Kinh tế thế giới năm 2013 đã có nhiều diễn biến tương đối thuận lợi khi đà phục hồi tại những thị trường quan trọng nhất tiếp tục tăng tốc.
 
Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu của kinh tế thế giới năm qua.
 
1. Bức tranh kinh tế toàn cầu đang sáng dần
 
Năm 2013, bức tranh kinh tế toàn cầu đã trở nên sáng sủa. Đà phục hồi kinh tế của Mỹ trở nên vững chắc hơn khi GDP quý 3 của nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng cao hơn rất nhiều so với quý 1 và quý 2. Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản đang dần thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và phục hồi nhờ chính sách tiền tệ siêu lỏng.
 
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã dần lắng dịu và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, lần đầu tiên đạt tốc độ tăng trưởng dương vào quý 2. Sau một thời gian tăng trưởng chậm lại, kinh tế Trung Quốc cũng bắt đầu tăng tốc và làm dịu bớt quan ngại về khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ “hạ cánh cứng”.
 
images904084_30122013_chungkhoan.jpgTại sàn giao dịch cổ phiếu New York ngày 24/12 vừa qua. Ảnh: AFP
2. WTO đạt được thỏa thuận lịch sử
 
Tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ chín ở Bali, Indonesia vào đầu tháng 12 này, các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đạt được “Thỏa thuận Bali đầy đủ.” Đây được coi là thỏa thuận lịch sử bởi sự kiện này mở ra triển vọng khai thông vòng đàm phán Doha của WTO về tự do hóa thương mại toàn cầu đang bế tắc.
 
Thỏa thuận bao gồm những cam kết đơn giản hóa thủ tục hải quan và dỡ bỏ các rào cản thương mại. Các chuyên gia kinh tế nhận định thỏa thuận Bali có thể giúp tăng GDP toàn cầu thêm gần 1.000 tỷ USD, đồng thời tạo thêm 21 triệu việc làm mới.
 
3. Đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập phương hướng cho nền kinh tế trong vòng một thập niên tới
 
Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đã thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề trọng đại liên quan tới cải cách sâu rộng, toàn diện." Đây được coi là kỳ họp xác lập phương hướng cho nền kinh tế nước này trong vòng một thập niên tới với việc đưa ra những nguyên tắc chung về cải cách các lĩnh vực như kinh tế, đất đai, thuế khóa...
 
Đáng chú ý là Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách đất đai, cụ thể sẽ thành lập một thị trường thống nhất giữa đất thành thị và đất nông thôn; đồng thời cho phép nông dân có "nhiều quyền hơn đối với tài sản.”
 
4. Cuba đẩy mạnh cải cách kinh tế
 
Năm 2013, Cuba đã đẩy mạnh cải cách kinh tế, mở cửa một số ngành như viễn thông và nông nghiệp cho thành phần kinh tế tự doanh, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào đặc khu kinh tế đầu tiên tại cảng biển Mariel.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Cuba cũng cam kết thực hiện một cách đồng bộ lộ trình xóa bỏ sự tồn tại song song của hai đồng tiền peso nội tệ (CUP) và peso chuyển đổi (CUC) đã kéo dài 19 năm để không ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân cũng như hoạt động của các thành phần kinh tế.
 
5. Cuộc chiến ngân sách khiến nước Mỹ có nguy cơ vỡ nợ
 
Vào cuối tháng Chín vừa qua, nước Mỹ đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội diễn ra căng thẳng. Cuộc chiến này đã khiến một bộ phận công sở liên bang bị đóng cửa trong 16 ngày đầu tháng 10 năm nay và đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này tới bên bờ vực vỡ nợ.
 
Tuy nhiên, vào phút chót, phe Dân Chủ và phe Cộng Hòa trong Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận về vấn đề chi tiêu ngân sách, nâng trần nợ công, qua đó giúp nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
 
Tổng thống Mỹ đã ký đưa vào thực hiện dự luật ngân sách tạm thời. Mặc dù vậy, những lo ngại vấn đề ngân sách và trần nợ công sẽ tiếp tục ám ảnh nước Mỹ trong năm 2014.
 
6. Vàng mất giá mạnh nhất trong vòng 13 năm
 
Tính từ đầu năm tới cuối năm 2013, giá vàng đã giảm khoảng 28%, chấm dứt 12 năm liên tục đi lên của kim loại quý này(tính từ năm 2000). Đây có thể xem là một năm thất bại của vàng và cũng là năm giá vàng giảm mạnh nhất trong ba thập kỷ qua.
 
Giá vàng giảm mạnh do tác động bởi các thông tin liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng QE3, lạm phát toàn cầu thấp, sự tăng điểm lên các ngưỡng kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ, đồng USD mạnh lên... Tình trạng này đã khiến nhiều nhà đầu tư rút tiền ồ ạt khỏi các quỹ đầu tư vàng.
 
7. FED thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng
 
Tại cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm 2013 vào ngày 18/12 vừa qua, Ủy ban Thị trường mở thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phục hồi mạnh mẽ.
 
Đây là lần đầu tiên Fed thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Động thái này của Fed có thể sẽ đánh dấu sự chấm hết cho “kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ” trên khắp thế giới và châm ngòi cho làn sóng thoái vốn khỏi các thị trường mới nổi trong năm 2014.
 
8. Thị trường mới nổi trải qua một năm nhọc nhằn
 
Mặc dù được trông cậy là "phao cứu sinh" của nền kinh tế thế giới, song các thị trường mới nổi cũng trải qua một năm 2013 khá nhọc nhằn. Sau một thập niên tăng trưởng hai chữ số, kinh tế của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) phát triển chậm lại do khủng hoảng ở châu Âu và Mỹ đã kéo sức cầu nước ngoài giảm dẫn đến xuất khẩu đình đốn.
 
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng 11 vừa qua đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 bớt 0,5% xuống còn 2,7% với lý do các nền kinh tế mới nổi (EME) tăng trưởng chậm lại. Theo OECD, số phận của nền kinh tế thế giới hiện bị "cột chặt" vào các thị trường mới nổi.
 
9. Thiệt hại từ siêu bão Haiyan có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế Philippines
 
Cơn bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử - đã đổ bộ vào Philippines gây thiệt hại lên tới hơn 570 tỷ peso (khoảng gần 13 tỷ USD) cho Philippines.
 
Thiệt hại từ cơn bão Haiyan có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước này trong năm 2013 và cả trong năm 2014. Chính phủ Philippines cho biết sẽ cần tới hơn 360 tỷ peso (khoảng 8,17 tỷ USD) để phục hồi và tái thiết những khu vực bị cơn bão tàn phá.
 
10. Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến
 
Năm 2013 chứng kiến hoạt động khai thác dầu khí đá phiến bùng nổ. Tổ chức nghiên cứu IHS Global Insight, có trụ sở tại London (Anh), mới đây dự đoán về một cuộc cách mạng dầu khí đá phiến có thể kéo giá năng lượng giảm mạnh trong tương lai.
 
Kết quả thăm dò cuối tháng 10 vừa qua của hãng tin Reuters cho thấy từ nay tới năm 2020, giá dầu Brent dự kiến ở mức trung bình khoảng 95 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức giá 112,37 USD/thùng ngày 30/12 tại thị trường New York (Mỹ), nhờ hoạt động khai thác dầu khí đá phiến bùng nổ ở Mỹ.
 
Còn theo kết quả khảo sát 42 nước sản xuất dầu công bố tháng Sáu năm nay của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tổng trữ lượng dầu đá phiến trên thế giới là 345 tỷ thùng, chiếm khoảng 10% tổng trữ lượng dầu có thể khai thác trên toàn cầu và đủ đáp ứng nhu cầu thế giới trong hơn một thập niên.
 
Theo Vietnam+