Lập chốt kiểm dịch, tổ chức phun hóa chất, rắc vôi bột trong các khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, kiểm soát chặt các lò giết mổ lợn... là những việc làm thường xuyên tại các địa phương có dịch, vùng uy hiếp và vùng có nguy cơ cao. Vì vậy, 3 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã được khống chế, chưa có hiện tượng lây lan ra diện rộng.
Tại các địa phương đã xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, những ngày qua không phát hiện thêm lợn chết bị bệnh. Người dân đã ý thức cao trong công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Đó là không vận chuyển lợn ra vào khu vực có dịch, không giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, nói không với sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc.
Theo ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Riêng ổ dịch tại xã Quỳnh Mỹ đã qua 12 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Ổ dịch tại xã Quỳnh Hưng đã qua 6 ngày không có thêm lợn chết vì bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay Nghệ An chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương nâng cao kiểm soát tại các ổ dịch, không được lơ là, chủ quan.
Từ ngày 12/3 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 48 mẫu lợn bệnh của 13 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã được lấy xét nghiệm tại cơ quan thú y vùng III, âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đến ngày 24/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 10.200 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương phun. Trong đó 200 lít cấp bổ sung cho các địa phương đã có dịch tả lợn châu Phi.
Ông Minh cho rằng, mặc dù Nghệ An đã cơ bản khống chế được các ổ dịch, nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tình trạng nguy cơ cao, bởi dịch đang diễn biến trên cả nước và trong tỉnh thời gian qua là theo kiểu "nhảy cóc", rất khó lường.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là, các hộ chăn nuôi lợn cần thường xuyên rắc vôi bột, phun hóa chất trong khu vực chuồng trại; không bán tháo lợn, không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa nấu chín; khi có lợn bị ốm, bệnh kịp thời báo với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý theo quy trình./.