(Baonghean) - Quảng Trị đang trong không khí náo nức kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh (9/7/1968 - 2013). Qua Đông Hà, Cam Lộ lên Hướng Hóa… dừng chân ở đâu, khi biết chúng tôi vượt hơn 300 cây số từ Nghệ An vô đây dịp này, thì người dân Quảng Trị nào cũng đều gật đầu như muốn nói đã hiểu cái việc đi, đến của chúng tôi là đúng đắn, là đương nhiên vậy! Khe Sanh - địa danh đó sự thực đã luôn vang lên trong niềm tự hào chiến thắng đâu phải riêng của riêng người dân Quảng Trị anh hùng…
Ngay khi đặt bước chân đầu tiên lên sân bay Tà Cơn và dấu tích chiến địa Làng Vây xưa, tôi đã vô cùng hối hận vì đã không có sự chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi này. Đường 9 - Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn… là những địa danh gắn với chiến thắng vang dội mở đầu cho chuỗi Tổng tiến công mùa Xuân năm Mậu Thân 1968 của quân và dân ta; nơi chiến địa ngày nào dù còn nguyên đó niềm tự hào, nhưng thật khó để gọi về những huyền thoại đất và người mà lẽ ra tôi đã làm được thế.
Tại Đài chiến thắng Làng Vây.
Có lẽ cũng bởi vì tôi đã quá “dựa dẫm” vào một niềm yêu Quảng Trị của một người Quảng Trị. Đó là anh Trần Hoài, phóng viên thường trú của Báo Quân đội nhân dân tại Bắc miền Trung, sinh ra ở Vĩnh Linh khi cuộc chiến đã bắt đầu dấu hiệu cáo chung cho thất bại của người Mỹ trên chiến trường Việt Nam vào năm 1971.
Tôi biết với Trần Hoài, hai miền Cửa Tùng – Vĩnh Linh và Khe Sanh – Hướng Hóa là hai ám ảnh quê hương luôn đằm sâu trong cảm xúc ở những truyện ngắn, ký sự khá đầy đặn của một nhà báo mặc áo lính… 10 năm trước (vào năm 2003) dịp đi cùng đoàn làm một bộ phim tài liệu nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Khe Sanh của Báo - Truyền hình Quân khu 4, thì Trần Hoài đã có cái ký xuất sắc “Khe Sanh, không chỉ một ngày…” trên báo Quân đội nhân dân, với cảm nhận thật độc đáo và chính xác có lẽ chỉ có được ở trong sự nhạy cảm của một người con Quảng Trị: “Tôi nhìn những vỉa đá màu váng sắt dưới chân mình, trên cứ điểm đã lừng danh thế giới và thầm nghĩ rằng sắt thép vũ khí, bom đạn, thuốc nổ đã bị nung chảy rồi tan hoà vào đất đá Khe Sanh, chứ không phải là các nguyên tố kim loại bị ruột đất nung chảy trong hàng triệu độ, phát bùng lên thành núi lửa phun trào nham thạch, để cho màu đất đai nơi đây đỏ tươi màu máu”.
Trên đất đai “đỏ tươi màu máu” đó, nay đã trải một màu xanh trù phú của những rừng cao su, hồ tiêu, những nương chuối, sắn hàng hóa của đồng bào Kinh, Vân Kiều, Pa Cô trong “trận chiến” mới chiến thắng đói nghèo và lạc hậu. Cứ 5 năm một lần Quảng Trị lại trọng thể tổ chức kỷ niệm Chiến thắng Khe Sanh. Mỗi lần được mời về dự, những người lính của những trận Làng Vây, Tà Cơn, Cam Lộ… đã mừng vui đến ngỡ ngàng vì những đổi thay mạnh mẽ trên những vùng chiến địa năm xưa. Dọc suốt 60 cây số từ Đông Hà lên Hướng Hóa, đã khó mường tượng về một đường 9 oai hùng và khốc liệt đạn bom 45 năm trước. Con đường huyền thoại ấy nay đã trở thành một phần trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây dài 1.450 km chạy qua 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar với lượng giao thương ngày một tấp nập.
Cứ ngỡ như có một thế hế hệ con em vùng đất lửa này đều trưởng thành với binh nghiệp (!). Trưởng Ban CHQS huyện Hướng Hóa, Trung tá Nguyễn Thuận Huệ lại là bạn học hồi phổ thông ở Vĩnh Linh của nhà báo Trần Hoài. Dẫn chúng tôi lên cao điểm 320 của căn cứ Làng Vây trước đây, nay thuộc địa bàn xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Trung tá Huệ cứ vanh vách về những chi tiết diễn biến của trận Làng Vây, trong đó có lực lượng phối hợp thuộc bộ đội địa phương của huyện Hướng Hóa; rằng anh cảm thấy tự hào và vinh dự được giao nhiệm vụ về phụ trách công tác quân sự ở đây… Cao điểm 320 là một mỏm núi “đắc địa” về mặt quân sự, nằm sát đường 9. Đứng ở đây có thể bao quát được toàn bộ di tích căn cứ Làng Vây và một vùng rộng lớn dọc theo sông Sê Pôn, tận sang nước bạn Lào.
Cũng theo Trung tá Huệ, thì con cháu của những người dân đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Hướng Hóa từng chở che bộ đội, phục vụ dân công góp phần làm nên Chiến thắng Khe Sanh nay đang tích cực lao động sản xuất, bắt nhịp với tư duy làm ăn mới, đã phấn đấu đạt thu nhập bình quân 18,5 triệu đồng/người/năm vào 2012. Gặp các tự vệ xã Tân Long đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho sự kiện cầu truyền hình của Đài Truyền hình quân đội “Khe Sanh: Từ muôn trái tim”, có Hồ Văn Trực, sinh năm 1979, Hồ Văn Bành, sinh năm 1992 đều là con em dân tộc Vân Kiều, các anh cho biết là ngoài những khi thường trực sẵn sàng chiến đấu, thì tham gia lao động sản xuất cùng gia đình với hàng héc-ta trồng sắn, trồng chuối hàng hóa cho thu ngót trăm triệu đồng mỗi năm. Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa có diện tích vùng nguyên liệu tới 4.500 ha tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị và 2.000 ha ở nước bạn Lào, sản phẩm tinh bột sắn SEPON do nhà máy sản xuất xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,… Lần đầu tiên tôi được gặp những người dân Vân Kiều mà câu chuyện niềm tin theo Đảng, Bác Hồ của họ đã là ấn tượng đẹp và xúc động trong kháng chiến chống Mỹ; bây giờ, ở họ vẫn một lòng chân chất với cách mạng như thế!
Theo tài liệu ở Ban Chỉ huy Quân sự Hướng Hóa, thì từ đầu năm 1966, Mỹ ra sức tăng quân và vũ khí lên miền Tây Quảng Trị, lập thành một hệ thống căn cứ dày đặc tại các vị trí then chốt như Tà Cơn, Làng Vây, đồi Cù Bốc, Động Tri…. Căn cứ Làng Vây được coi là “tác phẩm” của Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam - tướng Westmoreland, với kỳ vọng là một tập đoàn cứ điểm quân sự “chốt cứng” trong phòng ngự, ngăn chặn phía Tây Bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở phía Nam khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân đối phương từ Lào tràn qua dọc theo đường 9 và cũng là căn cứ cho hoạt động biệt kích quấy nhiễu đối phương dọc biên giới Việt - Lào. Đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh tìm diệt bộ đội chủ lực của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh phá cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh là huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho chiến trường chống Mỹ ở miền Nam.
Căn cứ Làng Vây được xây dựng trên hai cao điểm 320 và 230, chiều dài 600m và chiều rộng 200m, có nhiều hầm hào và công sự kiên cố với các điểm hoả lực rất mạnh, gồm cả trận địa pháo 105 mm, cối 106,7 mm. Bao bọc xung quanh căn cứ là những lớp hàng rào dây kẽm gai chằng chịt, dưới chân đồi có các bãi mìn lớn với tầm sát thương và huỷ diệt cao. Chốt giữ ở đây là những lực lượng đặc biệt của Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hòa gồm 6 đại đội, có 30 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy...
Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam đã ghi lại rõ và phân tích rất nhiều về trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, được coi là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia tiến công của quân đội ta, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch, thu nhiều vũ khí khí tài; là trận chiến mở màn cho Chiến thắng Khe Sanh.
Tại Hướng Hóa, may mắn chúng tôi được gặp hai người lính già từng đánh trận Làng Vây, hai người Anh hùng LLVTND mà tên tuổi của họ đã gắn với niềm tự hào Chiến thắng Khe Sanh. Đó là Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, nguyên Tư lệnh binh chủng Tăng- Thiết giáp từ năm 2000 đến năm 2005 và Đại tá Trần Hữu Bào - người chiến sỹ Sư đoàn bộ binh 304 anh hùng năm xưa.
Dịp này, hai ông về lại Quảng Trị là để tham gia vào các sự kiện kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khe Sanh. Tiếp chúng tôi trong sảnh lớn của một khách sạn ở Thị trấn Lao Bảo, Anh hùng Thiếu tướng Lê Xuân Tấu đã không nói nhiều về trận đánh mà chiếc xe tăng số hiệu 555 do ông chỉ huy dẫn đầu đội hình Trung đội 3, Đại đội xe tăng 3 xông xáo chiến đấu góp phần quan trọng tiêu diệt gọn cứ điểm Làng Vây của địch trong đêm mùng 6 đến rạng ngày 7/2/1968. Ông chỉ chùng giọng kể về những đồng đội đã ngã xuống suốt chiều dài cuộc chiến; kể về những đồng đội đã sát cánh, hỗ trợ cho ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận đánh Làng Vây như các đồng chí Phan Văn Hai – lúc đó là đại Đội trưởng Đại đội 3 xe tăng, Lê Văn Bàng - Chính trị viên phó Đại đội, đều quê Thanh Chương, Nghệ An, về nghỉ hưu đều với quân hàm đại tá, nay có những khó khăn trong cuộc sống mà ông chưa giúp đỡ được, cũng không đón được họ vào Khe Sanh dịp này…
Giao lưu với 2 anh hùng lực lượng vũ trang: Thiếu tướng Lê Xuân Tấu và Đại tá Trần Hữu Bào - nhân chứng trận Làng Vây, đầu cầu truyền hình Hướng Hóa - chương trình truyền hình Quân đội, nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khe Sanh.
Trong tâm sự ngoài lề của Anh hùng Đại tá Trần Hữu Bào – người chiến sỹ bộ binh trận Làng Vây năm xưa mà chiến công một mình tiêu diệt 78 lính đối phương đã được phong tặng danh hiệu dũng sỹ cấp ưu tú, bằng chất giọng Nghệ An trầm ấm, ông nói rằng, chúng ta nhắc nhớ lịch sử, giữ lấy niềm tự hào về tinh thần chiến đấu và chiến thắng ở Chiến dịch Khe Sanh là để cho cả việc khép lại những vết thương chiến tranh và nhân lên khát vọng hòa bình…
Năm 2011, khi Thiếu tướng Lê Xuân Tấu về thăm lại Khe Sanh, ông đã gặp ở đây một cựu chiến binh Mỹ, nguyên cố vấn ở cứ điểm Làng Vây. Giôn (tên người cựu binh ấy) đưa cả gia đình 6 người sang thăm Khe Sanh, đã thốt lên với Thiếu tướng Lê Xuân Tấu: “Các ông chiến thắng là đúng vì các ông đã chiến đấu với tất cả lòng dũng cảm!”.
Không biết ông Giôn có hiểu được rằng, lòng dũng cảm đó là xuất phát từ mục đích của một cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam? Có lẽ đây cũng là người cựu binh Mỹ đã trở lại Làng Vây vào năm 2003, mà hình ảnh ông ta khóc nấc lên, quỳ xuống mặt đất chiến địa xưa đã găm vào ký ức làm báo của Trần Hoài, dù anh chưa một lần viết lại. Nỗi đau đó của người cựu binh Mỹ, có không phần hồi tâm thức tỉnh của người cầm súng đi gieo rắc chiến tranh?
Di tích Sân bay Tà Cơn vào một chiều Quảng Trị vần vũ gió; các đơn vị tổ chức sự kiện đang khẩn trương dựng sân khấu, lễ đài chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh diễn ra tại đây.
Hiện ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật chiến tranh từ quân trang, khí tài cá nhân của lính Mỹ đến các loại máy bay vận tải quân sự, trực thăng nhãn hiệu USA. Ở Tà Cơn, từ năm 1966 quân đội Mỹ đã cho xây dựng một cụm cứ điểm lớn trở thành vị trí quân sự lớn nhất trong hệ thống phòng thủ đường 9 – Khe Sanh với quy mô chạy dài 2 km, rộng 1 km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ trang.
Trong chiến dịch Khe Sanh của ta, trận đánh Sân bay Tà Cơn là đợt tấn công cuối cùng (từ 8/5 – 15/7/1968) đánh quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh. Lịch sử ghi nhận: “Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, gắn chặt với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, góp phần quan trọng buộc Mỹ phải rút thang trút gánh nặng xuống chính quyền ngụy quân Sài Gòn, ngừng ném bom miền Bắc ngồi vào vòng đàm phán Pa-ri, khởi đầu một quá trình thất bại về chiến lược của Mỹ”.
Di tích lịch sử Tà Cơn cũng nằm trên địa bàn xã Tân Lập, dù chưa được phục dựng đầy đủ, nhưng đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá “tour DMZ” (du lịch vùng phi quân sự).
Theo ông Lê Quân Miện – Trưởng Ban Quản lý Di tích Lịch sử Sân bay Tà Cơn, thì mỗi năm ở đây đón khoảng 7.000 lượt khách. Đáng chú ý là có rất nhiều khách châu Âu, Mỹ, Canada, Úc đến thăm Tà Cơn rất am hiểu thông tin về căn cứ Tà Cơn, trận chiến Tà Cơn; và một người Mỹ khi đến đây đã từng nói với ông Miện rằng: Thất bại của những người lính Mỹ ở Tà Cơn - Khe Sanh lại là hạnh phúc cho hàng vạn gia đình nhân dân Mỹ khi bắt đầu từ đó được lần lượt đón con em trở về, rời xa một cuộc chiến khốc liệt và vô nghĩa của quân đội Mỹ! Trên cánh đồng Tà Cơn hôm nay, bên cạnh những hiện vật chiến tranh, giao thông hào, công sự… được phục dựng là yên ả xanh những rau màu được nhân dân vận dụng đất trống để canh tác.
Lau-ra, cô bé người Mỹ và nhóm bạn vượt từ bên kia bán cầu đến Việt Nam, đến với Tà Cơn, đã đứng rất lâu trước mỗi hiện vật, mô hình, sải những bước chân đầy ngẫm ngợi trên dấu tích phi trường. Lau-ra đã ghi cho tôi địa chỉ email của cô ấy, viết thêm ở dưới “TACON – meaningful!”. Chẳng biết Lau-ra có phải là con, cháu của một người lính Mỹ tham chiến ở Tà Cơn hay không, nhưng nụ cười, ánh mắt của cô đối với chúng tôi đầy thân thiện và yên ả cũng như chiều Tà Cơn này vậy!
Chia tay Khe Sanh – Hướng Hóa, tạm biệt những Tà Cơn, Làng Vây lịch sử, lại xuôi đường 9 về Cam Lộ, Đông Hà…; nhớ lời của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa Nguyễn Thuận Huệ: “Sau 45 năm cho thấy Chiến thắng Khe Sanh là niềm tự hào còn mãi của người dân Hướng Hóa, của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở đây; nhưng có lẽ sẽ trọn vẹn hơn, nếu Khe Sanh thực sự khai thác tốt tiềm năng du lịch về nguồn và hoài niệm chiến trường xưa, để góp phần có thêm nguồn thu, cải thiện đời sống nhân dân hơn nữa”. Và tôi lại tự “dằn vặt” mình vì đã không có sự chuẩn bị kỹ càng cho chuyến đi này, đành hẹn một ngày trở lại để cảm nhận trọn vẹn niềm tự hào Chiến thắng Khe Sanh trên đường 9 huyền thoại!