(Baonghean)- Tóc dài lòa xòa, quần có dây lưng, ông cả cười: Hình ảnh ấy đã làm nên “thương hiệu” Phan Thanh Chương bao nhiêu năm nay rồi. Kiểu nói ấy cũng là một nét tính cách của ông- thích tự trào lộng. Ngồi lẫn giữa biển quảng cáo, tranh ảnh, máy tính của gian phòng nhỏ chật hẹp, nơi ông mới chuyển về để đặt “trụ sở” của Công ty nghệ thuật ứng dụng Trường Xuân của mình, ông hát, ông cười, ông ví mình là con ngan, là gã tâm thần, là kẻ rậm lời, ba hoa… Đằng sau tiếng cười ấy của ông, đằng sau những lời trào lộng hóm hỉnh ấy, tôi như thấy trầm ngâm bao nỗi vui, buồn…
 
images995348_phan_thanh_ch__ng_1.jpgNhạc sỹ Phan Thanh Chương và tác phẩm mới viết về biển đảo.
 
Chịu ơn cuộc đời
 
Nhạc sỹ Phan Thanh Chương nói rằng, điều mà ông luôn tâm niệm để sống là “phải biết chịu ơn”. Ơn cha mẹ, ơn làng quê, ơn cả nỗi nghèo ẩn trong gió Lào, trong sỏi đá, trong lời ru chát đắng quê mình… Nhiều người nói, Phan Thanh Chương sáng tác dễ quá, đến đâu cũng có thể viết được, tôi biết, trong đó có cả lời khen ngợi, ngưỡng mộ thật lòng, nhưng cũng có không ít ý nghi ngại. Nhưng quả thực, phải hiểu ông, mới biết, ông viết nhạc nhanh, nhiều, cho mọi người, mọi quê là vì niềm trân trọng, biết ơn và yêu quý ông đối với cuộc đời này lúc nào cũng tràn đầy. Nói như vậy, không có nghĩa, những người khác thiếu biết ơn và yêu quý, mà vì tính cách, con người sôi nổi, nhiệt tình, “không thể làm một cái bình nước tĩnh lặng để dần dần lắng cặn, mà lúc nào cũng phải khuấy nó lên, lúc lắc nó”, Phan Thanh Chương nói phải như vậy.
Ông có thể viết về một người nông dân giỏi chăn nuôi, viết về một làng quê trên đà đổi mới, về những mảnh đất mà ông đi qua. Ông về đất Quỳnh Lưu là có bài hát về Quỳnh Bảng, về Hưng Nguyên là có bài hát “Chiều quê ngoại”, “Hành khúc tuổi trẻ Hưng  Nguyên”, về Nghĩa Đàn có “Bồi hồi sông Hiếu”, rồi Nam Đàn, Anh Sơn, Đô Lương… Mà bài nào cũng được đón nhận nồng nhiệt, vang lên với tất cả thiết tha, tự hào. Mỗi ngày được sống, mỗi người được gặp, mỗi mảnh đất đi qua, đều có thể là nguồn cảm hứng, bởi chính những điều ấy đã làm ông yêu thêm cuộc đời mình. Gặp nhiều, quen biết rộng rãi, có thể “vỗ vai” thân tình với cả những người có trọng trách, nhưng với Phan Thanh Chương thì biết để yêu, để trọng, để nhớ về nhau, chứ “mỗi người đều có đôi chân, đôi vai của chính mình”.
 
Ca khúc "Âm vang Hoàng Sa - Trường Sa"
 
Phan Thanh Chương kể rằng, có một cậu bé năm lên 4 tuổi đã ‘từ cõi chết trở về” nhờ bàn tay của bà con làng xóm. Có thể niềm biết ơn sâu nặng ấy đã hình thành trong trái tim cậu bé Phan Hồng Trường (tên thật của nhạc sỹ Phan Thanh Chương) từ ngày ấy chăng? Dù không còn muốn nhắc đến một quãng ký ức đau thương, nhưng đôi lúc trong đêm, cái trận bom Pháp năm nào lại trở về. Người làng đã tìm thấy cậu bé, gần như không còn lấy hơi thở nữa nằm trong vòng tay ôm chặt của bà nội giữa đống tan hoang, đổ nát. Bà không còn, nhưng cậu bé Hồng Trường thì đã được cứu sống giữa lằn ranh giới mong manh… 
 
Sau này, Phan Thanh Chương vào bộ đội, bao nhiêu lần đối mặt với đạn bom nhưng đã vẫn may mắn trở về. Ông cũng để lại một phần máu của mình tại chiến trường miền Nam mà sau này có dịp về thăm, ông đã xúc động viết nên ca khúc “Quảng Nam nỗi nhớ trong con”. Ngay từ thời quân ngũ, ông đã bắt đầu sáng tác những bản nhạc đầu tiên. Rời quân ngũ, Phan Thanh Chương về lại quê hương Thanh Long, Thanh Chương làm “hạt nhân văn nghệ cơ sở”, được cử đi học Trung cấp văn hóa, về làm ở Phòng VHTT huyện. Một quãng dài, Phan Thanh Chương gắn bó với phong trào văn hóa ở cơ sở, cho đến khi ông rời quê, lên tỉnh, nhiều cán bộ lãnh đạo huyện mới giật mình: Phan Thanh Chương - một ông cán bộ văn hóa mà nhiều nơi mơ cũng không có được. Làm việc, cống hiến bằng tất cả nhiệt tâm, về hưu, ông cũng không chịu “làm chiếc bình yên tĩnh”. Ông xoay xở để không có phút ngơi nghỉ mà “lắng cặn”. Ông lập Công ty Nghệ thuật ứng dụng Trường Xuân để vào “vai” giám đốc. 
 
Chính là niềm biết ơn, đã giúp Phan Thanh Chương hồn nhiên sống và “làm việc như điên”. Không chỉ viết nhiều tác phẩm âm nhạc, ông còn vẽ tranh, vẽ pa nô, áp phích. Người ta khen ông đa tài, ông nói, mình giống như một con ngan, biết bay một đoạn, chạy một đoạn, bơi một đoạn, thế thôi. Chỉ thương vợ, lấy phải mình là giống như “lấy phải gã tâm thần”, đi nhiều, hay xúc động vẩn vơ, hay làm việc đâu đâu, ban đêm trở về là lại lùng sục bên máy tính để vẽ, để viết từng nốt nhạc và… cất giọng hát ông ổng.
 
Chốn trở về
 
Đi nhiều, viết nhiều là thế, nhưng với Phan Thanh Chương thì đi cũng là để trở về, viết cũng là để thương hơn quê mình. “Lạ lắm, nhắc đến quê là lòng đã nghẹn lại. Viết về quê, nhiều đến không đếm xuể mà vẫn thấy chưa đủ. Mình may mắn được ông trời thương, cho làm “người thư ký” của quê hương, ấy là nhận xằng vậy, nhưng cứ sống với cái sự “tưởng tượng” ấy mà cần mẫn, mà vun xới, mà thủy chung với đất, với người quê”. Quê, không chỉ cho ông tiếng nói, cho ông một cội nguồn, mà còn cho ông cả nhân cách sống. “Cảm ơn cái nghèo đã đẻ ra lũ chúng mình, để chúng mình biết ăn, biết ở, biết thiện,
 
Thùy Vinh