề đơn giản. Khi xưa ông cha làm diều, không thể nào kể hết được cái kỳ công, tỷ mỉ. Ông Vi kể: “Cả một con diều to như ngôi nhà ba gian, thế mà hoàn toàn làm bằng giấy moi (giấy viết chữ Nho). Các cụ kỳ công ngồi phết mủ sung để dán diều, dán cho đủ rộng đã tốn bao nhiêu công rồi, lại còn chồng lên nhau 3 – 4 lớp cho dày, phơi lên vừa cứng, vừa chắc. Còn bả diều (dây diều) thì bẻ cành cây ngô đồng, đập cho nát, lấy cái xơ tết lại, hoặc lấy sống lá dừa cũng được.
Mỗi lần vác diều đi thả, là phải mấy người một lúc, người nâng, người đỡ, người lặc lè ôm bả đằng sau. Phải buộc bả diều vào gốc cây trước, mới đâm diều (chạy thả diều) là vì thế, nếu không, chẳng có sức đâu mà giữ dây, chưa kể đến việc người bị diều kéo đi luôn. Nhưng sơ sẩy một tý, diều rơi xuống đồng, dính nước là hỏng luôn. Thế mà các cụ vẫn mê như điếu đổ”. Sau này, rút kinh nghiệm, lớp con cháu không dán diều giấy nữa, mà làm cánh diều bằng tấm ni lông, lấy dây bì khâu lại, vừa nhanh, vừa nhẹ, mà có rớt xuống nước cũng không sao, vớt lên chơi tiếp.
Những câu chuyện thật như đùa về những người chơi diều vẫn còn được người dân làng Quỳnh truyền tai nhau cho tới tận bây giờ. Những đêm nằm dưới gốc cây để canh diều, khi gió to thì nới thêm dây, khi gió lặng, thì thu bớt dây lại khỏi diều bị chùng. Cả chuyện không ít người thả diều gặp gió to, bị diều nhấc bổng lôi xềnh xệch trên đồng, phải buông diều ra, hôm sau, xuống tận làng dưới, để tìm diều về. Bây giờ, diều thì vẫn nhiều người biết làm, vì không khó, chú ý một chút là có thể học được, nhưng không phải ai cũng biết làm sáo.
Một bộ sáo ở Quỳnh Đôi thường có một cặp to – nhỏ. Thân sáo tốt nhất là được làm từ ống nứa đã già, chứ không phải là tre, hay trúc, ống mét cũng có thể làm được, nhưng tiếng phát ra sẽ ồm ồm, không trong. Tất cả được quẳng xuống ao ngâm suốt cả năm trời mới vớt lên để làm.
Ông Cù Xuân Vi với đôi sáo đã hơn 30 năm tuổi.
Gọt được một cặp sáo, cũng phải vất vả mấy ngày trời chăm chú, tỉ mỉ bằng dao khoét, múc, chích, lể. Riêng miệng sáo thì phải gọt từ gỗ vàng tâm. Không có chi tốt bằng thứ gỗ này, dễ gọt mà lại dổi, tiếng trong, chắc ngọt… Gọt xong, thử tiếng, rồi cân chỉnh miệng 2 bên phải như nhau, nếu khác nhau là tiếng sẽ không còn hay nữa, người ta gọi sáo đồng âm là vì thế.
Những người dân nơi đây chẳng còn ai được chứng kiến hội thi diều năm xưa, nhưng được ông, bà kể lại, làng sáo diều Quỳnh Đôi nức tiếng, vì trong các hội thi diều, bao giờ diều làng tôi cũng đạt giải quán quân. Người ta để 2 cái kiếm sắc song song, diều nào làm cân đều, bay vút thẳng lên thì không bị đứt, còn cái nào làm không chuẩn, diều bị liệng qua liệng lại, cứa vào kiếm bị đứt ngay. Diều làng Quỳnh bao giờ cũng bay cao, ngọt tiếng sáo.
Hội thi từ lâu rồi chẳng còn nữa, người làm sáo diều bây giờ cũng hiếm. Chẳng phải không còn yêu thích, mê tiếng sáo nữa, mà cuộc sống có quá nhiều điều lo lắng, nên chẳng đủ thời gian cho một thú chơi công phu này nữa. Theo ông Vi, việc thưa thớt cánh diều sáo, bắt đầu từ khi có điện. Có điện, có ti vi, và có nhiều trò vui khác khiến cho chơi diều không còn là thú vui duy nhất. Hơn nữa, dây điện mắc trong làng, mà đem thả những cánh diều to như gian nhà rất nguy hiểm. Rồi dân cư ngày một đông đúc, nhà cửa xây lên nhiều thêm, chỉ có thể thả diều ngoài đồng. Những khúc nứa già để làm sáo cũng ngày một hiếm.
Ông Vi leo lên gác xép, lấy xuống cho tôi xem cặp sáo đã hơn 30 năm tuổi. Ông khoe, tiếng của nó ít có cặp sáo nào bì kịp, bao nhiêu người đòi mua mà ông không chịu bán. Thời trai trẻ, lúc còn nhiều người làm, ai cũng đua nhau xem tiếng sáo anh nào hay hơn, chuẩn hơn. Nhưng cả đời, có khi cũng chỉ làm được một vài cặp sáo ưng ý. Cùng mê và làm sáo với ông còn có ông Hồ Lạng rất giỏi, ông truyền nghề lại cho cháu ngoại, mới đây ông qua đời. Thế nhưng, người cháu chỉ biết giữ lại những cặp sáo ông mình gọt, chứ bản thân thì không biết làm. Sáo diều mai một dần, ông Vi cũng cất nó luôn, lâu lâu nhớ quá lại mang ra, làm con diều mới gắn vào để thả…
Rời ngôi làng sáo diều Quỳnh Đôi ra về, trong tôi cứ văng vẳng mấy câu vè ông Vi chợt nhớ lại ngâm nga: “Công anh làm một con diều/ Kể ra cho hết bao nhiêu công trình/ Anh ngồi anh nghĩ nhân sinh/ Ăn chơi cho đủ không nghề chi vui thú như thả diều…”!