(Baonghean) Những điểm du lịch Văn hóa tâm linh luôn có sức thu hút du khách rất lớn và ngày càng có xu hướng tăng mạnh. Bài viết nhỏ này xin đề cập đến xu hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh từ hai ngôi chùa đang tiến hành phục dựng là chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ (Nam Đàn) và chùa Gám trên núi Gám (Yên Thành), bởi đây được xem là những điểm nhấn của du lịch văn hóa tâm linh, hứa hẹn thu hút ngày càng nhiều du khách.
Điểm khá tương đồng giữa hai ngôi chùa là có một cảnh quan độc đáo với thế núi sông, cảnh đẹp thơ mộng hữu tình. KTS Nguyễn Minh Quang - người trực tiếp tham gia xây dựng quy hoạch kiến trúc chùa Đại Tuệ cho biết: Nhóm thiết kế quy hoạch kiến trúc đã cùng thống nhất phải gìn giữ được khung cảnh thiên nhiên tối đa, những giá trị văn hóa, lịch sử, kế thừa giá trị truyền thống, đồng thời vẫn thể hiện được đây là công trình văn hóa tâm linh mang tính thời đại.
Dự án chùa Đại Tuệ đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Thành Chung
Theo quy hoạch, chùa Đại Tuệ được bố cục gồm Thượng, Trung và Hạ điện, trong đó Thượng điện có quy mô nhất, giữ trục Hoàng đạo, là trung tâm của một quần thể bao gồm cả chùa cổ, giếng cổ, chuông đá, mõ đá, khánh đá… Ngoài ra, còn có chùa Trình đặt gần QL 46, cách đền Hạ khoảng 5km, chùa Đá thờ Bảo thân Phật, chùa Vàng thờ Pháp thân Phật trên đỉnh núi Đại Huệ. Các hạng mục công trình trên được bố trí với những khoảng cách khác nhau nhưng vẫn giữ theo trục Hoàng đạo, tạo nên một tổng thể hài hòa, vừa tạo sự trang nghiêm, thánh thiện, hòa quyện giữa thiên nhiên với con người.
Vật liệu được lựa chọn chủ yếu là bê tông, gạch đá nhằm đảm bảo bền vững với thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của nơi đây. Khi hoàn thành, chùa Đại Tuệ sẽ là một không gian tâm linh không chỉ tạo được dấu ấn đậm nét Phật giáo xứ Nghệ vốn lâu đời mà còn xứng tầm là một trung tâm Phật giáo của cả miền Trung, là điểm du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái lớn của xứ Nghệ trong hành trình của du khách về thăm quê Bác, quê hương Đại Thi hào Nguyễn Du.
Với chùa Gám trên rú Gám (còn gọi chùa Chí Linh) thuộc xã Xuân Thành (Yên Thành) là hướng phục hồi thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên xứ Nghệ. Rú Gám xưa có tên Thứu Lĩnh (Thứu là tên cổ chỉ núi Phượng Hoàng - Phượng Sơn) cùng với sông Dinh tạo nên danh thắng và là biểu tượng không chỉ cho quê lúa Yên Thành mà còn của cả vùng Hoan Diễn xưa: “Dinh thủy đông hồi nhiêu quang vụ/ Phượng Sơn tây phục hướng minh đường” (Tạm dịch: Nước sông Dinh chảy vòng từ phía Đông bồi đắp làm nên mùa màng tươi tốt/ Núi Phượng từ phía Tây chầu về mở hướng sáng tương lai). Nét đặc biệt của rú Gám là một khu rừng nguyên sinh với hệ thảm thực vật và động vật rất phong phú. Trên rú Gám là một quần thể nhiều di tích.
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Đề án đầu tư công trình văn hóa tâm linh đền, chùa rú Gám và thiền viện Trúc Lâm Yên Thành là điểm nhấn cho sự phát triển bền vững, đánh thức tiềm năng, thu hút du khách về với Yên Thành trong tương lai. Theo đề án này, ngoài mở rộng khuôn viên, tôn tạo khu di tích gốc (các đền và chùa Gám), khu văn hóa tâm linh được bố trí hoàn toàn dưới tán rừng đặc dụng có diện tích 125 ha, gồm có thiền viện tăng bố trí tại đền Gám, thiền viện ni tại sườn núi phía Bắc, đền vua Hùng ở lưng chừng núi phía Nam và trên đỉnh núi đặt tượng Quan thế âm Bồ Tát.
Ngoài ra còn có nghĩa trang liệt sỹ và khu tưởng niệm, khu nghỉ dưỡng sinh thái gần 200 ha với 38 ha mặt nước với nhiều hạng mục như nhà nghỉ, nhà dịch vụ, nhà đón tiếp, nhà hàng, quảng trường, bãi đỗ xe, tháp vọng cảnh, sân chơi thể thao, bể bơi, bến bơi thuyền, lướt ván… Đây cũng là khu phục vụ các lễ hội và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách.
Mục đích và những ý tưởng tốt đẹp là rất rõ ràng nhưng từ ý tưởng đến hiện thực, từ tiềm năng đã được đánh thức, được đầu tư đúng tầm, có trọng điểm muốn trở thành điểm đến du lịch, thành những sản phẩm du lịch là một khoảng cách không nhỏ, bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn như khâu nâng cấp cơ sở hạ tầng cả trong và ngoài khu di tích, công tác tiếp thị quảng bá cho điểm đến ra sao, đào tạo nguồn nhân lực và nhất là nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, văn hóa du lịch cho người dân sở tại, xây dựng tuor, tuyến sao cho hợp lý, khoa học… là những bài giải không hề đơn giản trong khi du lịch của Nghệ An vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp.
Mong rằng, ngay từ bây giờ, lãnh đạo các huyện Nam Đàn và Yên Thành sẽ phối hợp với các ngành hữu quan, các doanh nghiệp du lịch bắt tay cùng bàn thảo, xây dựng kế hoạch quảng bá cùng với việc đẩy mạnh tiến độ đầu tư phục dựng hai ngôi chùa mang dấu ấn đặc sắc của xứ Nghệ, bởi người dân đang rất hy vọng đây là những điểm đến hấp dẫn nhất trong tour du lịch văn hóa tâm linh – du lịch sinh thái của xứ Nghệ.
Sẽ có những điểm đến mới của du lịch văn hóa tâm linh
Mai Hồ Minh