(Baonghean) - Một người bạn của nghệ sỹ Ngọc Ngãi chỉ đường cho tôi đến nhà ông: “Trên đường Nguyễn Phong Sắc, gần tới sân bóng Hưng Dũng, có lối rẽ, thấy cái quán nhỏ có biển đề “Ngọc Ngãi: Cắt tóc, lấy cao răng”. Loanh quanh mãi tìm cái biển đề ấy, không thấy, nhưng rất may là người dân Hưng Dũng ai cũng biết ông, người ta chỉ đường cho tôi rất tận tình, còn giới thiệu thêm: “Ông ấy là diễn viên tài năng một thuở của đất Hưng Dũng này, bây giờ không chỉ thạo nghề cắt tóc, lấy cao răng, mà còn làm chủ hôn rất có duyên nữa…”.

Hóa ra cái biển cắt tóc được ông cất trong nhà. Ông dè dặt đón tôi, và nói: “Viết về chú ư, có gì mà viết nữa. Chú thôi nghiệp diễn lâu rồi. Cũng chẳng có danh hiệu gì trong đời làm nghệ thuật cả. Bây giờ vui nghề cắt tóc, vệ sinh răng miệng, thi thoảng đi câu…”. Khi tôi thưa với ông rằng rất muốn nghe, muốn hiểu thêm về nghiệp diễn của ông, của các nghệ sỹ thế hệ ông, Ngọc Ngãi xin lỗi ông bạn hàng xóm tới rủ đi câu cá để dành cho tôi một buổi chiều ngay trước sân nhà thoáng rộng với khoảnh vườn nhỏ xinh…
images990726_dsc_0474.jpgDiễn viên Ngọc Ngãi đóng vai Bác Hồ trong vở diễn “Người đi tìm nhịp trống” biểu diễn năm 1985 tại Hải Phòng (ảnh chụp lại)
 
Ông nói, không riêng mình ông, mà cả thế hệ nghệ sỹ sinh ra trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ đều phải chịu nhiều thiệt thòi. Khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần đã đành. Cả dân tộc mình khi ấy đều thế, nhưng có cái thiệt thòi riêng của giới văn nghệ sỹ là có lúc, có nơi vẫn phải chịu những định kiến hẹp hòi khiến cho ý tưởng, sự sáng tạo không được “cất cánh”. Mà với người nghệ sỹ, thì đó lại là yếu tố sống còn.
 
Diễn viên Ngọc Ngãi
Tính đến nay ông đã xa sân khấu hơn 20 năm. Cái quyết định xin về hưu đúng lúc tài năng đang độ “chín” thật không dễ dàng gì, và nó đã biến ông thành “người nông nổi” trong con mắt nhiều đồng nghiệp và có lẽ đôi lúc cả trong suy nghĩ của chính ông nữa? Hơn 20 năm với bao đêm thức trắng, nhớ sân khấu tới quắt quay trong nuối tiếc, thẫn thờ. Hơn 20 năm với biết bao nhiêu bươn chải để mà sống, mà vẫn mơ được trở lại một lần với vai diễn mình tâm đắc nhất: Bác Hồ… Ông kể, ấy là năm 1990, sau lần đi hội diễn không thành. Thất vọng lớn lao, người diễn viên chính của Đoàn Ca múa kịch Nghệ An xin được về hưu để trở thành thợ mộc. 2 năm làm thợ mộc, xây được ngôi nhà bằng. Thấy thế là cũng toại nguyện, hơn nữa “làm mộc mệt lắm”, ông chuyển học nghề cắt tóc, lấy cao răng và “thủy chung” với công việc ấy đến giờ. “Âu cũng là cái số. Nhưng nói thật, cho tới giờ, tôi vẫn mơ… sân khấu”.
 
Giấc mơ ấy, có từ thời cậu bé 6, 7 tuổi Cao Ngọc Ngãi của Làng Đỏ Hưng Dũng đứng hát “Con ếch xanh” trên sân khấu… làng. Mồ côi cha khi còn rất nhỏ (cha là liệt sỹ chống Pháp), mẹ làm nông nghiệp gắn bó với ruộng đồng, gia cảnh nghèo khó, nhưng cậu bé ấy đã luôn mê hát, và mỗi lần cất tiếng hát là Ngọc Ngãi như quên hết mọi nỗi buồn, khổ. Tham gia sôi nổi phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” tại địa phương, trong một lần hội diễn toàn thành phố, giọng hát, tài diễn xuất của Ngọc Ngãi đã “lọt mắt” lãnh đạo Đoàn Kịch nói Nghệ An. Ngọc Ngãi được tuyển vào đoàn năm 1968. Vào đoàn đúng lúc chiến tranh ác liệt, Ngọc Ngãi vừa hát vừa đóng kịch trên những trận địa vừa dứt tiếng súng.
 
Giọng đơn ca Ngọc Ngãi với những bài ca cách mạng như “Chiếc gậy Trường Sơn” (Trần Chung), “Tôi người lái xe” (An Chung), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (Huy Du).. đã “truyền lửa” cho bộ đội và nhân dân. Đó là những ngày vất vả, gian lao nhưng sục sôi khí thế. Mỗi diễn viên cũng là một chiến sỹ. Họ có mặt khắp các địa phương, mặt trận. Vừa diễn xong là vội vã “bốc” sân khấu tới địa điểm mới. Có khi chỉ là một khoảng đất bằng phẳng nhỏ bé giữa một trận địa pháo còn nguyên mùi khói súng. Vừa diễn, vừa “chạy bom” là thường. Ngọc Ngãi kể lần đoàn diễn ở trận địa pháo Quỳnh Tam, đang diễn thì nghe báo động. Hôm ấy, chính mắt ông đã thấy trên nền trời, một chiếc máy bay địch chiến sỹ phaoáo ta bắn bốc cháy, đứt làm đôi, chiếc dù đỏ bung ra…Thế là cả đoàn kịch, cùng hò reo, để nguyên mặt mũi đang hóa trang chạy đi bắt giặc lái. Rồi những đêm diễn dưới mưa bom ở Truông Bồn. “Chúng tôi đã diễn đến quên chết”- Ngọc Ngãi trầm ngâm nhớ lại…
 
Ngày ấy, Ngọc Ngãi luôn được phân vai chính trong các vở kịch của đoàn: là anh thương binh Việt trong vở “Đôi mắt” của tác giả Vũ Dũng Minh, Chủ nhiệm Tuấn trong “Tầm nhìn” của Nguyễn Tường Lân, nghệ sỹ Hoàng Nguyên trong “Bông mai vàng” của Huỳnh Chinh, Ô- ten- lô trong vở kịch cùng tên của Sec-xpia… Năm 1970, Đoàn Kịch nói Nghệ An tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vở “Tiếng trống Xô - Viết”, Ngọc Ngãi vào vai anh Quang - một nhân vật giả mù để hoạt động cách mạng. Vở diễn thành công, diễn viên Ngọc Ngãi được nhận giấy khen của Bộ Văn hóa. Ngày ấy, cứ 5 năm lại có một lần hội diễn, nhưng thật trớ trêu là 15 năm sau đó, đoàn dựng vở nào tham dự hội diễn toàn quốc, đến phần kiểm duyệt tại tỉnh đều không “lọt”. Những “Thảm cỏ xanh”, “Đường lên thượng nguồn”, “Tầm nhìn”… đều nói về khát khao thay đổi trong cuộc cách mạng vùng nông nghiệp - nông thôn sau sửa sai với bao nhiêu tâm huyết của các tác giả,  đạo diễn và diễn viên… đều có lý do “nhạy cảm” nên phải dừng lại. 
 
Ngọc Ngãi nhớ về những vai diễn ấy của mình, nhớ về những tâm huyết của một tập thể nghệ sỹ với ít nhiều chua xót: “Chúng tôi không còn là diễn nữa, mà chính là nói lên tiếng nói của đời thực, bao khao khát của lớp lớp người dân bấy giờ. Là người nông dân muốn vươn lên, mở rộng hơn cánh đồng của mình. Là cần phải thay đổi “tầm nhìn” của cán bộ cấp xã, huyện… Nhưng rồi, số phận những vở diễn ấy cũng không vượt ra khỏi cấp  tỉnh để có thể đến cùng công chúng rộng rãi hơn”. 
 
Năm 1985, sau vở diễn “Đường lên thượng nguồn” không được tham dự hội diễn toàn quốc, tỉnh điều Ngọc Ngãi chuyển sang Đoàn Ca múa kịch Nghệ An. Cũng năm này, ông được phân vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn “Người đi tìm nhịp trống” (An Thuyên). Đó là vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ông, mang lại cho ông Huy chương Vàng đầu tiên và duy nhất trong nghiệp diễn của mình tại Hội diễn sân khấu toàn quốc ở Hải Phòng. Sau đó, Ngọc Ngãi ở lại Đoàn Ca múa và miệt mài với những vai diễn. Năm 1990, Đoàn Ca múa dựng vở “Bác trong tôi” của nhà viết kịch Nguyễn Tường Lân, đạo diễn Ngô Xuân Huyền. Với Ngọc Ngãi thì vở kịch này “là vở kịch hay nhất về Bác Hồ” mà ông từng biết và cũng là vở diễn ông lại may mắn được vào vai Bác Hồ. “Đọc kịch bản, tôi đã khóc rất nhiều.
 
Quả là tác giả đã rất sâu sắc khi “thấy” Bác ở chiều sâu của nỗi buồn, chiều sâu của những hy sinh”. Đây cũng là vở diễn mà Ngọc Ngãi tâm đắc nhất và ông đã vận dụng “hết cả tâm huyết cuộc đời mình” để diễn. Vở kịch gồm 5 màn thì có tới 4 màn dài có vai diễn về Bác. “Có thể nói rằng, trước đây người ta luôn thấy Bác xuất hiện với vẻ mặt rạng rỡ, tươi cười, ngay cả trong đời thường hay trong các vở diễn khác, nhưng ở vở diễn này, người ta sẽ nhiều lần thấy Bác khóc. Bác đã khóc khi trở về thăm lại quê hương, khóc khi thấy cán bộ mà mình cất nhắc bị tha hóa, khóc khi đứng trước quốc dân đồng bào nhận phần lỗi về mình trong cải cách ruộng đất… Bộn bề nỗi riêng, niềm chung trong con người Bác”.
 
Với ý định đem vở diễn này tới Hội diễn toàn quốc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, vở diễn được hy vọng sẽ mang lại nhiều trăn trở, xúc động. Ngay khi đoàn tập cũng đã lấy đi rất nhiều nước mắt của công chúng và của chính diễn viên… Thế nhưng, nó đã không có cơ hội được xuất hiện trên sân khấu hội diễn, dù Đoàn Ca múa kịch đã “lặng lẽ” mang ra Hà Nội, đã được Ban Tổ chức bố trí diễn vào buổi cuối, khép lại kỳ hội diễn với rất nhiều kỳ vọng…
 
Lúc đó, diễn viên cả đoàn đã ôm nhau khóc.  Có lẽ, Ngọc Ngãi là người khóc nhiều nhất. Bởi ngoài nỗi chung, ông cũng khóc cho cả 20 năm làm nghề đầy lận đận của mình…
 
Và bây giờ, trước mặt tôi, vẫn còn vẹn nguyên nỗi thảng thốt trong đôi mắt đã chớm già nua của ông. Ông diễn lại cho tôi một đoạn thoại. Hơn 20 năm đã qua, những đoạn thoại ấy vẫn không hề bị xóa dấu trong trí nhớ của ông. Là lời Bác Hồ trước quốc dân đồng bào sau cải cách ruộng đất, là lời Bác dặn dò bà con quê Nghệ lần Người về thăm quê… Từ khóe mắt của ông, giọt nước mắt nghẹn ngào khẽ lăn. Lúc đó, tôi biết chắc, không phải chỉ có “người diễn viên” trong ông đang lên tiếng, mà còn là con người đời thực của ông đang thổn thức. Là con người của hơn 20 năm rời sân khấu vẫn mơ giấc mơ trở lại với vai diễn “Bác trong tôi”. Ông kể, có lúc nhớ nghề, nhớ vai diễn về Bác ông đã ngồi và… viết. Ông hỏi tôi, có thời gian không, ông sẽ đọc cho tôi nghe bài viết ấy. Trong cuốn sổ cũ nhưng được cất rất cẩn thận, ông dành viết về Bác Hồ, về niềm kính yêu, về những ước mong, những lời hứa với Bác…
 
Khi giọng đọc của người diễn viên năm nào đã lắng lại những dòng cuối cùng, tôi lại thấy ông đưa tay lên khóe mắt. Chúng tôi cùng ngồi im lặng trong lúc ánh mặt trời đã tắt lịm mé hiên phía Tây…
 
Bài, ảnh: Thùy Vinh